Mùa nước nổi mang về bao sản vật trời ban, bồi đắp phù sa cho cây trái vườn tược, lưu lại trong lòng người bao niềm thương nỗi nhớ. Tôi đứng một góc trên chiếc cầu vừa xây ngước mắt nhìn xa xa là mênh mông biển nước, trắng bạc khắp cánh đồng.
Con nước dâng lên từ từ, đầy ắp những dòng sông, tràn qua bờ ruộng, khúc đê. Mùa nước nổi được ví như một bức tranh thiên nhiên nổi bật của miền Tây Nam Bộ nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng với những đầm sen hồng rực rỡ, bông súng ma sắc trắng tinh khôi, cùng nhiều loài cá ngon… Theo dòng phù sa, mùa cá linh non đổ về như "món quà" của mùa nước nổi dâng tặng cho bà con xứ đồng.
Thời điểm này là mùa cá linh và cũng là mùa mưu sinh của rất nhiều người dân sống bằng nghề "hạ bạc", đóng đáy truyền thống ở những con sông. Khắp nơi dập dìu những chiếc xuồng máy nhỏ bé lướt trên mặt nước hay neo đậu bên dãy nhà sàn, người người bận rộn giữa mênh mông nước lũ, vui mừng bắt tay vào mùa khai thác và đánh bắt cá linh.
Ngư dân, nông dân ven các bờ sông rạch đánh bắt cá linh bằng nhiều phương tiện như: vó, chài, vợt, lưới thả, lưới giăng nhưng muốn thu hoạch cá linh non nhiều thì người dân đều thả dớn. Cá linh được sinh ra từ dòng nước, không có bàn tay người chăm sóc. Cá linh được chia làm nhiều loại như: linh rìa, linh ống, linh cám…
Cá linh đầu mùa được xem là ngon, ngọt thịt nhất, chỉ bé như đầu đũa nên người dân gọi là cá linh non hay cá linh sữa. Cá chưa lớn nên xương mềm, bụng có mỡ béo ngậy. Ngày trước, cá linh nhiều đến nỗi chỉ cần dùng vợt lớn xúc ngược dòng nước cũng đủ cho bữa ăn hàng ngày. Bởi thế, người dân miền Tây thường ví von: "nhiều như cá linh" và người ta đong bán cá linh bằng dạ như đong lúa chứ không cân ký như bây giờ.
Bàn về ẩm thực với cá linh non thì vô cùng đa dạng và phong phú: Cá linh non kho nước dừa, cá linh non kho trái bứa, cá linh non kho trái cà na, cá linh nhúng giấm, cá linh nấu canh chua me, cá linh lăn bột chiên giòn, cá linh kho mắm… Người ở xứ khác khi về miền Tây mới thấm thía hết cái tình cái nghĩa của người xứ quê mình thể hiện ở trong từng món ăn tuy dân dã, mộc mạc nhưng lắm đậm đà.
Những món ngon từ cá linh non phải có sự "se duyên" với bông súng ma và bông điên điển miền quê thì mới gọi là "đúng bài đúng điệu". Dân nhậu chính hiệu khi có hơi men vào người rỉ rả bên tai câu ca dao:
Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon
Thịt cá beo béo, ngọt ngon thơm từng đũa gắp. Khi ăn hãy nhẹ tay gắp từng nhúm bông điên điển nhúng vào nồi nước lẩu. Rồi cũng khẽ khàng như thế dùng muỗng múc từng muỗng canh có cá linh và bông điên điển cho vào chén. Vì thịt cá linh rất mềm cùng điên điển là một loại hoa "thương hoa tiếc cá". Sự kết hợp hoàn hảo từ vị béo của cá linh non, vị ngòn ngọt nơi đầu lưỡi của bông điên điển mong manh, cái giòn giòn của bông súng ma sẽ tạo nên sự bùng nổ tuyệt nhất cho những ai mới thưởng thức món ăn từ cá linh non.
Hồi xưa, nhà còn nghèo, trời chưa kịp sáng là tía đã chóng xuồng ba lá ra tới đồng đổ dớn cá linh non. Rồi tía hối hả đem nhanh về sợ cá ngợp nước chết thì dập mật ăn sẽ không ngon nữa. Có hôm tía về, tôi thấy cá còn nhảy long tong trong khoang xuồng, tươi roi rói. Má tôi nhanh tay hớt lên đổ vào rổ, rửa với muối cho sạch rồi móc hầu cá lấy sạch mật cá ra, rửa sạch lại một lần nữa rồi để ráo nước, đem làm các món ăn cho bữa cơm chiều quê đạm bạc. Nồi cơm mùa lúa mới còn thơm mùi gạo mới, tô canh chua cá linh non nóng hổi, mẻ cá kho còn nghi ngút khói, đĩa rau luộc non xanh vừa vớt ra, chén nước mắm cá linh được má tôi ủ năm trước nấu thơm phưng phức. Tất cả hoà quyện vào nhau tạo thành bữa ăn ăm ắp nghĩa tình, dạt dào sự yêu thương của tía má, nồng đượm mà chân quê.
Mùa cá linh non chỉ được vài con nước đầu thì hết. Khi đến tháng 8, tháng 9 Âm lịch, cá linh đã trọng trọng thì chủ yếu cá linh được ủ nấu nước mắm, làm mắm. Đến giai đoạn trưởng thành hoàn toàn, cá linh phù hợp nấu canh chua, chiên giòn chấm nước mắm tỏi ớt cay hoặc nướng kẹp que tre chẻ giữa ăn kèm với rau đắng đất hay rau cải trời chấm nước mắm me chua ngọt đều rất hấp dẫn và có sức quyến rũ rất riêng.
Và đã trải qua bao mùa nước nổi quê nhà, những đứa con xứ đồng bưng miệt ruộng được lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của ông bà, sự bao bọc của tía, hành trình chắt chiu của má, sợi dây gắn bó, đoàn kết của anh chị em trong nhà, niềm san sẻ tối lửa tắt đèn có nhau của bà con lối xóm qua những sản vật tự nhiên trời ban cho vùng Đồng Tháp Mười đầy nắng gió miền quê.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.