Hôm trước, đang ngồi hóng gió trước nhà thì chị hàng xóm ghé ngang cho nhà tôi một mụt măng tre Mạnh Tông. Tôi nhìn sắc xanh non của măng mới sực nhớ mùa đang nở rộ. Cũng từ lâu rồi tôi không được thưởng thức lại món măng tre.
Trong những lần trò chuyện với bạn bè, tôi luôn bị trêu là dù có đi đông đi tây nhưng máu quê mùa vẫn chảy trong huyết quản. Chắc cũng vì lẽ đó nên càng lớn tuổi tôi càng thích ăn cá kho rau luộc hơn là các món sang trọng đắt tiền. Và món ăn quê hương, đặc biệt được chế biến từ măng tre với tôi ngon hơn bất cứ món ăn đặc sản nào.
Ở quê tôi, đa phần các hộ cư dân đều sở hữu một khu vườn rộng rãi nên rất ưa chuộng việc trồng thêm cây lá để tạo mảng xanh. Đa phần nhà nào cũng trồng bụi tre ở phía trước cổng hoặc sau hè. Cũng bởi, tre vốn là loài cây dễ trồng, có sức sống mãnh liệt, không kén đất nên phù hợp với điều kiện tự nhiên. Nếu may mắn được sinh trưởng ở vùng có đất đai phù sa màu mỡ thì những búp măng non lại càng trở nên ú tròn, hương vị thanh tao một cách thuần khiết.
Chắc cũng vì lẽ đó mà khu vườn sau nhà tôi khi xưa trồng rất nhiều tre. Ba tôi trồng tre khắp cả công đất sau nhà để phục vụ cho việc chống đỡ những cây quýt khi mùa quýt chín và tận dụng làm chòi giữ vườn. Những mái chòi nhỏ nằm rải rác trong vườn luôn được ba tôi cột kèo sườn vách bằng tre lợp lá rất mát, ngay cả cái vạt giường cũng đóng bằng tre. Khi nằm lên, sẽ cảm nhận được cảm giác láng bóng và mát lạnh.
Những ngày đầu thu, khi những cơn mưa dần trở nên nặng hạt hơn, quê tôi bước vào mùa măng. Ba tôi vốn mê đọc sách nên mỗi khi đứa con gái nhỏ là tôi, ngâm nga câu thơ: "Thu ăn măng trúc, đông ăn giá Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao..." liền nhanh nhẹn đi hái măng tre về cho các con thưởng thức.
Với nhiều người dân ở làng tôi, măng vốn là thực phẩm ưa thích. Măng tre vốn đơn giản là chồi gốc hay thân non của cây tre. Thông thường, cứ độ giữa tháng năm đến cuối tháng bảy âm lịch, khi những cơn mưa nặng hạt bắt đầu xuất hiện, cũng là thời điểm những búp măng tre đua nhau đội đất nhô lên. Theo kinh nghiệm của ba tôi thì măng thu hoạch vào khoảng thời gian sẽ thường non, mềm, ăn vào có vị ngọt và ít đắng so với thời điểm khác trong năm.
Trong kí ức tuổi thơ của tôi thì những búp măng sau vườn sau nhà tôi, chi cần vài cơn mưa nặng hạt rơi xuống, măng tre sẽ mọc đầy ăn không xuể. Gia đình tôi thường giữ lại một ít để ăn, phần còn lại sẽ chia cho bà con hàng xóm. Tôi nhớ nhất nồi măng hầm giò heo má hay làm. Những buổi trưa đói bụng, chi cần bới tô cơm nguội chan thêm ít nước hầm là đủ đầy hạnh phúc. Thi thoảng, mỗi khi ba tôi và anh trai đi làm đông mỏi mệt quay về, má cũng hay kho một nồi măng với thịt ba rọi ăn kèm cơm trắng và nồi canh rau tập tàng tươi xanh.
Hôm nào, trời mưa nhiều, má ngại không đi chợ, thường sai hai anh em tôi ra sau vườn đốn măng xào với tóp mỡ ngọt lịm. Măng sau khi hai anh em tôi mang về, má thường luộc trước khi chế biến thức ăn. Những ngày còn ở quê, tôi hay lẩn quẩn trong bếp, học lóm cách má luộc măng. Thông thường, má tôi sẽ tỉ mẫn ngồi lột vỏ măng, chủ yếu lấy phần non, sau đó đem rửa sạch. Sau đó, má sẽ chẻ đôi hoặc làm tư tùy theo măng lớn hay nhỏ rồi măng vào nồi luộc chừng mươi phút, bỏ thêm một tí muối.
Vốn bản tính cẩn thận, má tôi thường tranh thủ chắt nước đầu rồi đổ nước khác vào, tiếp tục làm như thế thêm hai lần nữa mới hết mùi hăng. Khi măng vừa chín tới, má thường có thói quen nếm thử đọt măng nếu không đắng, có vị ngọt xem như đã thành công. Nhà tôi có mấy cây dừa rất sai trái nên má tôi thường tận dụng làm món măng xào với dừa béo ngậy. Măng xào má sợi xắt nhuyễn vừa phải nhìn rất đẹp mắt, ăn lại cực kỳ tốn cơm.
Khi nhà có giỗ hay tiệc tùng đặc biệt, má tôi sẽ vào bếp trổ tài chiên bánh xèo với phiên bản có nhân măng và tôm thịt vàng ươm. Chị em tôi mê nhất vẫn là món ăn này. Da bánh xèo má chiên bao giờ thơm ngon giòn rụm hòa quyện cùng hương vị đặc trưng của nhân bánh. Chỉ cần cho một miếng bánh cuốn cùng với rau sống, chấm thêm ít nước mắm chua ngọt là đủ đầy và no nê.
Thi thoảng, ba hái được quá nhiều măng, má thường sẽ nghĩ đến món măng chua. Măng sau khi hái về. chị em tôi sẽ phụ má lột bớt vài lần vỏ ngoài, cắt khúc ngắn rồi ngâm vào thau nước lạnh có pha chút muối vừa đủ nhân nhẩn mặn. Độ chừng nửa ngày, má sẽ vớt ra, xả qua nước lạnh, rồi thả vào hủ nước vo gạo đậm đặc. Tùy thời tiết nắng nóng và độ đậm đặc của nước gạo măng tươi sẽ thành măng chua. Măng chua thường sẽ được má tôi tỉ mỉ cắt dọc thành lát mỏng xào với thịt hoặc hoặc nấu canh chua đều ngon. Dù là mùa đông hay mùa hè, nhìn vào mâm cơm có bát canh chua thanh mát luôn khiến người ta cảm thấy dễ chịu.
Nhưng đó chỉ là câu chuyện của nhiều năm về trước. Kể từ khi ba tôi mất đi, anh trai tôi cải tạo lại khu vườn. Vườn tre cũng già cỗi không còn nhu cầu sử dụng như xưa nữa nên anh cũng chặt bỏ hết. Má tôi kể từ đó cũng không còn ăn măng nữa. Cũng bởi, má sợ ăn vào sẽ bị nhức đầu gối do tuổi già .Và cũng từ đó tôi không còn ăn những món măng từ tay má nấu. Hương vị nồi măng hầm bát ngát, tô măng xào béo ngậy và những miếng tóp mỡ chị em giành nhau gắp trong dĩa măng xào đã trở thành hoài niệm khó quên trong ký ức tuổi thơ.
Cá nhân tôi luôn cho rằng măng tre ngon không chỉ bởi mùi vị đặc trưng mà còn bởi độ thanh ngọt hương đất tình người của làng quê. Măng tre góp phần đưa những món ăn mang đậm hương vị dân tộc đi sâu vào ký ức của bao người, mặc cho những đổi thay của cuộc đời hiện đại.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.