Nhân chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược –Bộ Công an đã có những chia sẻ với Dân Việt, nhìn nhận về sự kiện đặc biệt này.
Thưa Thiếu tướng, cách đây hơn 8 năm lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ và nay lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông có nhìn nhận gì về sự kiện nay?
- Có thể thấy thể chế chính trị Việt Nam khác với các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ, Tổng thống quyết định mọi việc, còn ở Việt Nam, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước vị thế tương đương với tổng thống của các nước.
Cách đây hơn 8 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là ông Obama, với tư cách là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Việt Nam. (Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Việt Nam). Như vậy có thể thấy Tổng thống Hoa Kỳ đã mời người đứng đầu cơ quan lãnh đạo của Việt Nam sang thăm.
Cách đây 10 năm (năm 2013), Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã thăm Hoa Kỳ và và trong chuyến thăm đó 2 nước đã ký Đối tác toàn diện. Do đó, tùy theo hoàn cảnh trong nước và quốc tế mà Hoa Kỳ có thể mời Tổng Bí thư hay Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam sang thăm để xây dựng và phát triển mối quan hệ với Việt Nam một cách toàn diện. Họ đã mời Chủ tịch nước sang thăm, tiếp đó mời Tổng Bí thư (năm 2015) sang thăm.
Việc ông Joe Biden sang thăm Việt Nam, có thể thấy ông không phải Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới thăm chính thức theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này đã nói lên sự đặc biệt của chuyến thăm.
Vấn đề rất đáng chú ý nữa là Tổng thống Joe Biden không dự Hội nghị cấp cao ASEAN mà cử Phó Tổng thống Kamala Harris đi. Việc này khiến dư luận quốc tế có sự đánh giá trong việc lựa chọn của người đứng đầu Nhà trắng. Đây thể hiện thông điệp ngầm rằng Hoa Kỳ, chính quyền của ông Joe Biden đánh giá rất cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Điều thứ hai xuất phát từ như điều thứ nhất như đã nêu trên, Hoa Kỳ muốn thúc đẩy, mở rộng, phát triển hơn nữa mối quan hệ với Việt Nam. Theo tôi, đây là 2 điều đều xuất phát từ lợi ích quốc gia của 2 nước, là một mắt xích trong chiến lược an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Còn với Việt Nam, chúng ta đánh giá rất cao vị thế, vai trò và tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong các mối quan hệ quốc tế, trong quá trình chúng ta hội nhập theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa để phát triển đất nước, củng cố và gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy sự phát triển trong khu vực.
Tính từ thời điểm chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là ông Bill Clinton (tháng 11 năm 2000), sau đó ở nhiệm kỳ nào Tổng thống Hoa Kỳ đều có chuyến thăm Việt Nam và ngược lại chúng ta cũng có những chuyến thăm cấp cao tới Hoa Kỳ, đó là biểu hiện của mối quan hệ phát triển không ngừng giữa 2 quốc gia thưa ông?
- Từ thời ông Bill Clinton đến ông George W. Bush, rồi đến ông Obama, tiếp nữa là ông Donald Trump, giờ là ông Joe Biden sang thăm Việt Nam. Như vậy ông Biden sẽ là tổng thống Hoa Kỳ thứ 5 đến thăm Việt Nam kể từ thời điểm Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1995). Từ năm 2000 đến nay, thời Tổng thống Hoa Kỳ nào cũng đều sang thăm Việt Nam.
Điều này chứng tỏ các đời Tổng thống, kể cả người của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đều có sự đồng thuận trong vấn đề đánh giá vai trò, vị thế của Việt Nam đối với chiến lược của họ. Họ có thể mâu thuẫn với nhau về các vấn đề quốc tế khác như cuộc xung đột Nga - Ukraine, thậm chí quan điểm khác nhau về vấn đề với Trung Quốc...
Với sự nhìn nhận tôn trọng, đánh giá cao về nhau, tôi cho rằng sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ có bước phát triển mới trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh… trên diễn đàn song phương, đa phương.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua một chặng đường dài, từ cựu thù đến bình thường hóa, rồi đến Đối tác toàn diện. Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam sắp tới, hai bên có lẽ không chỉ đánh giá lại mà còn định hướng để đưa quan hệ song phương phát triển hơn nữa trong thời gian tới, ông nghĩ sao?
- Đúng như vậy, thành tựu có được sau 28 năm hai nước bình thường hóa quan hệ thì chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới đây sẽ là cơ sở, là dấu mốc mới để đưa quan hệ giữa 2 quốc gia sẽ phát triển hơn nữa, đúng định hướng của 2 nước. Việt Nam và Hoa Kỳ từ cựu thù đến bình thường hóa, rồi đến Đối tác toàn diện. Nhìn lại trong 10 năm qua, quan hệ giữa 2 quốc gia có bước phát triển rất lớn.
Nhìn lại trong 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, ông thấy dư địa để 2 quốc gia phát triển ở tầm cao mới như thế nào?
-Thành tựu của 10 năm Đối tác chiến lược bắt đầu từ thành tựu kinh tế, chúng ta mở thêm được thị trường hơn 330 triệu dân của Hoa Kỳ; chúng ta cũng mở cánh cửa để các tập đoàn công nghiệp, công nghệ của Hoa Kỳ vào đầu tư. Cách đây 10 năm, thương mại hai chiều mới đạt 35 tỷ USD, nay đã tăng lên 123 tỷ USD, như vậy đã gấp gần 4 lần.
Hoa Kỳ là siêu cường, có vai trò chi phối trong nhóm G7, thông qua Hoa Kỳ chúng ta mở rộng hơn thị trường để các nước nhóm G7 đầu tư. Điều này góp phần quan trọng vào việc thay đổi nền kinh tế, thay đổi kết cấu kinh tế của nước ta theo hướng hiện đại.
Trên phương diện chính trị, ngoại giao, rõ ràng trong diễn đàn song phương, đa phương, Việt Nam và Hoa Kỳ đã phối hợp, hợp tác để thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, phát triển trên thế giới nói chung và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.
Đối với chiến lược châu Á –Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Việt Nam có vị thế địa chiến lược rất quan trọng, chúng ta càng phải phát triển các mối quan hệ theo phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa để góp phần vào giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực, thưa ông?
- Mục tiêu của chúng ta là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống, những ai ủng hộ quan điểm của chúng ta thì sẽ thêm thế và lực cho Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ nói riêng và các quốc gia ở khu vực nói chung ủng hộ chủ trương đúng đắn của Việt Nam thì chắc chắn chúng có thêm điều kiện thuận lợi trong thực hiện mục tiêu của mình; việc ủng hộ chủ trương đúng đắn của Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Xin cảm ơn Thiếu tướng(!)