Dân Việt

Dự án cầu, đường kết nối TP.HCM, Đồng Nai chậm tiến độ, Bình Dương lập tức điều chỉnh vốn đầu tư công

Trần Khánh 13/09/2023 10:14 GMT+7
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương và dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2) vừa được UBND tỉnh Bình Dương điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn.

Điều chỉnh vốn đầu tư công cho các dự án giao thông trọng điểm

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành quyết định (số 2265) điều chỉnh nội bộ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, và Kế hoạch đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách địa phương.

Theo đó, dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) thuộc dự án đường Vành đai 3, được điều chỉnh giảm hơn 590 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đầu tư công sau khi điều chỉnh là hơn 6.170 tỷ đồng.

Dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) thuộc dự án đường Vành đai 3 được điều chỉnh giảm vốn đầu tư công trung hạn. Ảnh. T.L

Dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư) thuộc dự án đường Vành đai 3 được điều chỉnh giảm vốn đầu tư công trung hạn. Ảnh. T.L

Dự án 1: Xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương thuộc dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2), được Bình Dương điều chỉnh tăng vốn gần 152 tỷ đồng. Kế hoạch vốn sau khi điều chỉnh Dự án 1 cầu Bạch Đằng 2 là hơn 242,4 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương cũng điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nâng cấp, mở rộng đường từ ngã tư Bình Chuẩn đến ngã ba giao với tuyến đường Đài Liệt sĩ Tân Phước Khánh, là hơn 438,4 tỷ đồng. Kế hoạch vốn sau khi điều chỉnh là hơn 1.011 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Dương, kế hoạch đầu tư công trung hạn được xem là công cụ quan trọng để điều hành và quản lý nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong giai đoạn kéo dài 5 năm.

Trước đó, cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 3678 về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách địa phương.

Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Dương cho rằng, việc điều chỉnh kế hoạch nhằm phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời bổ sung vốn cho các dự án theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời cắt giảm vốn một số dự án giãn hoãn tiến độ trong giai đoạn 2021-2025.

Do tổng nguồn vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư giai đoạn 2021-2025 không thay đổi, việc điều chỉnh kế hoạch vốn được thực hiện trên cơ sở cân đối lại giữa các dự án đã được bố trí vốn, đồng thời bổ sung từ nguồn dự phòng kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

Cầu Bạch Đằng 2 khi hoàn thành sẽ tạo kết nối 2 trục đường huyết mạch ĐT.747 (TXTân Uyên, Bình Dương) và ĐT768 huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai); tạo thuận lợi rất lớn cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: T.L

Cầu Bạch Đằng 2 khi hoàn thành sẽ tạo kết nối 2 trục đường huyết mạch ĐT.747 (TX Tân Uyên, Bình Dương) và ĐT768 huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai); tạo thuận lợi rất lớn cho việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: T.L

Ngoài 3 dự án được điều chỉnh vốn đầu tư công nêu trên, các nội dung khác vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 3678 điều chỉnh một số nội dung của Quyết định số 2862  ngày 08/11/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch điều chỉnh đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương (lần 2).

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương cũng điều chỉnh nội bộ kế hoạch đầu tư công năm 2023 vốn ngân sách địa phương trong cùng chủ đầu tư đối với 56 dự án; với tổng số vốn điều chuyển là hơn 2.421,7 tỷ đồng.

Nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ

Đầu tháng 9 vừa qua, Tỉnh ủy Bình Dương đã làm việc với các sở ngành, địa phương về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Theo đó, khâu giải phóng mặt bằng nhiều dự án giao thông trọng điểm đang gặp khó khăn

Đường Vành đai 3 có 4 gói thầu. Trong đó, Bình Dương đã khởi công gói thầu số 2 (nút giao Bình Chuẩn).  

Bình Dương đã khởi công gói thầu số 2 (nút giao Bình Chuẩn) dự án đường Vành đai 3. Ảnh: Trần Khánh

Bình Dương đã khởi công gói thầu số 2 (nút giao Bình Chuẩn) dự án đường Vành đai 3. Ảnh: Trần Khánh

Ông Trần Hùng Việt – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết, dự án đường Vành đai 3 đang vướng chỗ nút giao Tân Vạn liên quan đến tuyến đường sắt; việc bàn giao mặt bằng thực hiện gói thầu số 3 còn thấp.

Ông Việt đề nghị TP.Thuận An và TP.Dĩ An sớm áp giá để giải ngân nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng như cam kết với Chính phủ, đến cuối năm 2023 phải bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết Thuận An cũng gặp khó khăn trong việc bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.

"TP.Thuận An sẽ triển khai giải phóng mặt bằng đoạn cần thiết trước, phấn đấu đến cuối năm 2023 bàn giao 100% mặt bằng thi công", ông Tâm nói.

Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) hiện đã thực hiện chi trả giải phóng mặt bằng đường dẫn vào cầu Bạch Đằng 2 (phía Bình Dương), với số tiền 88 tỷ đồng/224,718 tỷ đồng (đạt 39%).

TP. Tân Uyên tiếp tục lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi trả tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng thi công trong tháng 9/2023.

Cầu Bạch Đằng 2 do Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Ảnh: T.L

Cầu Bạch Đằng 2 do Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Ảnh: T.L

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá, khó khăn lớn nhất ở các công trình hạ tầng giao thông đã triển khai đang gặp phải chính là công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương có nhiều giải pháp để thực hiện quyết liệt công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, trong đó có đường Vành đai 3.

Về nguồn vốn, lãnh đạo Tỉnh ủy đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính bố trí đủ vốn, và linh hoạt điều chỉnh vốn trong các dự án trọng điểm, không để chỗ thừa, chỗ thiếu như hiện nay; tập trung ưu tiên vốn cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhất là công trình cầu Bạch Đằng 2.