Bình Dương đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải để phục vụ người dân

Trần Khánh Thứ ba, ngày 05/09/2023 13:12 PM (GMT+7)
Tỷ lệ các hộ dân được đấu nối vào hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt có tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải để phục vụ người dân.
Bình luận 0

Người dân hưởng lợi nhờ đấu nối xử lý nước thải

TP.Tân Uyên đang thu hút số lượng lớn dân nhập cư đến đây làm ăn, sinh sống, dẫn đến lượng nước thải sinh hoạt trên địa bàn ngày càng tăng. Việc khánh thành và đưa vào sử dụng nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên từ năm 2019 đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở địa phương.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc lấy mẩu kiểm định tại Nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên. Ảnh: Phương Lê

Cán bộ Trung tâm Quan trắc lấy mẩu kiểm định tại nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên. Ảnh: Phương Lê

Chi nhánh nhà máy nước thải Tân Uyên đóng tại phường Thái Hòa (TP.Tân Uyên) có tổng mức đầu tư 893 tỷ đồng. Chi nhánh nước thải Tân Uyên được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, có khả năng xử lý và bóc tách triệt để các thành tố nguy hại, đưa nước sau xử lý đến khu vực hồ ổn định trước khi lưu thông trở lại ra môi trường.

Để khuyến khích người dân tham gia đấu nối nước thải sinh hoạt, chi nhánh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như miễn phí 100% chi phí vật tư và nhân công đối với gia đình chính sách, hỗ trợ 100% chi phí nhân công đối với hộ dân và hộ kinh doanh nhà trọ có dưới 5 phòng trọ, và hỗ trợ thêm 30% chi phí vật tư đối với các hộ nghèo.

Ông Trương Hoàng Sơn, chủ cơ sở kinh doanh nhà trọ của ở phường Thái Hòa, có 18 phòng trọ cho thuê, có khoảng 40 người đang sinh sống. Mỗi ngày, lượng nước thải sinh hoạt từ khu nhà trọ của ông thải ra môi trường khoảng 8 mét khối.

Hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt. Ảnh: Trần Khánh

Hệ thống cống thoát nước thải sinh hoạt. Ảnh: Trần Khánh

Trước đây, để giải quyết lượng nước thải này, ông phải đào hầm để dẫn nước thải trực tiếp ra môi trường. Thỉnh thoảng gặp phải tình trạng nghẹt cống, ông phải tốn chi phí thông cống, hút hầm cầu. Việc này vừa tốn kém chi phí xử lý, vừa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Sau khi đăng ký đấu nối nước thải sinh hoạt cách đây hơn 1 tháng, nước thải sinh hoạt và nước thải từ hầm cầu từ nhà trọ được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của nhà máy nên đã giảm hẳn mùi hôi. Gia đình ông cũng không còn lo hầm thải bị đầy, phải tốn tiền thuê người hút, nạo vét.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải

Theo bà Cổ Kim Tuyến - Giám đốc Chi nhánh xử lý nước thải Tân Uyên, chi nhánh có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho khu vực TP.Dĩ An, TP.Thuận An và TP.Tân Uyên. Nhà máy được thiết kế với công suất 15.000 m3/ngày đêm. Hiện tại công suất đang xử lý khoảng 8.500 m3/ngày đêm, đạt tỉ lệ là 56,7%.

Nhà máy xử lý nước thải khu vực TP.Thuận An. Ảnh: T.L

Nhà máy xử lý nước thải khu vực TP.Thuận An. Ảnh: T.L

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ đấu nối nước thải của người dân trên địa bàn TP.Tân Uyên vẫn còn thấp, chỉ mới đạt 51,1%. Nguyên nhân là do hệ thống thu gom nước thải là hệ thống thoát nước riêng, chỉ thu gom nước thải, không thu gom nước mưa. Việc đấu nối trực tiếp, bỏ qua hầm tự hoại còn khá mới mẻ đối với người dân.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về hệ thống thu gom nước thải riêng và công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế nên việc vận động đấu nối còn khó khăn. Nhiều nhà dân đã xây dựng kiên cố nên e ngại việc đào bới trong nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán.

Hiện nay, TP.Tân Uyên đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng kiến trúc, cảnh quan đô thị để được công nhận là đô thị loại 2 vào trước năm 2055.

Vì vậy, việc tập trung đầu tư phát triển đô thị, nâng cao chất lượng vệ sinh đô thị, nâng cao tỷ lệ đấu nối và sử dụng dịch vụ cấp thoát nước là những nhiệm vụ quan trọng đang được chính quyền địa phương và các ngành liên quan ưu tiên thực hiện.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho nhóm dự án bảo vệ môi trường, cấp thoát nước chiếm khoảng 14% trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư công.

Theo đó, các dự án được giao cho Ban quản lý (BQL) dự án chuyên ngành nước thải tỉnh làm chủ đầu tư khoảng 1.964 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương sẽ bố trí vốn đối ứng từ nguồn dự phòng cho 2 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đó là dự án cấp nước và xử lý nước thải TX.Bến Cát, và dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2.

Thi công đấu nối nước thải tại một hộ dân ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An Ảnh: Phương Lê

Thi công đấu nối nước thải tại một hộ dân ở phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An Ảnh: Phương Lê

Bà Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc BQL dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương cho biết, các đô thị lớn ở phía Nam Bình Dương đều đã có nhà máy xử lý nước thải. Với kế hoạch phát triển TX.Bến Cát trở thành thành phố Bến Cát, dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực Bến Cát sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch của tỉnh.

Ở các đô thị phía Nam, hệ thống thu gom của nước thải TP.Thủ Dầu Một đạt khoảng 70%,  của TP.Dĩ An khoảng 30%, TP.Thuận An là 30%.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các dự án chuyên ngành xử lý nước thải tại Bình Dương phải tăng tốc đầu tư xây dựng với mục tiêu hoàn thành sớm nhất để đưa vào vận hành.

Bà Vân cho biết, từ nay đến hết năm 2023, BQL sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tại TX.Bến Cát. Dự kiến dự án sẽ xây mới nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất giai đoạn 1 là 15.000m3/ngày. Dự án hoàn thành sẽ giúp trực tiếp cho khoảng 131.000 người dân và 290.000 người dân gián tiếp ở khu vực lân cận được hưởng lợi.

Song song đó, các nhà máy xử lý nước thải sẽ tăng cường triển khai thi công đấu nối, tăng độ bao phủ cho các cơ quan, trường học, chợ truyền thống và hộ gia đình, nhất là tại các địa phương TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TP.Tân Uyên, bà Vân chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem