CLIP: Ông Nguyễn Nam Huân, thủ từ đình Quang Hiển, tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp (Ninnh Bình) cho biết, nhiều hạng mục của đình đang xuống cấp nghiêm trọng và chờ... sập.
Ông Nguyễn Nam Huân, thủ từ đình Quang Hiển cho biết, trong gian hậu cung của đình đang thờ thành hoàng làng là ba vị Đại vương Hoàng tử thời Hùng Vương gồm vị Hoàng Tín Công, Hoàng Thống Công, Hoàng Đại Công.
Gian bên ngoài thờ Đức Thánh Trần và em rể của Đức Thành là tướng quân Phạm Ngũ Lão, tứ vị hoàng tử, nhị vị vương cô, Trinh thục ôn hoà Hoàng Hậu.
Chính giữa gian tiền đình thờ công đồng gia tiên, bên phải gian tiền đình thờ quan tam tán đại thần Trịnh Huy Cầu quê ở Ninh Bình.
Theo sách sử ghi lại, vào thời vua Hùng, sau khi lên ngôi vua đã chia đất nước cho các em mỗi người cai quản một phương, người em thứ ba là Hoàng Tín Công cai trị Ai Lao, em thứ tám là Hoàng Đại Công cai trị Hoan Châu, em thứ chín là Hoàng Thống Công cai trị Ái Châu...
Người em thứ chín là Hoàng Thống Công thường xa giá kinh lược ở các phủ, huyện, Trang, khu trong các đạo để khuyến khích người dân làm ruộng nuôi tằm. Một hôm Ngài đến trang Quang Liệt huyện Yên Mô phủ Trường Yên (nay là tổ dân phố 12 phường Tân Bình – TX Tam Điệp) gặp gia đình Nguyễn Xương có con gái tên là Phương Nương xinh đẹp nết na bèn kết duyên cùng nàng, lập làm Nguyên phi và xây 1 cung ở trang Quang Liệt cho Nguyên phi ở đó.
Hoàng Thống Công thường làm phúc giúp nghèo cứu khổ, có nhiều chính sách giúp dân phát triển kinh tế và được nhân dân địa phương hàm ơn ca ngợi công đức.
Bấy giờ có giặc Hồ Tôn sang xâm lược nước ta, vua Hùng xuống chiếu triệu các Hoàng đệ về triều bàn kế đánh giặc trong đó có Hoàng Tín Công, Hoàng Đại Công và Hoàng Thống Công, ba vị được phong chức và lĩnh 12 vạn quân để tiến đánh giặc. Quân giặc bị đánh bại, chiến thắng trở về ba vị được nhà vua mở yến tiệc chúc mừng và phong chức.
Trên đường đi nhậm chức Hoàng Thống Công mời 2 vị cùng trở về trang Quang Liệt, Hoàng Tín Công và Hoàng Đại Công thấy cảnh sắc nơi đây tuyệt đẹp đã thiết lập hành cung và 1 cung hội đồng ở địa giới của dân để lấy làm nơi hội họp của ba vị vào ngày 24 tháng 6 hàng năm.
Ba Vị thường xa giá chu du bốn biển để thưởng thức cảnh đẹp. Ngày mồng 7 tháng 7 trên đường đi đến Hoan Châu lên đỉnh núi Kim Nhan vãn cảnh và ba vị đã mất tại đây.
Nhận được tin Vua Hùng ban sắc phong cho 3 vị là thành hoàng và ban sắc cho dân lập miếu phụng thờ 2 vị, còn Hoàng Thống Công Đại vương thì được dân lập miếu riêng sát với cung sở của phu nhân để phụng thờ.
Sau khi ba ông mất, phu nhân Phương Nương lập một chùa ở bên cạnh khu dân cư và xuất gia tu tại chùa này, trong 1 lần đi cầu kinh tại chùa Hương huyện Chương Đức nàng bị cảm phong sương và mất tại đó, hôm đó là ngày mồng 7 tháng Giêng.
Sau khi mất nàng được Vua phong là Trinh thục ôn hoà Hoàng hậu và cho nhân dân đón sắc trở về phụng thờ cùng Hoàng Thống Công Đại vương.Từ đó về sau triều Hùng cai trị nước trải 18 đời vua mỗi đời đều ban sắc cho ba vị.
Vào cuối triều Hùng có giặc Thục sang xâm lược, vua sai con rể là Tản Viên Sơn Thánh đi dẹp giặc, trên đường đánh giặc qua trang Quang Liệt tướng Sơn Thánh vào làm lễ cầu đảo ở đền thờ ba vị đại vương.
Sau khi thắng lớn, Sơn Thánh làm biển tâu rõ công trạng của ba vị có anh linh hiển hiện và được vua phong tặng mỹ tự cho ba vị là Thượng Đẳng Phúc thần, phong sắc cho nhân dân Quang Liệt phụng thờ.
Vào cuối thời Trần, họ Hồ tranh quyền, người Minh làm loạn, nhân dân chịu cảnh lầm than. Khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn tiễu trừ họ Hồ, đánh đuổi người Minh, một hôm đến trang Quang Liệt trời đã tối nên vua cho quân nghỉ lại tại miếu thờ ba vị, nửa đêm vua nằm mơ thấy ba vị đại vương đến vái và tự nguyện đi theo vua âm phù đánh giặc.
Khi dẹp giặc xong ngài lên ngôi ở Lam Sơn lấy niên hiệu là Thuận Thiên và phong cho ba vị là Bảo an Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Tôn Thần và cho nhân dân trang Quang Liệt đón sắc về trong dân trùng tu miếu điện để phụng thờ.
Trải qua thời gian miếu thờ ba vị được tu sửa nhiều lần hiện nay ba vị đại vương và vị Trinh thục ôn hoà Hoàng hậu được thờ tại đình Quang Hiển thuộc địa phận tổ dân phố 12 – phường Tân Bình – thị xã Tam Điệp – tỉnh Ninh Bình (Tức trang Quang Liệt phủ Trường Yên – huyện Yên Mô cũ).
Cũng theo ông Huân, năm 2014, đình Quang Hiển được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Sau năm 2014, ba gian tiền đình trong đình đã được tôn tạo lại kiên cố hơn nhưng trong gian hậu cung chưa được sửa chữa nên đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Một số xà, cột, mái gian hậu cung của đình bị mối, mọt có nguy cơ sập nên ông phải dùng nhiều cây luồng chằng, chống lại.
"Mới đây, các cơ quan chức năng đã cử cán bộ về khảo sát tình hình xuống cấp của đình nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện việc tôn tạo, sữa chữa lại đình khiến chúng tôi rất lo lắng. Cán bộ và nhân dân tổ dân phố 12 rất mong tỉnh sớm tôn tạo lại đình khang trang, kiên cố hơn để bà con yên tâm thờ các thành hoàng làng", ông Huân kiến nghị.