Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tổng thống Biden thăm Việt Nam - biểu tượng cho việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau

Mỹ Hằng thực hiện Thứ tư, ngày 06/09/2023 09:22 AM (GMT+7)
Trả lời phỏng vấn Dân Việt, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thông Mỹ Joe Biden tới Việt Nam mang nhiều tính biểu tượng, và quan hệ Việt - Mỹ đã đầy đủ tính toàn diện và tính chiến lược.
Bình luận 0

* Thưa Đại sứ, ông đánh giá thế nào về những điểm đặc biệt trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden đến Việt Nam?

- Thứ nhất, năm nay là kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập đối tác toàn diện. 10 năm qua là giai đoạn phát triển nhanh nhất, mạnh nhất của quan hệ Việt - Mỹ trong 28 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, cả 9 trụ cột trong quan hệ phát triển mạnh mẽ. Ví dụ về kinh tế, thương mại hai chiều tăng nhiều lần: Năm 2013  là 35 tỉ USD, cuối năm 2022 là 123 tỉ USD, Mỹ là thị trường duy nhất và lớn nhất của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỉ USD, chưa có thị trường nào đạt được.

Hợp tác trên các lĩnh vực khác như khắc phục hậu quả chiến tranh được đẩy rất mạnh, hợp tác khu vực với ASEAN, LHQ đều phát triển.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tổng thống Biden thăm Việt Nam - biểu tượng cho việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau - Ảnh 1.

Đại sứ Phạm Quang Vinh tin rằng việc phát triển quan hệ với Mỹ là dựa trên lợi ích của Việt Nam. Ảnh: Phạm Hưng.

Thứ hai đà quan hệ hai nước còn nhiều không gian để phát triển. Có mấy điểm căn bản là cơ sở cho đà phát triển này: Quan hệ hai nước nếu nhìn suốt chiều dài lịch sử thì luôn là câu chuyện tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin. Hai nước từng là cựu thù, tiến tới bình thường hóa quan hệ rồi trở thành đối tác toàn diện; vượt qua một cuộc chiến tranh, khép lại quá khức, hướng tới tương lai nhưng vẫn phải hợp tác giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả chiến tranh.

Sự khác biệt về thể chế chính trị thì cũng đã có khuôn khổ và nguyên tắc chỉ đạo, đó là nguyên tắc tôn trọng trên các lĩnh vực, nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, và nếu có khác biệt thì cũng có khuôn khổ và nguyên tắc để giải quyết.

Thứ ba hai nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, vì thế phải có cách tiếp cận để hai bên có thể đan xen lợi ích và cùng có lợi. Hai nước chia sẻ lợi ích về hợp tác kinh tế, hợp tác khoa học công nghệ, khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác khu vực và quốc tế… tất cả đều có lợi ích đan xen với nhau, nếu không có đan xen lợi ích thì không thể thúc đẩy hợp tác.

Thứ ba, từ đầu năm đến nay hai nước liên tục trao đổi nhìn lại 10 năm qua và đưa ra định hướng cho thời gian tới. Cuộc điện đàm tháng 3 giữa Tổng Bí thư và Tổng thống Mỹ, rồi một loạt chuyến thăm của các quan chức ngoại giao Mỹ, từ Ngoại trưởng đến các Bộ trưởng của Mỹ… 

Cuộc điện đàm có mấy điểm đáng chú ý: Hai bên nói rõ quan hệ hai nước 10 năm qua phát triển tích cực, phù hợp lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, nhấn mạnh có cơ sở để đưa quan hệ phát triển mạnh mẽ thực chất hơn và đưa lên một tầm cao mới; cho biết hai bên đã trao đổi lời mời có chuyến thăm và giao các bộ ngành chuẩn bị - thì bây giờ có chuyến thăm rồi; và xác định tiếp tục thúc đẩy các quan hệ hợp tác đã có – hàm ý dựa trên các trụ cột của quan hệ đối tác toàn diện và kết quả 10 năm đối tác toàn diện, nhưng cũng xác định những lĩnh vực hợp tác mới, như khoa khọc công nghệ, đào tạo giáo dục, nhấn mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hậu cần…

Tôi cho rằng đó là những điểm đặc biệt của chuyến thăm lần này.

* Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam là  chuyến thăm cấp nhà nước, theo lời mời của Tổng Bí thư, khác với thông thường là Chủ tịch nước mời nguyên thủ. Đại sứ nhận thấy việc này có ý nghĩa như thế nào?

