Giữ gìn giống lúa truyền thống, một hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc ở Bắc Ninh có thu nhập 6,6 tỷ/năm
Giữ gìn giống lúa truyền thống, một hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc ở Bắc Ninh có thu nhập 6,6 tỷ/năm
Nguyễn Thu (Hội ND Bắc Ninh)
Thứ bảy, ngày 02/09/2023 18:40 PM (GMT+7)
Những năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp Đức Lân (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã trở thành “điểm sáng” trong sản xuất, liên kết tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản của tỉnh Bắc Ninh. HTX cũng là mô hình kinh tế tập thể sản xuất lúa VietGAP đầu tiên và thành công tại tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2023, Hợp tác xã nông nghiệp Đức Lân vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc.
Nâng cao giá trị thương hiệu "nếp cái hoa vàng"
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Văn Vịnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phụ (huyện Yên Phong) cho biết: Xuất phát từ việc địa phương có truyền thống trồng lúa nếp cái hoa vàng, Hội Nông dân xã đã có nhiều giải pháp khuyến khích, hỗ trợ để các HTX và hội viên, nông dân trên địa bàn phát triển canh tác và sản xuất gạo nếp cái hoa vàng.
Trong đó, Hội tập trung tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những phương pháp mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng lúa, hạn chế sâu bệnh; liên kết trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tạo đầu ra ổn định và mở rộng thị trường… Một trong những HTX tiêu biểu là HTX nông nghiệp Đức Lân do ông Tô Như Khoa làm Giám đốc.
Đến nay, HTX nông nghiệp Đức Lân đã thu hút được trên 500 thành viên tham gia, sản xuất trên diện tích gần 60ha, với doanh thu 6,6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm HTX thu lãi trên 2,5 tỷ đồng. Hiệu quả từ mô hình hoạt động của HTX đã mang lại thu nhập ổn định cho xã viên, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nông sản chủ lực, phát huy thế mạnh của địa phương.
Theo ông Chu Văn Vịnh, nhờ có hướng đi đúng nên việc phục tráng và phát triển thương hiệu "nếp cái hoa vàng" được HTX và nông dân Đức Lân thực hiện bài bản, khoa học, coi đây là trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển thương hiệu giống lúa quý truyền thống.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đức Lân, ông Tô Như Khoa luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để lưu giữ và phát triển hơn nữa giống lúa nếp cái hoa vàng của quê hương. Đối với ông, phát triển sản xuất không chỉ là phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân mà giữ gìn "nếp cái hoa vàng" là thương hiệu, là hương vị riêng của quê hương.
Nhận thấy người dân trong thôn canh tác lúa còn manh mún, kém hiệu quả, năm 2017, ông Khoa đã vận động bà con góp đất, góp vốn, hoàn thiện các thủ tục liên quan thành lập HTX nông nghiệp Đức Lân do ông làm Giám đốc.
Ông Khoa cho rằng, việc thành lập HTX để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần phát huy những lợi thế của địa phương, đặc biệt là giải quyết bài toán được mùa, mất giá ở các hộ sản xuất nhỏ lẻ.
Các thành viên hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện góp đất, vốn để hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo ra sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu "nếp cái hoa vàng" của địa phương.
Ông Tô Như Khoa (phải) cùng Ban quản trị Hợp tác xã thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển trên cánh đồng lúa VietGAP. Ảnh: Nguyễn Thu
Đến nay, HTX nông nghiệp Đức Lân đã thu hút được trên 500 thành viên tham gia, sản xuất trên diện tích gần 60ha, với doanh thu 6,6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm HTX thu lãi trên 2,5 tỷ đồng.
Hợp tác xã Đức Lân đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát công nghệ cao
Theo ông Tô Như Khoa, trong sản xuất nông nghiệp, việc lạm dụng các loại thuốc BVTV, phân bón hóa học không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm, mà còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, HTX đã thay đổi theo hướng sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
HTX thành lập từng đội sản xuất nhỏ, như đội vệ sinh môi trường, đội phòng trừ sâu bệnh... và lập sơ đồ, khoanh vùng từng diện tích, từng loại giống để dễ dàng trong việc chăm sóc, quản lý. Bên cạnh đó, HTX cho xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV, phân bón để giữ gìn vệ sinh môi trường. HTX cũng triển khai thực hiện biện pháp ứng dụng IPM (biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp) vào sản xuất.
Về mô hình trồng lúa VietGAP, Giám đốc HTX Tô Như Khoa cho rằng thành công của HTX nông nghiệp Đức Lân là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Việc vận động bà con lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn do họ còn hoài nghi về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả từ thực tế đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.
"Cả cánh đồng mẫu hơn gần 60ha của HTX được xuống giống, chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu cho tới thu hoạch cùng thời điểm. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng hạt gạo, tránh rủi ro của thời tiết, HTX đã đầu tư hệ thống máy sấy, xay xát công nghệ cao trị giá 7 tỷ đồng, giúp người dân yên tâm hơn trong khâu thu hoạch" - ông Tô Như Khoa cho hay.
Ông Chu Văn Vịnh - Chủ tịch Hội ND xã Yên Phụ cho biết, cùng với HTX nông nghiệp Đức Lân, Hội ND xã đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trồng lúa thôn Đức Lân với 10 thành viên.
Tổ hội được thành lập với mục đích tập hợp, gắn bó những hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất lúa nếp cái hoa vàng trong thôn. Trong quá trình sản xuất, 10 thành viên nòng cốt này chịu trách nhiệm giám sát quá trình thực hiện tại từng hộ thành viên, có ghi nhật ký cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, thời gian bón phân, chăm sóc lúa…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.