Dân Việt

Chân dung tỷ phú huyền thoại của tập đoàn Intel, người làm nên sự biến đổi kỳ diệu của thế giới

Ngọc Diệp 11/09/2023 06:40 GMT+7
Nếu bạn biết đến Inter, một tập đoàn đã sản xuất các sản phẩm chip vi xử lý cho máy tính làm nên sự biến đổi kỳ diệu của thế giới thì không thể không biết đến một tỷ phú huyền thoại Andrew Grove.

Là tập đoàn công nghệ vào Việt Nam khá sớm (2006), Inter đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, giúp đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin và điện tử toàn cầu. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Inter cũng là một trong những doanh nghiệp tham dự cuộc họp kinh doanh ngày hôm nay (11/9/2023). Nội dung cuộc họp này là nhằm tăng cường vai trò toàn cầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chip. Đây được coi như là một phần trong chiến lược lớn của Washington nhằm giảm thiểu rủi ro.

Intel của ngày nay là một tập đoàn toàn cầu quy mô cực lớn có tổng doanh thu năm 2022 ước tính khoảng 79 tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường 159,19 tỷ USD, đứng thứ 67 trên thế giới, theo tính toán của Companies Market Cap.

Tập đoàn hiện đang tuyển dụng ước tính khoảng hơn 130.000 nhân sự tại 46 quốc gia trên thế giới. Intel hiện tại là tập đoàn sản xuất bộ vi xử lý cũng như các sản phẩm bán dẫn lớn nhất thế giới.

Tại Việt Nam, sau 16 năm hoạt động, Intel đã đầu tư vào Việt Nam tổng số 1,5 tỷ USD. Đợt rót vốn mới nhằm phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số và nằm trong tổng mức 80 tỷ USD đầu tư của Intel trên toàn thế giới. Nhà máy Intel Products Vietnam đang là nhà máy lớn nhất trong 4 nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định. Trong hơn 200 nhà cung cấp địa phương tại Việt Nam có đến 50% là doanh nghiệp nội địa.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu xuất khẩu của Intel Products Vietnam (IPV) đạt 11,5 tỷ USD trong năm 2022, tăng 48% so với năm 2021. Tính đến hết năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu của Intel Products Vietnam đạt 74,5 tỷ USD. Tăng trưởng doanh thu của IPV chủ yếu đến từ nhu cầu chip bán dẫn tăng mạnh trên toàn cầu. Tăng trưởng doanh thu của IPV có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. IPV là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và là một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới. Sự phát triển của IPV đã góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân Việt Nam.
Trong tương lai, IPV tiếp tục được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nhà máy đang có kế hoạch đầu tư thêm 3,3 tỷ USD để mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao năng suất. Với những lợi thế về vị trí địa lý, chi phí nhân công và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, IPV có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những nhà máy sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới.

Sự thành công của Intel ngày hôm nay không thể không nhắc đến một nhân vật quan trọng, chính là ông Andrew Grove (tên khác Andy Grove), người từng giữ vị trí CEO thứ 3 của Intel. Năm 1997, ông từng được tạp chí TIME danh tiếng của Mỹ bình chọn là người đàn ông của năm. Tạp chí TIME còn nhấn mạnh với những đóng góp to lớn của ông, ông xứng đáng được đưa vào nhóm những doanh nhân vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Ông từng làm chủ tịch Intel giai đoạn 1979-1997, CEO từ năm 1987 đến năm 1998 và chủ tịch hội đồng quản trị từ 1997 đến 2005. Ông qua đời vào năm 2016 ở tuổi 79.

Từ một người nhập cư nghèo thành CEO doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước Mỹ

Tên khai sinh của cựu chủ tịch Intel là Andras Grof (theo tiếng địa phương), ông sinh ra trong một gia đình doanh nhân gốc Do Thái. 

Khi còn nhỏ ông Grove mắc ban đỏ, chứng bệnh này cũng để lại hậu quả với sức khỏe của ông. Vì căn bệnh này, ông đã phải nằm lì trên giường trong thời gian dài. Sau này ông mất một phần thính lực, vì vậy ông gặp nhiều khó khăn khi nghe giảng tại trường phổ thông.

Tôi được sinh ra ở Budapest, Hungary vào năm 1936. Khi tôi 20 tuổi, có nhiều biến cố chính trị đã xảy ra. Có quá nhiều sự rối loạn sau căng thẳng quân sự, chính trị, cuộc sống vì vậy cũng thay đổi.

