Tại hội thảo "Tầm nhìn và đối thoại hợp tác công tư ngành hàng lúa gạo Việt Nam" do Bộ NNPTNT tổ chức tại TP.Cần Thơ hôm qua 7/9, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, Đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL" của Bộ NNPTNT được xem là sự thay đổi to lớn đối với ngành lúa gạo.
Ông Thanh cho rằng, đề án có ý nghĩa trong việc hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo, cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao. Đề án cũng góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giúp nông dân trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu…
Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Theo ông Thanh, trước đó, tháng 6/2022, nhóm công tác đối tác công tư (nhóm đối tác công tư PPP) về lúa gạo đã được Bộ NNPTNT ban hành quyết định thành lập, giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Công ty TNHH Bayer Việt Nam đồng chủ trì.
Nhóm đối tác công tư PPP thông qua các hoạt động nghiên cứu, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công tư sẽ tạo đòn bẩy công nghệ nông nghiệp hỗ trợ cho các hoạt động của ngành hàng lúa gạo, trong đó có việc tham gia phát triển đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL".
"Nhóm đối tác công tư PPP sẽ góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Cùng với đó, tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam" - ông Thanh giải thích thêm.
Ông Thanh cam kết và mong muốn sự đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức công tư để tạo nên một giải pháp tích cực hỗ trợ cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Về phía Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ kích hoạt hệ thống khuyến nông bao gồm: khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông của các tổ chức xã hội, khuyến nông cơ sở cùng đồng hành để đáp ứng các mục tiêu đề ra.
Cũng tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt hoan nghênh tất cả các thành phần (đặc biệt là các doanh nghiệp) trong chuỗi giá trị lúa gạo cùng tham gia vào đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL".
Ông Tùng cho biết, Đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL" tập trung vào những hợp tác xã, tổ chức đại diện cho nông dân. Do đó, ông mong muốn, trong hợp tác công tư, doanh nghiệp hay các nhà đầu tư độc lập trong chuỗi ngành hàng lúa gạo cần thống nhất quan điểm là có giải pháp liên kết bà con nông dân lại thành một tổ chức.
Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật khi triển khai cũng cần phù hợp với mục tiêu của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hướng tới các yếu tố xã hội, nhân văn và môi trường. Ngoài ra, giữa doanh nghiệp, tổ chức công tư cần có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khuyến nông trung ương và địa phương.
Ông Tùng nhấn mạnh, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có quy mô lớn, chiếm 70% diện tích canh tác lúa của vùng ĐBSCL. Đề án nhận được sự kỳ vọng lớn của Chính phủ, Bộ NNPTNT và các địa phương vùng ĐBSCL và cả bà con nông dân. Hướng đến mục tiêu chung là nâng cao thu nhập cho người dân, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về hiệu quả kinh tế, đề án sẽ giúp giảm 20% chi phí sản xuất, góp phần giảm khoảng 9.000 tỉ đồng/năm cho các hộ trồng lúa. Đồng thời, do áp dụng quy trình canh tác bền vững, giá bán lúa cũng sẽ tăng thêm 10% so với cách canh tác truyền thống, tức người trồng lúa sẽ có thêm doanh thu 7.000 tỷ đồng (nếu tính tổng thể 1 triệu ha (13 triệu tấn lúa).
Cũng có thể nói, ước tính trên phạm vi 1 triệu ha lúa vùng chuyên canh, lợi nhuận từ sản xuất lúa sẽ tăng lên khoảng 16.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc người dân có thể thu thêm 2.000 đồng/năm từ việc bán rơm để tái sử dụng (trung bình 1 tấn lúa sẽ có 0,6 tấn rơm, giá rơm bình quân 300.000/tấn)
Trong khuôn khổ Hội thảo "Tầm nhìn và Đối thoại hợp tác công tư ngành hàng lúa gạo Việt Nam", các thành viên tham gia nhóm đối tác công tư PPP về lúa gạo đã đề xuất thành lập 3 nhóm điều phối thành phần, gồm: nhóm thị trường, nhóm công nghệ và nhóm chính sách.
Theo đề xuất, nhóm thị trường sẽ tập hợp số lượng lớn các đối tác tham gia từ các cơ quan chuyên môn ở cấp bộ, ngành đến địa phương, sẽ thực hiện các kết nối tiêu thụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm của nông dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đưa ra những dự báo về dự báo thị trường, đề xuất chính sách hỗ trợ cung cầu cho các sản phẩm trong chuỗi lúa gạo, hướng tới mục tiêu định vị giá trị hạt gạo.
Nhóm công nghệ sẽ tập hợp các doanh nghiệp cơ giới hóa, dinh dưỡng, bảo vệ thực vật, kỹ thuật số để ứng dụng các giải pháp tiên tiến, xây dựng một quy trình thống nhất cho sản xuất lúa bền vững.
Nhóm chính sách sẽ thực hiện rà soát chính sách, tổ chức các cuộc đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc, cải tiến hoặc đưa ra những chính sách mới.
Dựa trên những đề xuất, kiến nghị của các thành viên tham gia nhóm đối tác công tư PPP về lúa gạo, đơn vị chủ trì sẽ nhanh chóng hoàn thành kế hoạch và thiết kế khung chương trình hành động cụ thể. Sẵn sàng các điều kiện cần thiết khi Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được thông qua và triển khai thực hiện.