Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa hoàn tất chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước đến Việt Nam trong hai ngày 10 -11/9/2023. Trong chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao 2 nước đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Chuyến thăm Việt Nam lần này tiếp nối cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2019.
Theo các chuyên gia, động thái biểu tượng này vô cùng quan trọng bởi nó sẽ giúp củng cố niềm tin giữa hai nước khi mà nước Mỹ đang tăng cường đẩy cao tham vọng phát triển một số ngành công nghệ quan trọng, ví như sản xuất chip.
Nhiều doanh nghiệp toàn cầu, từ Apple cho đến Intel, đã tăng cường đầu tư phát triển sản xuất tại Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Điều này giúp cho công suất hoạt động của nhiều nhà máy tại Việt Nam tăng lên và tiếp đà cho kinh tế Việt Năm tăng trưởng tốt bất chấp bối cảnh suy giảm của toàn cầu.
"Kể từ năm 2013 khi lãnh đạo hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, thương mại Việt - Mỹ đã tăng trưởng nhảy vọt. Chính vì vậy việc nâng cấp quan hệ là phù hợp với thực tế vốn có", theo khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ - ASEAN và là cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam – ông Ted Osius nói với CNN.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, năm 2022, Mỹ nhập khẩu gần 127,5 tỷ USD hàng hóa từ Việt Nam, năm 2021 là 101,9 tỷ USD và 79,6 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, trước đó 2 năm Việt Nam mới ở vị trí thứ 10.
Dịch chuyển chuỗi cung ứng
Quan hệ Việt - Mỹ đang củng cố hơn nữa mối quan hệ khi mà các quan chức Mỹ, đặc biệt Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã không ngừng nói đến tầm quan trọng của chiến lược "friend–shoring". Đó là chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, nhằm vừa tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, vừa hạn chế các rủi ro gián đoạn sản xuất.
"Thay cho việc dựa vào những nước mà chúng tôi không thể có được nguồn cung ổn định và liên tục, chúng tôi thực sự cần phải đa dạng hóa các nhà cung cấp của chúng tôi", bà Yellen nói trong bài phát biểu vào năm ngoái tại tổ chức nghiên cứu Atlantic Council.
Chi phí lao động tăng cao và môi trường hoạt động có nhiều yếu tố bất ổn khiến cho không ít doanh nghiệp toàn cầu buộc phải cân nhắc lại về việc nên giữ tỷ trọng hoạt động ở mức nào tại Trung Quốc, đất nước vốn được coi như công xưởng của thế giới.
Giờ đây, sự cạnh tranh đang tăng cao. Trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu từ năm 2018, các doanh nghiệp đủ mọi quy mô bắt đầu dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất sang các thị trường mới nổi như Việt Nam hay Ấn Độ.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp đã buộc phải cân nhắc đến việc chia công việc sản xuất ra nhiều địa điểm như một cách để giảm phụ thuộc vào chỉ một địa điểm sản xuất duy nhất.
Cũng theo các chuyên gia phân tích thuộc Rabobank, ước tính khoảng 300.000 việc làm trong số này, chủ yếu trong mảng sản xuất trình độ công nghệ thấp, dự kiến sẽ chuyển sang Việt Nam.
Chiến lược gia toàn cầu tại ngân hàng Rabobank và cũng là tác giả của báo cáo này, ông Michael Every, khẳng định nhìn từ góc độ công nghiệp, Việt Nam đã phát triển bùng nổ suốt nhiều năm. Mức lương người lao động thấp và lực lượng dân số trẻ đã giúp Việt Nam có nguồn cung lao động và thị trường tiêu dùng ổn định, đây cũng chính là sức hấp dẫn của việc đầu tư vào quốc gia 97 triệu dân này, ông Every khẳng định.
Tuy nhiên cũng theo ông Every, những doanh nghiệp đang hy vọng vào việc dịch chuyển có thể sẽ cần phải chờ thêm thời gian bởi một số nhà máy hiện đã quá tải.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Natixis, bà Alicia García-Herrero, đã nói đến từ "quá nóng" bởi bà khẳng định rằng nhu cầu với sản xuất tại Việt Nam đã vượt quá cung trong một số trường hợp bởi quá nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam.
Bà García-Herrero giải thích nhu cầu với sản xuất Việt Nam cao bởi Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực xây dựng chuỗi cung ứng đáp ứng cho nhiều ngành nghề từ nhiều năm trước.
Công nghệ then chốt
Ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vào ngày Chủ Nhật (10/9) Nhà Trắng thông báo thỏa thuận hợp tác mới về bán dẫn.
"Nước Mỹ ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc xây dựng chuỗi cung ứng các sản phẩm bán dẫn ổn định, đặc biệt để tăng cường năng lực tại các đối tác đáng tin cậy với những hoạt động không thể đưa lại về Mỹ", Nhà Trắng nhấn mạnh trong tuyên bố mới nhất.
Trong thời gian qua, ngành bán dẫn đã ở trong tâm điểm của căng thẳng mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Bắc Kinh và Washington đều đã chạy đua để tăng năng lực trong lĩnh vực này và mỗi bên đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế năng lực của bên kia.
Nước Mỹ cần đến đối tác tin cậy cho việc cung ứng chip và Việt Nam có thể làm điều này, ông Osius nói.
Intel cũng nghĩ vậy. Hãng sản xuất chip trụ sở tại California đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy ở ngoại ô TP.HCM, theo khẳng định của Intel, đây sẽ là nhà máy với công năng sản xuất, thiết kế và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới.
Cũng theo ông Osius, sẽ có thêm đầu tư vào lĩnh vực này khi mà Washington làm "nồng ấm" hơn nữa mối quan hệ với Hà Nội.
"Tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sẽ tăng lên. Chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng tốc trong hợp tác về công nghệ", ông Osius khẳng định.
Nền kinh tế tăng trưởng nhanh
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chững lại còn 5,8% từ mức 8% vào năm ngoái bởi nhu cầu của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam giảm.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên vẫn còn cao so với mức tăng trưởng chỉ 3% trên toàn cầu, và cao hơn rất nhiều so với nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới ví như Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu.
"Khi mà phần còn lại của châu Á tăng trưởng thấp, Việt Nam sẽ vẫn thuộc nhóm nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất", Natixis nhấn mạnh trong nghiên cứu gần đây.
Thực sự kịch bản này hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy u ám.
Vào tháng 3/2023, phái đoàn bao gồm 52 doanh nghiệp Mỹ trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Netflix hay Boeing đã đến Việt Nam.
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp vẫn thể hiện tâm lý dè dặt với các quy định trong ngành công nghệ Việt Nam, yếu tố mà họ cho rằng sẽ có thể hạn chế việc chuyển dữ liệu liên biên giới hoặc quá nhiều quy định liên quan đến việc địa phương hóa dữ liệu, ông Osius cho hay.
Trong một số trường hợp, doanh nghiệp cũng cảm thấy lo lắng về vấn đề hạ tầng của Việt Nam chưa tốt. Ông Osius từng nói đến năng lực xử lý hàng hóa không đủ tại một số khu vực cảng.
Dù vậy, Việt Nam vẫn có nhiều ưu điểm và là lựa chọn thay thế giá rẻ cho việc dịch chuyển một phần sản xuất từ một nước khác, bà García-Herrero phân tích. Đối với nhiều ngành nghề, việc dịch chuyển không khó khăn bởi nhiều nhà cung cấp của nước thứ 3 cũng đã chuyển sang Việt Nam để tránh thuế cao của Mỹ, chính vì vậy không khó để kiếm những nhà cung cấp như các doanh nghiệp từng có ở nước thứ 3.
Chính quyền Biden muốn đảm bảo lựa chọn thay thế đó.
Chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Rabobank khẳng định rõ ràng giới chức cầm quyền Mỹ muốn có nhiều thành công về chính sách ngoại giao trước thời điểm năm 2024 bằng việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam.