Dân Việt

Xuất khẩu gỗ giảm 25%, hơn 6.000 tỷ đồng chưa được hoàn trả thuế VAT

Bình Minh 08/09/2023 13:25 GMT+7
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 8 tháng năm 2023 ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài sụt giảm về xuất khẩu các doanh nghiệp gỗ cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thuế VAT.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trong tháng 8/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng 7/2023 và giảm 22,8% so với tháng 8/2022.

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 742 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 7/2023 và giảm 17% so với tháng 8/2022.

Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 8,3 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 5,6 tỷ USD, giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, đối mặt với các rào cản thương mại từ Hoa Kỳ và xuất hiện rào cản mới của thị trường EU... 

Do vậy, khả năng đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ trong 7 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên do tình hình kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng hầu hết các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp do tổng cầu suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine phức tạp hơn, bất ổn địa chính trị, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng gia tăng.

Xuất khẩu gỗ giảm 25%, hơn 6.000 tỷ chưa được hoàn trả thuế VAT - Ảnh 1.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế VAT doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là trên 6.000 tỷ đồng. Ảnh: Bình Minh

Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm không thiết yếu, khiến khối lượng đơn đặt hàng đồ nội thất bằng gỗ giảm đáng kể. Trong 7 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 4,3 tỷ USD, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm 2023 còn một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu cũng giảm nhanh như: Dăm gỗ đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp theo là gỗ ván và ván sàn đạt 955,7 triệu USD, giảm 23,6%; Viên gỗ nén đạt 380,1 triệu USD, giảm 7,9%; cửa gỗ đạt 23,8 triệu USD, giảm 26,7%...

Trong khi xuất khẩu gỗ sụt giảm về xuất khẩu các doanh nghiệp gỗ cũng gặp khó khăn trong việc hoàn thuế VAT. Phản ánh tới Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, số tiền tồn đọng hoàn thuế của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang có sự “vênh” giữa Hiệp hội và Bộ Tài chính.

Cụ thể, số liệu thống kê của Viforest tính đến tháng 6/2023, số tiền chưa được hoàn trả là 6.100 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế VAT của các doanh nghiệp xuất khẩu dăm (thuộc Chi hội Dăm gỗ) là hơn 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số liệu của Bộ Tài chính tính đến ngày 17/5, chỉ còn 28 hồ sơ hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ chưa được cơ quan thuế giải quyết, tương ứng số tiền đề nghị hoàn trên 110 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 46% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn (28/61 hồ sơ).

Trước khó khăn của ngành gỗ, mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tiếp tục có văn bản đề nghị gửi tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xem xét và tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoàn thuế.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Quảng Ninh cho biết: "Đang phải xin khất nợ ngân hàng. Cả tỷ đồng tiền thuế VAT đợi hoàn suốt từ năm 2020 đến giờ vẫn chưa được. Mà doanh nghiệp có phải chỉ nợ ngân hàng đâu, còn nợ người dân, hộ trồng rừng, còn lương công nhân…”.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế VAT doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là trên 6.000 tỷ đồng. Tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp dăm gỗ, viên nén, ván dán… Trong khi đây là những sản phẩm được tạo ra từ việc tận dụng, tạo giá trị gia tăng từ phụ phẩm ngành chế biến gỗ, sản phẩm rừng trồng không đạt tiêu chuẩn trong sản xuất đồ gỗ nên được thu mua từ rất nhiều nơi. Việc truy xuất nguồn gốc rất phức tạp khi cả nước có trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng. Sản phẩm bị truy xuất được thu mua có thể cách đây vài năm, người mua - người bán thường không nhớ rõ. Bên cạnh đó, sản phẩm lại ở những vùng địa bàn khó khăn nên qua rất nhiều khâu trung gian.