- Có thể thấy, việc hai nhà lãnh đạo cấp cao thuộc hai thể chế chính trị khác nhau gặp nhau là một sự kiện có tính biểu tượng. Đó không chỉ là quan hệ hai nước mà còn là biểu tượng cho việc tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Đây là bước tiến triển trong quan hệ hai nước. Tháng 7/2015 lần đầu tiên Tổng Bí thư có chuyến thăm lịch sử tới Mỹ, Tổng thống Obama và Phó Tổng thống lúc đó là Joe Biden đã tiếp và ra Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ hai nước.

Sau Đại hội Đảng lần thứ 13, Tổng thống  Biden đã chúc mừng Tổng Bí thư tái cử. Tháng 3 vừa qua là điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Tất cả những điều đó thể hiện rõ hai bên đã trao đổi ở cấp đó rất nhiều. Lần này cũng là sự tiếp tục đó và thể hiện rằng  ngoài việc trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo với nhau thì còn thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị lẫn nhau.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tổng thống Biden thăm Việt Nam - biểu tượng cho việc tôn trọng thể chế chính trị của nhau - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Joe Biden, tháng 3/2023. Ảnh: BNG.

* Năm 2015 đã diễn ra chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư ta sang Mỹ. Lần này là một Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam lần đầu tiên theo lời mời của Tổng Bí thư. 8 năm qua quan hệ hai bên đã có tiến triển như thế nào?

- Năm 2015 là kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đó là chuyến thăm đầu tiên, một chuyến thăm lịch sử rất thành công và ra được Tuyên bố Tầm nhìn về quan hệ hai nước. 

Việc hai nhà lãnh đạo cấp cao thuộc hai thể chế chính trị khác nhau gặp nhau là một sự kiện có tính biểu tượng. Đó không chỉ là quan hệ hai nước mà còn là biểu tượng cho việc tôn trọng lẫn nhau, trong đó có tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

(Đại sứ Phạm Quang Vinh)

Chuyến thăm lần này diễn ra khi hai bên vẫn duy trì được đà quan hệ trong đó có việc trao đổi quan hệ giữa Tổng Bí thư ta và người đứng đầu thể chế của Mỹ. Quan hệ hai nước đã trải qua chặng đường dài và phát triển vượt bậc, vẫn còn có không gian và dư địa phát triển hơn nữa cả về hợp tác song phương, khu vực và trên thế giới. Hơn nữa khu vực và thế giới có nhiều chuyển biến, thay đổi rất phức tạp, làm sao duy trì được đà quan hệ của Việt Nam với tất cả đối tác chủ chốt, trong đó có cácnước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn… là rất quan trọng.

Nhìn lại trong hơn 1 năm qua kể từ sau đại dịch Covid-19 đã có có một loạt chuyến thăm, Tổng Bí thư thăm Trung Quốc, bây giờ Tổng thống Mỹ vào đây, giữa khoảng thời gian đó đó là rất nhiều đoàn lãnh đạo Châu Âu, Châu Á, ASEAN, nhiều nước ở khu vực khác thăm Việt Nam và nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm các nước, thể hiện Việt Nam tiếp tục phát triển, mở rộng và đa dạng hóa quan hệ với các nước để tạo môi trường thuận lợi nhất cho hòa bình và phát triển của mình.

Trong thế giới phức tạp hiện nay, quan hệ giữa các nước  không chỉ là về chính trị mà vấn đề kinh tế rất quan trọng. Tôi rất trông đợi chuyến thăm không chỉ tạo đà mới về quan hệ chính trị mà còn tạo đà phát triển quan hệ kinh tế, khoa học công nghê, giáo dục… những lĩnh vực rất quan trọng với Việt Nam.

Nhìn rộng thêm, Việt Nam đã có quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư Khoa học công nghệ với 3 trung tâm động lực của thế giới là Châu Á, Bắc Mỹ, Châu Âu, nếu ta cân đối hài hòa được 3 trung tâm này sẽ tạo đà cho mình phát triển rất mạnh mẽ, chuỗi cung ứng của Việt Nam sẽ rất tốt.

Đã đến lúc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ, tránh rơi vào bẫy thuyết âm mưu

* Đại sứ dự đoán thế nào về khả năng hai bên nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, như mong muốn đề ra trong cuộc điện đàm của hai lãnh đạo cấp cao?

- Nếu nhìn lại 28 năm quan hệ, 10 năm đối tác toàn diện, chỉ lấy ví dụ cuộc điện đàm thì thấy rõ hai bên cho là quan hệ phát triển tích cực, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, tạo đà rất lớn cho quan hệ; các chuyến thăm gần đây hai bên đều nói thúc đẩy quan hệ thực chất hiệu quả nâng lên một tầm mới, thì đây là thời điểm chín muồi để nâng lên tầm mới.

