Chia sẻ về cơ duyên đến với mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo như hiện nay, chị Lưu Thị Quỳnh Hương, phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên cho biết: "Năm 2015, bố đẻ và mẹ chồng tôi đều được phát hiện mắc bệnh ung thư. Do sức khoẻ của bố tôi yếu nên không thể tự ăn uống được, chính vì thế, gia đình tôi đã duy trì sức khoẻ cho ông bằng cách cho uống đông trùng hạ thảo kết hợp với một số loại nước uống khác".
Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình chị Lưu Thị Quỳnh Hương, Tổ 8, phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh
Nhận thấy sức khoẻ của bố chị có sự cải thiện sau khi uống đông trùng hạ thảo. Do đó, năm 2018, khi Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nghiên cứu thành công việc trồng loại nấm này, chị Hương đã đến tham quan và có cơ hội dùng thử. Trên cơ sở đó, chị đã mày mò cùng với sự hỗ trợ từ trường Đại học Nông lâm và Đại học Nông nghiệp 1, năm 2019 chị đã quyết định xây dựng cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo và phát triển từ đó đến nay.
Theo chị Hương, nấm đông trùng hạ thảo có công dụng rất tốt trong việc bồi bổ cơ thể, hỗ trợ cải thiện sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng.
Ban đầu, chị Hương chỉ nghĩ làm thử sản phẩm này để chăm sóc sức khoẻ cho gia đình, họ hàng. Tuy nhiên sau này, với mong muốn phục vụ cả những người không có điều kiện nhưng vẫn có thể sử dụng, nên chị Hương đã quyết định phát triển rộng mô hình này.
Khi mới đi vào sản xuất, cơ sở nấm đông trùng hạ thảo của chị Hương chỉ mang tính nhỏ lẻ. Trong quá trình sản xuất, chị Hương cũng trải qua nhiều lần thất bại, qua mỗi lần như vậy chị lại rút kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức và dần dần hoàn thiện để đưa ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Với xưởng sản xuất rộng khoảng 30m2, chị Hương sản xuất nấm đông trùng theo hình thức gối nhau, cứ 15 – 20 ngày lại bắt tay vào một lứa mới. Với diện tích như vậy có sức chứa tối đa từ 1.500 – 2.000 hộp nấm với trọng lượng trung bình dao động từ 150 – 180g/hộp.
Quy trình sản xuất nấm đông trùng được thực hiện hết sức tỉ mỉ. Sau khi cấy mô ở phòng tối, nấm sẽ được đưa ra phòng sáng để kích sáng, sau đó khi nấm đã ổn định và đạt chiều dài khoảng 1cm sẽ đưa vào nuôi trong phòng lạnh trong điều kiện nhiệt độ từ 18 - 23oC tuỳ tình hình thời tiết. Sau đó sẽ nuôi nấm trong thời gian từ 10 - 12 tuần là có thể thu hoạch được.
Chú ý, để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng thì ngoài việc lựa chọn giống ban đầu, trong quá trình sản xuất, nấm đông trùng hạ thảo cần đảm bảo yếu tố sạch khuẩn. Do đó, tất cả các dụng cụ thể thực hiện việc cấy mô cần phải được tiệt trùng hoàn toàn bằng cách hấp ở nhiệt độ cao từ 100 – 120oC.
Theo chị Hương, với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại như thiết bị cảm ứng ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm nên ngày nay việc sản xuất nấm sẽ nhàn hơn rất nhiều, mà chất lượng vẫn đảm bảo.
Hiện cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của chị Hương đã phát triển và đưa ra thị trường các sản phẩm như: nấm đông trùng tươi, nấm đông trùng sấy thăng hoa, nấm đông trùng sấy khô, rượu đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, bột dinh dưỡng đông trùng hạ thảo, trà thảo mộc đông trùng hạ thảo… Các sản phẩm đều được chế biến theo hình thức dễ sử dụng và tiện lợi nhất cho người tiêu dùng.
Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chị Hương còn đặc biệt chú trọng đến bao bì sản phẩm bằng việc luôn đổi mới để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện, sản phẩm đông trùng hạ thảo khô được chị Hương bán với giá dao động từ 2 – 3 triệu đồng/1 lạng.
Hiện nay, đã có nhiều đại lý tại Thái Nguyên và Hà Nội phân phối các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo của gia đình chị Hương. Các sản phẩm được nhiều khách hàng tin dùng và đánh giá cao về chất lượng. Bên cạnh việc sản xuất nấm, cơ sở của chị Hương còn nhận gia công sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo và tư vấn cho một số đơn vị khác về kỹ thuật sản xuất.
Định hướng trong thời gian tới, chị Hương sẽ nghiên cứu và cho ra đời thêm một số sản phẩm mới để phù hợp với mọi lứa tuổi. Hiện, sản phẩm bánh trung thu có thành phần đông trùng hạ thảo mới được cơ sở của chị sản xuất thử nghiệm và đưa ra thị trường, bước đầu được nhiều người tiêu dùng đón nhận.