Andrew (Andy) Grove, trích Hồi ký của Andy Grove

Dù vậy, ông vẫn học rất giỏi. Giáo viên tại trường học nhận xét ông giỏi toàn diện, yêu thích tìm hiểu khoa học. Ông cũng có đam mê kinh doanh và bắt đầu đi làm kiếm tiền từ rất sớm. Từ khi mới chỉ 14-15 tuổi, ông đã đảm nhiệm vị trí quản lý phát hành cho một tờ báo tại Budapest.

Sau những biến động chính trị, quân sự tại quê nhà, chàng thanh niên trẻ Andrew Grove lúc ấy đến Mỹ để đi tìm miền đất mới.

Vào nước Mỹ với vốn tiếng Anh ít ỏi, không có người thân quen, không có tiền, chỉ có duy nhất khao khát học hỏi không ngừng và niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Khi ấy chắc chẳng ai ngờ rằng sau này ông lại trở thành nhà đồng sáng lập và là một trong những người có đóng góp quan trọng nhất cho Intel, doanh nghiệp đi tiên phong trong kỷ nguyên máy tính toàn cầu.

Câu chuyện lập nghiệp của nhà lãnh đạo huyền thoại đằng sau thành công toàn cầu của Intel  - Ảnh 1.

Năm 2016 khi ông qua đời, Bloomberg đăng bài báo về cuộc đời và sự nghiệp của ông với tựa đề: Người đàn ông dạy thung lũng Silicon làm kinh doanh

Năm 1956, Andrew Grove đến Mỹ và theo học tại trường đại học New York City College. Sau 4 năm, ông tốt nghiệp cử nhân xuất sắc ngành hóa vật liệu tại trường này. Ông tiếp tục học cao hơn và lấy bằng tiến sỹ tại Đại học Tổng hợp California ở Berkeley, trên con đường trở thành nhà khoa học giỏi. Qua thời gian, ông đã có hơn 40 công trình nghiên cứu và rồi về làm việc tại trung tâm Fairchild Semiconductor.

Trong quá trình làm việc tại Fairchild Semiconductor, cùng với ông Robert Noyce và Gordon Moore, ông Grove đã tham gia vào sáng lập Intel năm 1968. Ông thăng tiến dần và trở thành chủ tịch Intel vào năm 1979, sau đó đến CEO.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Intel đã trở thành doanh nghiệp có lãi cao thứ 7 trên thế giới, sản xuất khoảng hơn 90% tất cả các bộ vi xử lý cho máy tính cá nhân trên toàn cầu.

Tạp chí TIME khi vinh danh ông vào năm 1997 từng viết: "Hơn bất kỳ ai, ông Andrew Grove thực sự đã góp phần tạo ra luật của kỷ nguyên số, cứ sau 18 tháng, số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm, dẫn đến sức mạnh tính toán tăng theo cấp số nhân".

Và cứ theo định luật ấy, ông Grove đã có đường hướng riêng của mình: "Chúng tôi sẽ luôn mang đến năng lực mới cho vi mạch theo cái cách mà người ta không thể tưởng tượng được chỉ trước đó từ 1 đến 2 năm".

Một nhà quản lý có tính cách cực kỳ khắt khe, quyết liệt, táo bạo

Năm 1984, tạp chí Fortune từng gọi ông là một trong những ông chủ khó tính nhất nước Mỹ.

Với những nhân viên dưới quyền của ông Grove, điều này thực sự không mới. Việc người lao động Intel thường xuyên phải làm thêm giờ có nguyên nhân trực tiếp từ định luật Moore. Định luật Moore được đặt tên theo ông Gordon E. Moore, nhà đồng sáng lập hãng Intel, rằng cứ sau khoảng thời gian 18 tháng, số lượng bóng bán dẫn trên một vi mạch sẽ tăng gấp đôi trong khi giá máy tính giảm một nửa.

Quan điểm sản xuất dựa trên định luật Moore này đã khiến cho người lao động tại Intel phải làm việc cật lực bởi nhu cầu của thị trường với các sản phẩm chip thế hệ mới tăng quá nhanh.

