Nghề làm bánh tráng tại xã Phú Hòa Đông có tuổi đời hơn 80 năm. Và những năm cao điểm, có khoảng 75% số hộ trong xã làm nghề tráng bánh thủ công.
Trên địa bàn xã Phú Hòa Đông hiện có 70 doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã làng nghề bánh tráng (6 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 63 hộ kinh doanh) và 15 hộ tráng bánh thủ công (tráng tay). Số hộ dân tham gia vào hoạt động sản xuất bánh tráng là 940/7.260 hộ trên địa bàn.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, làng nghề đã có những bước chuyển lớn, như máy móc được đầu tư để tráng bánh; liếp tre được thay bằng liếp công nghiệp; hệ thống sấy được đầu tư nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm… Những cải tiến này giúp quá trình sản xuất bánh tráng không chịu ảnh hưởng của thời tiết và giảm diện tích đầu tư.
Song song với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất bánh tráng, trên địa bàn xã vẫn còn giữ lại một số lò sản xuất bánh tráng thủ công truyền thống để phục vụ khách du lịch.
Theo UBND xã Phú Hòa Đông, mỗi ngày làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông sản xuất 90 tấn bánh tráng; giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/lao động/tháng. Doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/tháng, đóng góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Sản phẩm bánh tráng Phú Hòa Đông được tiêu thụ trong nước và được xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc với nhiều dòng sản phẩm đa dạng.
Làng nghề sản xuất bánh tráng Phú Hòa Đông là một trong 5 làng nghề được TP.HCM đưa vào diện bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2022 – 2025. Nghề làm bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông là lĩnh vực sản xuất trọng tâm của việc phát triển kinh tế địa phương.