“Đại bàng” công nghệ Mỹ sẵn sàng, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới

Nguyễn Thịnh Thứ hai, ngày 11/09/2023 14:13 PM (GMT+7)
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “kích hoạt” các “đại bàng” công nghệ Mỹ. Dự báo thời gian tới doanh nghiệp Mỹ sẽ đẩy mạnh đầu tư và Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới.
Bình luận 0

Chiều ngày 10/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong bài phát biểu tại buổi họp báo chung tối 10/9 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden có nhấn mạnh rằng: "Hai bên sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi, đặc biệt là trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn".

Việt Nam trước cơ hội trở thành cường quốc thế giới về xuất sản chip: Thuận lợi và khó khăn nào chờ đón? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại cuộc họp báo chung tối 10/9, nhấn mạnh về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ trọng yếu và mới nổi. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 năm nay, bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng cho biết, trong thập kỷ qua Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

"Mỹ mong muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; có kế hoạch tăng cường hợp tác với Việt Nam về chuỗi cung ứng trên cơ sở đối tác toàn diện, tin cậy; hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất chip bán dẫn và năng lượng tái tạo", bà Janet Yellen nhấn mạnh.

Việc Mỹ ban hành đạo luật chip đã có tác động rõ rệt đến các quốc gia Đông Á và mở ra cơ hội cho Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới. Và rất có thể Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu mới. Bằng chứng thuyết phục nhất là Việt Nam đang có sự gia tăng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp bán dẫn.

Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng

Trong cuộc họp sáng nay thứ Hai 11/9, CEO của các công ty bán dẫn và kỹ thuật số như Google, Intel, Amkor, Marvell, và GlobalFoundries sẽ tham dự. Nội dung cuộc họp này là nhằm tăng cường vai trò toàn cầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chip. Đây được coi như là một phần trong chiến lược lớn của Washington nhằm giảm thiểu rủi ro.

Trong số này, Intel là tập đoàn công nghệ vào Việt Nam khá sớm (2006), đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, giúp đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin và điện tử toàn cầu. Tại Việt Nam, sau 16 năm hoạt động, Intel đã đầu tư vào Việt Nam tổng số 1,5 tỷ USD. Nhà máy Intel Products Vietnam đang là nhà máy lớn nhất trong 4 nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định. Trong hơn 200 nhà cung cấp địa phương tại Việt Nam có đến 50% là doanh nghiệp nội địa.

Lần gần nhất, năm 2021, Intel đã đầu tư 475 triệu USD vào nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của hãng tại TP.HCM.

Tháng 11/2021, "gã khổng lồ" trong lĩnh vực bán dẫn, Amkor Technology, Inc (Amkor có trụ sở tại Mỹ, nhưng nhà sáng lập là người Hàn Quốc - PV) cũng đã ký một thỏa thuận đầu tư 1,6 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh.

Hồi tháng 5 năm nay, Tập đoàn Công nghệ Marvell đã công bố việc thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TP.HCM. Trung tâm được thành lập trên cơ sở nâng cấp Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ Marvell Việt Nam tại Khu Chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM). Tổng vốn đầu tư cho Trung tâm Thiết kế Vi mạch Marvell tại Việt Nam không được tiết lộ nhưng đại diện Marvell khẳng định sẽ đầu tư mạnh để phát triển nguồn nhân lực trong ngành vi mạch.

Bài toán nhân lực công nghệ

Theo Bloomberg, trong thời gian vừa qua, chip từ Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ. Riêng tháng 2/2023, Việt Nam đã xuất khẩu chip vào Mỹ đạt doanh số 562,5 triệu USD, tăng khoảng 240,8 triệu USD so với tháng 2/2022. Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng ba châu Á, sau Malaysia và Đài Loan, trong hoạt động xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ.

Việt Nam trước cơ hội trở thành cường quốc thế giới về xuất sản chip: Thuận lợi và khó khăn nào chờ đón? - Ảnh 2.

Việt Nam sẽ đào tạo kịp và cung ứng đủ theo nhu cầu?