Ông Grove đã xây dựng nên văn hóa "đối đầu sáng tạo" tại Intel, theo Wall Street Journal đưa tin vào năm 2002. Thuật ngữ này đồng nghĩa văn hóa công ty chấp nhận cho những sự đối đầu căng thẳng để giải quyết cho được vấn đề trong thời gian ngắn nhất. Nhưng theo nhân viên Intel, người gây ra nhiều căng thẳng nhất chính là ông Grove, vì vậy không ngạc nhiên khi mà Fortune từng coi ông là một trong những ông chủ khó tính nhất tại Mỹ.

Câu chuyện lập nghiệp của nhà lãnh đạo huyền thoại đằng sau thành công toàn cầu của Intel  - Ảnh 2.

Năm 2020, Venture Beat đăng lại tuyên bố một thời của ông: doanh nghiệp xấu bị khủng hoảng tiêu diệt, doanh nghiệp tốt sống qua khủng hoảng còn doanh nghiệp vĩ đại thậm chí mạnh mẽ hơn bởi khủng hoảng

Nhiều kỹ sư và nhà điều hành làm việc với ông kể lại, khi tức giận, ông Grove sẽ tháo ngay tai nghe mà ông đang dùng và đập nó lên bàn. Trong bài báo của New York Times đăng năm 2004, CEO kế nhiệm của Intel – ông Craig Barrett cũng từng nói đến phong cách lãnh đạo khắt khe của ông Grove: "Ông ấy là kiểu sẵn sàng cầm thanh gỗ đập vào đầu bạn".

Thế nhưng ai vượt qua được sự khắc nghiệt của ông cuối cùng đều không phải chịu thiệt. Khi mà giá trị vốn hóa thị trường của Intel vượt 500 tỷ USD vào năm 2000, hàng nghìn nhân viên của Intel đã trở thành triệu phú USD với quyền chọn mua cổ phiếu của họ trước đó.

Nhiều người trong số họ thừa nhận phong cách lãnh đạo quá đỗi khắt khe của ông Grove đã giúp kéo Intel ra khỏi nhiều cuộc khủng hoảng từng làm sụp đổ nhiều doanh nghiệp công nghệ khác tại thung lũng Silicon.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên mà Intel đối mặt chính là việc các sản phẩm chip nhớ chất lượng cao của Nhật bán tràn lan trên thị trường thế giới vào cuối thập niên 1970. Thay cho việc cắt giảm chi phí thông qua việc sa thải bớt nhân sự, ông Grove yêu cầu nhân viên làm việc thêm giờ hai tiếng mỗi ngày và không được nhận lương ngoài giờ. Không lâu sau đó, Intel đưa ra loại chip mới có tên i432 mà công ty tuyên bố sẽ định hình lại tương lai của doanh nghiệp.

Đáng tiếc, sản phẩm được kỳ vọng cuối cùng lại trở thành thảm họa khi mà tốc độ xử lý của nó chậm hơn đến 10 lần so với chip của các công ty Nhật. Khi nói lại câu chuyện này với tạp chí Wired năm 2001, ông thừa nhận sai lầm của mình ở thời điểm đó, chính là đã đánh giá quá thấp sản phẩm của đối thủ và cho rằng bộ vi xử lý chỉ là sự phiền toán.

Dưới sự lãnh đạo của ông Grove, Intel đã ngay lập tức đổi chiến lược, và dịch chuyển từ việc sản xuất chip nhớ xang bộ vi xử lý và rồi trở thành doanh nghiệp cực lớn trong ngành này khắp toàn cầu. Đến đầu thập niên 1980, máy tính cá nhân đã trở nên phổ biến, bộ vi xử lý của Intel được sử dụng trong hơn 80% các loại máy móc mới này.

Năm 1994, Intel đã đương đầu với cú sốc khi mà công ty ra mắt hàng triệu bộ vi xử lý Pentinum lỗi. Ông Grove và các kỹ sư đã trấn an khách hàng rằng lỗi sản phẩm mới này sẽ ảnh hưởng chỉ đến những dòng máy tính mới nhất. Lời trấn an này thậm chí đã dẫn đến cuộc khủng hoảng truyền thông và thảm họa tài chính của Intel. Hàng nghìn khách hàng đòi bồi thường và truyền thông thậm chí thổi phồng lên sự phẫn nộ của họ.

Quyết tâm đảo ngược tình thế, ông Grove và Intel đã đồng ý chi ra 475 triệu USD để thay thế bộ vi xử lý lỗi. Cuối cùng, Intel thậm chí còn hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này khi mà chip Pentinum và chip Centrino được công chúng biết đến và thừa nhận về chất lượng trong các dòng máy tính của Dell, Apple hay Sony.