Ông Trương Minh Ngọc (trú tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 kể câu chuyện lập nghiệp của mình.
Giữa tiết thu tháng 9 phóng viên Dân Việt tìm về xã Xuân Khê - một trong những xã đầu tiên được công nhận là nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao của tỉnh Hà Nam để gặp ông Trương Minh Ngọc (SN 1971).
Tiếp chúng tôi, bên ly trà, ông từ tốn kể về cơ duyên đến với nghề chế tác, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của mình.
13 tuổi bắt đầu cầm bào, cầm đục học nghề mộc
Ông Ngọc kể, ông là con thứ 7 trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết cấp hai, đến năm 13 tuổi thì theo bố và anh trai bươn chải kiếm tiền.
Từ xưa làng Xuân Khê nổi tiếng với nghề chạm khắc, sản xuất thủ công mỹ nghệ, thế nên ông Ngọc theo cha, bác, anh em bén duyên với nghiệp đục đẽo. Tính đến nay ông đã có kinh nghiệm gần 40 năm gắn bó với nghề mộc.
Lý Nhân là một trong những địa phương của tỉnh Hà Nam phát triển mạnh nghề mộc, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã: Nhân Khang, Xuân Khê, Nhân Chính, Đức Lý, Văn Lý, Công Lý và thị trấn Vĩnh Trụ…
Bên cạnh việc làm ra các sản phẩm gỗ nội thất, việc sản xuất, chế tác các ngôi nhà gỗ theo kiến trúc cổ xưa cũng đang được các cơ sở mộc đầu tư, phát triển mạnh.
"Sống tại làng nghề mộc có truyền thống lâu đời, thế nên năm 13 tuổi, tôi được bố bắt đầu dạy những việc công việc đầu tiên từ xẻ, rọc, bào rồi đến đục đẽo.
Bố tôi nghiêm khắc lắm, hễ sai, thiếu chỗ nào là đánh luôn cho nhớ. Thời gian đầu, tôi nản lắm, nhiều lần muốn bỏ nghề, đi làm việc khác. Thế nhưng bố tôi không cho, phần vì nghề truyền thống, phần vì nó cũng tạo ra kinh tế cho cả gia đình.
Lúc đầu làm khó lắm, dù được theo bố, theo các chú bác, thế nhưng mỗi người một việc. Thời gian rảnh tôi cố gắng quan sát rồi xin mọi người chỉ dạy thêm. Rồi tay nghề cùng lên, mãi sau này bố tôi mới công nhận tôi khéo tay, có năng khiếu. Thời điểm đó ông đánh, ông mắng thì tôi mới có thành công ngày hôm nay", ông Ngọc tâm sự.
Theo lời ông, năm 1984, ông theo cha bôn ba khắp nơi, vừa làm, vừa học việc. Thanh Hóa là nơi đầu tiên cha con ông đặt chân tới.
Ông bảo, thời ấy đường xá khó khăn, việc di chuyển cực kì vất vả: "Chúng tôi mất cả ngày trời để di chuyển từ Hà Nam lên tận Bá Thước, Cẩm Thủy, Mường Lát (Thanh Hóa) làm gỗ. Chuyến đi dài hàng tháng trời".
Sau 5 năm bôn ba học hỏi, 18 tuổi ông Ngọc trở về quê hương để tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi nhập ngũ, ông xin Thủ trưởng được đóng tất cả những mặt hàng dân dụng cho đơn vị từ bàn, kệ bếp... Cùng với việc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, ông tiếp tục rèn luyện tay nghề, không để nghiệp riêng bị mai một.
Lập nghiệp từ những đồng tiền đi vay
Năm 1991, hoàn thành nghĩa vụ trở về, nhìn thấy quê hương có nghề nhưng vẫn nghèo, người dân vẫn phải cấy lúa, làm nông quần quật, ông Ngọc mang trong mình nỗi trăn trở về phát triển kinh tế gia đình từ chính nghề mộc.
"Nhiều đêm tôi không ngủ được, vắt tay lên trán nghĩ về con đường lập nghiệp. Vừa giữ, phát triển nghề, vừa làm ra kinh tế, miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình", người đàn ông nói.
Nghĩ là làm, ông cùng một vài anh em thân thiết chập chững những bước chân đầu tiên. Họ bắt đầu làm từ những bộ cửa, bàn ghế, đồ gia dụng trong gia đình.
"Tôi phải vay tiền ngân hàng để làm vốn", ông Ngọc kể.
Vừa học vừa làm, từ việc nâng cao tay nghề, đến xem nguồn gỗ, cách xem gỗ, dần dần ông Ngọc tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm
Chỉ kinh nghiệm, tay nghề là chưa đủ, lúc mới đầu, ông Ngọc còn phải đi nói chuyện từng người, gõ cửa từng nhà để tạo dựng niềm tin về chất lượng gỗ mà xưởng mình lựa chọn.
Ông bảo, mình nói, mình phải chứng minh cho người ta, phải luôn đặt lợi ích của khách hàng lên đầu tiên, rồi đến những người làm cùng sau mới nghĩ đến phần mình.
Nhà có 8 anh chị em, trong đó có 4 người tự mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, thế nhưng chỉ được một thời gian 3 người anh của ông đều phải bỏ vì nợ nần. Việc này, khiến ông Ngọc băn khoăn và suy nghĩ, nếu không thay đổi, có lẽ người tiếp theo báo nợ chính là ông.
Sau nhiều lần tìm hiểu, mày mò, ông rút ra cho bản thân 2 điều quan trọng cần phải thay đổi ngay. Một là phải biết nhìn nguyên liệu, 2 là nâng cao giá trị sản phẩm của mình, đánh mạnh vào các phân khúc cao cấp hơn.
"Khúc gỗ nếu không biết cách nhìn nó là vật vô tri vô giác, nhưng nếu biết cách, qua bàn tay của mình nó sẽ thành "kim" thành những sản phẩm có giá trị, đem lại lợi ích kinh tế rất lớn" ông nói.
Ông Ngọc tìm nguồn gỗ từ Lào. Những lô đầu tiên, vẻ ngoài thì đẹp nhưng xẻ ra hỏng, sâu rồi mối mọt, phải vứt đi rất nhiều khiến ông hoang mang, đổ nợ.
"Tôi phải liên tục đổi mới tư duy để không đi vào vết xe đổ của 3 anh trai cũng như nhiều hộ gia đình thất bại khi lập nghiệp làm gỗ. Mãi đến năm 2005 tôi mới nhìn thấu đáo về các loại gỗ mà mình lựa chọn. Khúc nào đẹp, khúc nào hỏng tôi biết ngay.
Sau đó tôi làm những bộ bàn ghế có giá trị cao hơn, chào bán cho những công ty, tập đoàn lớn rồi nhận thêm các công trình đình chùa, đền...
Tôi đã quy tụ tất cả những người anh em thợ giỏi, những người thợ tinh hoa nhất, vừa đạo tạo, vừa trả lương hậu hĩnh để họ làm việc cho mình, có những sản phẩm tốt đến tay người dân. Đến nay tôi rất tự hào khi có những người gắn bó với mình hàng chục năm", ông Ngọc vui vẻ nói.
Tạo công ăn việc làm hàng trăm lao động
Suốt 20 năm đầu, ông Ngọc loay hoay trong quá trình tìm tòi, học hỏi, sáng tạo. Đến năm 2012 ông mới đạt được những thành công đầu tiên.
Lúc đó, ông nhận thi công các công trình, từ xây dựng đến phần mộc. Nhiều công trình đẹp ra đời khiến uy tín của ông được nâng cao nhiều người biết đến.
Ông Ngọc còn hợp tác với một số tập đoàn lớn như tập đoàn Lã Vọng, các công ty lâm sản, các chùa đình khắp miền bắc từ Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình đến Bắc Ninh.
"Có gia đình tôi làm cho 3 - 4 thế hệ, từ, ông, cha đến con cháu".
Hiện nay ông có hơn 100 công nhân, nhiều xưởng lớn tại Hà Nam, Hà Nội, vừa nhận thi công vừa gia công. Mức lương ông trả trung bình từ 10 - 12 triệu đồng cho mỗi người tùy thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm...
Theo ông Ngọc, nghề mộc truyền thống đã và đang mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình và người động.
Theo ông Ngọc, yếu tố quyết định làm nên sự thành công của mình là ông biết cách chỉ đạo người thợ, quý trọng người công nhân, đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu rồi mới tính đến lợi nhuận của mình.
"Tôi đi theo làm nghề với ông Ngọc khoảng chục năm nay, ông cầm tay chỉ bảo tôi từ những đường đục, bào đầu đầu tiên. Làm việc gần nhà, thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu, lại được tạo điều kiện làm việc, khiến anh em thợ chúng tôi phấn khởi và nể lắm. Có những nhà cả 3 - 4 người làm việc cho xưởng gỗ", ông Trương Văn Hiến - thợ mộc tại xưởng gỗ nhà ông Ngọc chia sẻ.
Không chỉ góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương, từ năm 2017 ông Ngọc bắt đầu công việc thiện nguyện.
Thời điểm dịch Covid- 19, ông hỗ trợ quà cho người cao tuổi của xã tổng số tiền lên tới 400 triệu; tham gia tài trợ bò cho chương trình Lục Lạc Vàng; đỡ đầu nhiều cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; trao quà trong các dịp lễ tết cho các cụ già ở địa phương; ủng hộ xã xây dựng nông thôn mới...
Đánh giá về quá trình làm kinh tế cũng như những đóng góp của ông Ngọc tại quê hương, Ông Trương Văn Tính - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Khê cho biết: "Anh Ngọc luôn tích cực tham gia các phong trào của thôn xã phát động, từ công việc chuyên môn đến những phong trào thiện nguyện. Anh đóng góp rất lớn vào quỹ từ thiện của xã, luôn được xếp tên đầu tiên mỗi khi lên trao quà cho bà con hay những người cao tuổi.
Bên cạnh đó anh còn tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều bà con làng xóm, cũng một phần nhờ đó mà kinh tế của xã đi lên".
Việc sản xuất các sản phẩm đồ gỗ mang giá trị cao, lợi nhuận tốt, tạo nhiều công ăn việc làm của ông Trương Minh Ngọc là điểm sáng phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hà Nam.
Bản thân ông Ngọc được tặng nhiều giấy khen, Bằng khen của của xã, huyện, tỉnh.
Năm 2023, ông Ngọc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023".