Tuy nhiên nhìn thẳng vào thực tế, đa số xuất khẩu chip hiện nay là của doanh nghiệp FDI. Trong lĩnh vực sản xuất chip hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, Intel, Foxconn... đang chi phối. Và doanh nghiệp Việt rất khó tham gia hoặc hàm lượng tham gia rất thấp, đa số chỉ có người lao động tham gia lắp ráp, còn bí kíp công nghệ thì doanh nghiệp FDI nắm.

Hiện Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip tại Việt Nam với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam và đang có xu hướng tăng. Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử, sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc, và tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất chip (vi mạch bán dẫn).

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó, lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là ngành kinh tế được Chính phủ xác định có sản phẩm nằm trong 9 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, và là phương thức quan trọng để chuyến hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.

Việt Nam đang có 3 khu công nghệ cao quốc gia được thành lập là Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu công nghệ cao Đà Nẵng và Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với hoạt động thu hút đầu tư ngày càng chuyển biến tích cực, tạo nền tảng để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Trước tình hình đó, các chuyên gia về ngành cho rằng Chính phủ cần có các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, lập hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài ra, Việt Nam cần nỗ lực để đạt được những thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các cường quốc công nghệ, từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn.

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ hồi tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí với đề nghị của phía Mỹ và cho biết mở rộng chuỗi cung ứng, sản xuất chip, chất bán dẫn cũng là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất chip toàn cầu?

Nói về câu chuyện này, ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, các quốc gia Đông Á, từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đến Singapore, Malaysia và Việt Nam đều đang rất nỗ lực để đón xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về chip bán dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chip.

Ông Bảo dẫn chứng thêm về trường hợp Synopsys, một công ty dẫn đầu thế giới về thiết kế chip đang chuyển các hoạt động đầu tư và đạo tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam. Synopsys có hai văn phòng tại TP.HCM và hai văn phòng tại Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên và có kế hoạch bổ sung thêm 300 đến 400 người nữa.

Ông Đỗ Cao Bảo ví dụ về FPT Semiconductor, thành viên của tập đoàn FPT cũng đã ra mắt dòng chip bán dẫn đầu tiên trong lĩnh vực IoT cho Y tế và đã có kế hoạch cung cấp 25 triệu chip trên toàn cầu trong 3 năm tới. Với các khoản đầu tư nước ngoài trên, theo ông Đỗ Cao Bảo, đã tạo ra những đột phá trong việc đưa Việt Nam tham gia vào nhóm các quốc gia sản xuất chip và có thể trở thành một trong những trung tâm sản xuất chip toàn cầu.

Trong đó, việc Synopsys chuyển việc đào tạo kỹ sư thiết kế chip sang Việt Nam và FPT thiết kế, tổ chức sản xuất và thương mại chip IoT cho y tế là những bước khởi đầu đầy hứa hẹn đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu. "Con đường đi tốt nhất của Việt Nam là bắt đầu từ các con chip IoT cho y tế, chip cho tủ lạnh, máy điều hoà không khí, máy giặt. Khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm, chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo", ông Đỗ Cao Bảo đánh giá.

Việt Nam trước cơ hội trở thành cường quốc thế giới về xuất sản chip: Thuận lợi và khó khăn nào chờ đón? - Ảnh 3.

Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT.

Theo ông Bảo, việc tham gia vào chuỗi giá trị chip bán dẫn có nghĩa là Việt Nam có cơ hội chia phần trong chiếc bánh có qui mô 1.500 tỷ USD (vào năm 2030) với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12%. "Chỉ cần 10% trong chiếc bánh 1.500 tỷ USD cũng đủ giúp Việt Nam cất cánh, bởi chip bán dẫn là công nghệ nền tảng cho tất cả các công nghệ khác, không chỉ trong quốc phòng, an ninh, máy bay, tên lửa, tàu chiến mà cả trong tất cả các thiết bị ở xung quanh chúng ta", ông Bảo cho hay.

Ông Bảo nhấn mạnh thêm: "Nếu Mỹ và các cường quốc chip trên thế giới có chiến lược chuyển sản xuất chip sang Việt Nam thì tôi tin rằng trong 10 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia mạnh trong lĩnh vực chip bán dẫn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và sản xuất chip. Tôi nhắc lại khó nhất là thị trường, là bán hàng, còn những khâu còn lại Việt Nam chúng ta sẽ làm được, tất nhiên cần sự chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư cho sản xuất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem