Những năm trước, vào thời đểm này, đi dọc trên các tuyến đường của các xã vùng trũng, thấp như Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An không khó bắt gặp hình ảnh người dân cùng ngồi lựa ra các loại cá đồng, cua, lươn vừa đánh bắt được dưới kênh hay cánh đồng xung quanh nhà. Còn năm nay, hình ảnh trên khá ít.
Gắn bó với nghề đặt lọp vào mùa lũ hơn chục năm qua, anh Nguyễn Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) cho biết, cũng như mấy mùa lũ trước, anh sửa lại những cái lọp cũ để đánh bắt thủy sản.
“Thông thường, cứ đến tháng 7 Âm lịch hàng năm là lũ về, cá đầy đồng ruộng. Nhưng năm nay, lũ về trễ và thấp hơn mọi năm, lượng cá không nhiều. Tôi đặt trên 500 cái lọp, 2-3 ngày thăm một lần nhưng chỉ thu về được 5-7kg cá (lóc, phi, rô,...), bán được 200.000-300.000 đồng. Trong khi đó, mấy năm về trước, mỗi ngày, tôi bắt được vài chục kilôgam cá, thu nhập từ 500.000-700.000 đồng, có ngày kiếm được cả triệu đồng” - anh Nghĩa than thở.
“Năm nay, ít cá quá, toàn cá mồi!” - ông Nguyễn Văn Giới (xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng) buồn bã nói sau chuyến thu lưới và đổ dớn về. Với 10 bộ dớn, gần 1.000m lưới, ông chỉ thu được khoảng 10kg cá tạp. Những năm trước, cũng với số lượng dớn và lưới này, mỗi ngày, ông thu về vài chục kilôgam cá, ngoài làm thức ăn cho cá lóc nuôi, số còn lại bán được vài trăm ngàn đồng.
“Đánh bắt cá mùa lũ cả chục năm mà chưa năm nào cá ít như năm nay. Chúng tôi sống được nhờ mùa nước, năm nay, cá ít như vầy chắc “đi đứt” một mùa làm ăn nữa rồi!” - ông Giới tâm sự.
Anh Trần Nhật Khánh (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) hơn chục năm làm nghề thu mua cá đồng mùa lũ, cho biết: Vào thời điểm này, những năm trước, cá nhiều, trung bình mỗi ngày, tôi thu mua khoảng 1 tấn cá đồng, sau đó đem bán ở các địa phương tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Năm nay, cá ít, mỗi ngày chỉ thu mua được khoảng 200-300kg; không những sản lượng ít mà chủng loại cũng không phong phú, chủ yếu là cá lóc, cá chốt, cá lăng, cá linh.
Dạo quanh một số chợ ở các huyện đầu nguồn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, hiện nay, lượng cá đồng rất ít. Có mặt tại khu vực chợ cá của huyện Tân Hưng vào một phiên chợ sáng, theo các tiểu thương, năm nay, cá đồng rất ít, chỉ có một số loại chốt, lăng, mè vinh, linh,...
Bà Đỗ Thị Trận - tiểu thương bán cá đồng tại chợ cá của huyện Tân Hưng, cho biết: “Chợ thường nhóm từ sáng đến giữa trưa. Mọi năm, vào thời điểm này, người bán đông đúc, có lúc tăng gấp 2-3 lần. Ngoài số tiểu thương thường bán tại đây, còn nhiều người dân đánh bắt được cá từ trong đồng cũng mang ra bán. Còn năm nay, lũ về thấp, lượng cá đồng rất ít, chủ yếu là cá chốt, mè vinh,... trung bình mỗi ngày, tôi chỉ thu mua được trên 10kg cá để bán”.
Tại chợ Vĩnh Hưng, thời điểm này những năm trước, buổi sáng tấp nập xuồng, ghe cập bến chở theo sản vật mùa nước nổi. Mỗi ngày, có hàng tấn cá, cua, lươn, ếch,... tập kết về đây để mang đi tiêu thụ khắp nơi. Thế nhưng, năm nay, sản vật khan hiếm về chủng loại cũng như sản lượng.
Theo chị Nguyễn Thị Huệ - tiểu thương chợ Bàu Sậy, huyện Vĩnh Hưng, do lượng cá đồng khan hiếm nên giá bán tăng khoảng 10-20% so với các năm trước, hiện giá cá lóc, cá trê từ 100.000-120.000 đồng/kg; cá chốt, cá lăng từ 50.000-100.000 đồng/kg; cá mè vinh 50.000-60.000 đồng/kg; cá linh khoảng 150.000 đồng/kg. Không những các loại cá, lươn, rắn, ếch,... mà các sản vật khác như bông điên điển, bông súng, hẹ nước cũng khan hiếm tại các chợ.
Hàng năm, mỗi khi mùa lũ về, người thì giăng câu, đánh cá, người thì thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước đem ra chợ bán,... Đó là những sản vật “trời ban”, giúp người dân nghèo có thêm thu nhập để cho các con đi học, mua sắm thêm vật dụng trong gia đình. Nước lũ về thấp khiến những người làm nghề mưu sinh theo con nước cũng chật vật hơn.
“Với trên 1.000m lưới giăng cả đêm, tôi chỉ kiếm được khoảng 10kg cá mè vinh, lăng, chốt,... bán được 200.000-300.000 đồng, coi như chỉ đủ tiền cơm, chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tôi mong sao nước về nhiều, thời gian ngập lũ lâu, cá lớn hơn, khai thác được nhiều hơn” - anh Nguyễn Văn Vũ (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) kỳ vọng.
Còn anh Nguyễn Thanh Hùng (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) cho biết: Vào thời điểm này những năm trước, 2ha đất sản xuất của gia đình nước đã vào trắng ruộng nhưng năm nay, đến thời điểm này, nước vẫn chưa vào ruộng. Theo anh Hùng, năm nay, lũ nhỏ, vụ Đông Xuân tới nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là dịch chuột bùng phát mạnh.
Anh Trần Thanh Tâm (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) cũng bày tỏ sự lo lắng: Lũ thấp, đồng ruộng không được vệ sinh, lượng phù sa giảm nghiêm trọng, chi phí đầu tư cho bơm trục, thuốc diệt cỏ, sâu, rầy, phân bón sẽ tăng. Hiện nay, trong 4ha đất sản xuất của gia đình, nước lũ đã vào được khoảng 2ha với độ sâu từ 20-30cm. Hy vọng nước lũ về nhiều hơn, thời gian ngâm lũ lâu hơn để đất nhận được nhiều phù sa, sâu rầy bị cuốn trôi, giảm chi phí sản xuất trong vụ mùa tiếp theo.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Trần Văn Bằng cho biết: Hiện có khoảng 6.000/28.500ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nước lũ đã ngập từ 20-40cm. Ngành chuyên môn huyện cũng tuyên truyền, vận động người dân xả lũ đón phù sa, số diện tích vùng cao tập trung vệ sinh đồng ruộng, cày trục đất ngâm lũ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng - Lê Thành Yên, từ khi lũ về, huyện chủ động cho xả nước vào các cánh đồng, vừa giúp tạo sinh kế cho người dân đánh bắt thủy sản, vừa mở đồng đón phù sa. Đến thời điểm này, có khoảng 12.000/37.000ha đất sản xuất nông nghiệp lũ đã ngập đến, tập trung ở các xã vùng thấp của huyện như Thạnh Hưng, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Bửu, Vĩnh Châu A. Nước lũ về thấp không cung cấp đủ phù sa để bồi đắp cho đồng ruộng dẫn đến chi phí đầu tư trồng lúa vụ tới của người dân tăng cao hơn. Bên cạnh đó, các loại sâu, bệnh, chuột cũng có nguy cơ hoành hành, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa.
Lũ thấp không chỉ khiến những người mưu sinh theo con nước khốn khó mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất của người dân. Bởi vậy, mỗi người dân vùng lũ đều đang mong chờ con nước về tràn bờ mang theo nhiều thủy sản, giúp họ kiếm thêm thu nhập, trang trải cho cuộc sống; đồng thời, giảm gánh lo chi phí cho vụ mùa sắp tới.