Sáng ngày 8/9, Hội thảo khoa học "Tembusu – thách thức và giải pháp" do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh virus Tembusu (TMUV) đã được phát hiện trên các mẫu bệnh phẩm vịt nuôi tại nước ta. Đây là tác nhân gây hội chứng lật ngửa, giảm đẻ hay còn gọi là bệnh Tembusu. Loại virus này lưu hành tại Việt Nam từ năm 2019 và hiện là đối tượng mới trong nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Phạm Kim Đăng cho biết, ở Việt Nam, bệnh do virus Tembusu (PV - hội chứng lật ngửa, giảm đẻ ở các loài thủy cầm) là một bệnh mới du nhập trong 5 năm trở lại đây. Sau lần công bố đầu tiên vào năm 2019, Tembusu gây bệnh ở vịt đã được xác định ở nhiều tỉnh thành phố trong cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay bệnh này vẫn chưa được đề cập nhiều ở Việt Nam và vaccine cũng chưa phổ biến. Theo ông Đăng, giải pháp sinh học là giải pháp hàng đầu để phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
PGS. TS Lê Thanh Hiền - Trưởng bộ môn Bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, Tembusu là bệnh mới gây nên thiệt hại rất lớn, thậm chí, tỷ lệ chết lên tới là 70-80%. Trong khi đó, kiến thức của người chăn nuôi chưa có nhiều và vaccine cũng chưa được phổ biến rộng rãi.
"Chính vì vậy, khâu chẩn đoán sớm có vai trò quan trọng để người dân có thể kiểm soát được cũng như định hướng trong việc sử dụng vaccine. Muốn kiểm soát tốt dịch bệnh cần phải hiểu được đàn vịt của mình ở cái tình trạng như thế nào, có mang mầm bệnh hay không", ông Hiền nhận định.
Theo ông Hiền, hiện nay bệnh Tembusu lây nhiễm qua đường gián tiếp thông qua loài vật trung gian là muỗi và lây truyền trực tiếp giữa các cá thể trong đàn.
"Tembusu là một bệnh mới đối với Việt Nam, mặc dù nó đã xuất hiện trước đây. Khả năng biến đổi của nó giúp cho sự lây lan càng trở nên nghiêm trọng và gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đây là bệnh do virus, do đó, việc phòng bệnh vẫn là quan trọng, vaccine chỉ là một công cụ. Người chăn nuôi cần hiểu biết về bệnh, hiểu biết lâm sàng để có giải pháp phù hợp", ông Hiền kết luận.
Theo ThS. Nguyễn Thị Thu Năm – Giám đốc Bệnh viện Thú y, Trường Đại học Nông - Lâm TP.HCM, bệnh Tembusu trên vịt có thể nhận biết qua các dấu hiệu lâm sàng như: Chán ăn, bỏ ăn nhanh; chảy nước mũi; tiêu chảy; rối loạn hành vi; cử động mất cân bằng, mất điều hòa, khó di chuyển; giảm đẻ…
"Đặc biệt, đây là bệnh gây sốt rất dữ dội, nhất là trên vịt thịt. Dùng thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng trong những giờ đầu, sau đó sẽ sốt trở lại", bà Năm cho biết.
Hiện nay chưa có quy trình và vaccine chính ngạch cho bệnh Tembusu, nên bệnh đang diễn biến phức tạp. Bệnh do Tembusu virus gây ảnh hưởng to lớn tới nền công nghiệp chăn nuôi vịt, đặc biệt ở các nước nuôi vịt nhiều như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.
Trước thách thức cần phải có biện pháp phát hiện sớm vịt nhiễm virus Tembusu, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P đã nghiên cứu và trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thành công trong ứng dụng phản ứng ngăn trở ngưng kết hồng cầu (HI – Hemagglutination Inhibition Assay) để giám sát sự lưu hành virus Tembusu trên vịt.
Theo nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm R.E.P Labs, phương pháp HI cho phép tầm soát rộng sự lưu hành của virus Tembusu trong những đàn vịt chưa tiêm phòng cũng như chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh, hoặc đánh giá đáp ứng miễn dịch của đàn vật nuôi sau tiêm phòng vaccine.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Quốc Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học R.E.P nói: "Hội thảo Tembusu – thách thức và giải pháp được tổ chức với mục tiêu đưa ra những giải pháp mới nhất, khoa học nhất thông qua việc đánh giá kháng thể Tembusu đã được nghiên cứu và áp dụng vào thực tế, sau một thời gian dài nghiên cứu bởi nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích – Xét nghiệm – Tầm soát R.E.P".
Dưới góc độ của doanh nghiệp tham gia hội thảo, ông Mai Văn Tuấn - nhân viên kỹ thuật gia cầm của Công ty Dinh dưỡng Á Châu, nhà máy Đồng Nai đánh giá cao phương pháp xét nghiệm HI của REP.
Theo ông Tuấn, vì đây là virus mới ở Việt Nam nên đa số việc phát hiện ban đầu dựa vào chẩn đoán trên triệu chứng lâm sàng. Trước đây, một số đơn vị đã có các xét nghiệm để chẩn đoán, nhưng phương pháp HI có sự tối ưu hơn hẳn bởi khả năng bảo hộ vaccine và giá thành rẻ.