Các lĩnh vực hợp tác kinh tế chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác song phương đa phương đều thấy tính chiến lược và tính toàn diện của quan hệ. Bất cứ ý định nâng tầm nào, sự định danh thế nào cũng nên phản ánh cả tính chiến lược và tính toàn diện của quan hệ.

Nếu nhìn vào đối ngoại  của Việt Nam, chúng ta  có 30 đối tác chiến lược và toàn diện,  trong đó có 17 đối tác chiến lược, có đối tác trên chiến lược, tôi nghĩ đã đến lúc cân đối quan hệ nhất là với đối tác là nước lớn, đối tác chủ chốt. Quan hệ Việt Mỹ cũng nên đặt trong mối cân bằng đó, cũng đến lúc nâng lên một tầm nữa rồi. Với đà quan hệ phục vụ lợi ích của cả hai bên, vốn đã đủ cả tính chiến lược và tính toàn diện, thì định danh nên phù hợp với điều đó.

* Có những quan ngại về việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, chúng ta nên nhìn nhận những quan ngại đó như thế nào?

- Hãy lấy một ví dụ là ASEAN. Trong 2 năm qua ASEAN nâng cấp quan hệ đối tác với 4 nước quan trọng: Năm 2021 nâng cấp với Úc, Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện, 2022 nâng với Ấn Độ, Mỹ cũng trở thành đối tác chiến lược toàn diện, là mức cao nhất hiện có của ASEAN. Vào thời điểm nâng cấp quan hệ với ÚC và Trung Quốc, lúc đó quan hệ 2 nước phức tạp do những mắc mớ về nguồn gốc dịch bệnh dẫn tới trả đũa thương mại với nhau, rồi liên minh tay 3 quốc phòng AUKUS khiến Trung Quốc phản ứng dữ đội, nhưng ASEAN, từ lợi ích của mình, đã cân đối quan hệ đó và không ngần ngại nâng cấp quan hệ với cả 2 nước.

Năm ngoái ASEAN nâng cấp quan hệ với Mỹ, Ấn Độ trong bối cảnh Mỹ - Trung cạnh tranh dữ dội, Ấn Độ cũng có những phức tạp với Trung Quốc. Tôi tin năm nay Nhật cũng trở thành đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN.

Với chính sách độc lâp tự chủ, vì lợi ích quốc gia, không đi với nước này chống nước kia, việc nâng tầm với đối tác chủ yếu dựa vào đà quan hệ và lợi ích hai bên có thể có, không nhắm vào ai cả.

(Đại sứ Phạm Quang Vinh)

Các nước lớn có thể có cạnh tranh với nhau nhưng quan điểm của ASEAN là căn cứ vào chính lợi ích của mình, khi chơi với từng nước không nhằm chống lại một bên thứ ba.

Quay lại câu chuyện lợi ích của Việt Nam, chỉ về kinh tế thương mại, riêng với Mỹ Việt Nam đã có thặng dư 90 tỉ USD, với thế giới chỉ chưa đầy 12 tỉ USD thặng dư, như vậy nền kinh tế Mỹ bổ khuyết cho Việt Nam 80 tỉ USD thặng dư thương mại. Khớp nối quan hệ với Mỹ là vì lợi ích của VN.

Nâng cấp quan hệ với Mỹ không phải là sớm. Việt Nam đã có 17 nước đối tác chiến lược, trong số đó có đối tác chỉ đạt 5- 10 tỉ USD kim ngạch thương mại mỗi năm. Hơn nữa trong 5 nước Hội đồng Bảo an chỉ duy nhất Mỹ chưa phải đối tác tầm chiến lược.

Với chính sách độc lâp tự chủ, vì lợi ích quốc gia, không đi với nước này chống nước kia, việc nâng tầm với đối tác chủ yếu dựa vào đà quan hệ và lợi ích hai bên có thể có, không nhắm vào ai cả.

Vì thế không nên rơi vào bẫy thuyết âm mưu phải nhìn nước này nước kia, hãy nhìn lợi ích quốc gia, chính sách đối ngoại để quyết định.

* Trân trọng cảm ơn Đại sứ.

Tôi rất trông đợi chuyến thăm không chỉ tạo đà mới về quan hệ chính trị mà còn tạo đà phát triển quan hệ kinh tế, khoa học công nghê, giáo dục… những lĩnh vực rất quan trọng với Việt Nam.

(Đại sứ Phạm Quang Vinh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem