Mùa lũ dân vùng này ở An Giang đi săn cá đồng, vì sao cá đặc sản lìm kìm, cá dày, cá cóc khan hiếm?

Thứ sáu, ngày 11/11/2022 13:22 PM (GMT+7)
Anh Tâm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) cho biết, dưới mặt nước kênh Trà Sư trước đây còn có những loài cá đặc sản như: cá lìm kìm, cá dày, cá cóc…nhưng theo thời gian chúng trở nên khan hiếm. Những mùa lũ đã qua, người theo nghề "săn" cá trên đồng như anh Tâm bắt đầu tìm công việc khác có thu nhập ổn định hơn.
Bình luận 0

Theo lời hẹn trước, tôi đến thăm người bạn vốn là ngư dân ngụ bên bờ kênh Trà Sư (xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) trong mùa nước đổ. 

Vì quý người bạn đường xa, anh dẫn tôi đi “săn” cá đồng để có dịp sống trong không khí đồng quê và thưởng thức cái thú tiêu dao.

Tháng 6 (âm lịch), mặt nước kênh Trà Sư ngầu đỏ sắc phù sa. Mấy đám lục bình vô tư trôi theo con sóng nhỏ lăn tăn từ những chiếc vỏ lãi của dân câu lưới. Đến gặp anh Phan Thành Tâm khi mặt trời ló dạng qua đỉnh núi, chúng tôi ngồi đưa chuyện bên ấm trà nóng hổi. 

Dù mới lần đầu gặp mặt nhưng với cái chất hào sảng của dân miền Tây, anh Tâm xem tôi như người bạn thâm niên. Bởi thế, cuộc đời trôi nổi của anh cũng được chia sẻ dài theo mấy ly trà chan chát vị quê.

Anh Tâm xởi lởi: “Tui quê gốc ở phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) về đây lập nghiệp đã mấy mươi năm. Hồi đi bộ đội rồi lấy vợ ở xứ này mình còn trẻ lắm, mà thấm thoát đã sang cái dốc bên kia của đời người. Nói thiệt, nghề bà cậu này chỉ làm mỗi năm mấy tháng, chứ lệ thường vợ tui buôn bán ngoài chợ, còn mình thì “ai kêu gì làm nấy”. 

Cuộc sống chưa nói là dư dả nhưng không thiếu thốn. Nếu chịu khó lao động thì cũng đủ trang trải sinh hoạt gia đình, lo cho con cái ăn học như người ta”.

Đưa mắt nhìn xuống dòng kênh Trà Sư, anh Tâm cho biết mùa này cá chưa nhiều lắm. Muốn đủ cá bán chợ, phải đợi tầm 1 tháng nữa, khi con nước đã quên đi cái chuyện lớn - ròng. 

Tuy nhiên, nếu chỉ là “săn” cá ăn chơi thì kênh Trà Sư không thiếu. Theo cái chỉ tay của người bạn mới quen, tôi nhìn xuống dòng kênh mát lành trong buổi sớm mà lòng miên man nghĩ về mùa lũ của ngày thơ ấu, khi con cá còn đủ để nuôi sống dân nghèo.

Mùa lũ dân vùng này ở An Giang đi săn cá đồng, vì sao cá đặc sản lìm kìm, cá dày, cá cóc khan hiếm? - Ảnh 2.

Săn cá đồng mùa lũ ở An Giang.

Ly trà trong tay đã nguội, chúng tôi bắt đầu xuống vỏ lãi để đi bắt cá. Anh Tâm lục đục soạn “đồ nghề” trên gác xuống. Đó là chiếc chài được quấn khá kỹ mà anh chỉ dùng tới khi nào muốn kiếm cá ăn, chứ mùa nước đến thì ngư dân này sẽ đi giăng lưới ngày 2 bận để kiếm cá mang ra chợ bán.

Chiếc vỏ lãi tròng trành đưa chúng tôi ra giữa dòng kênh thăm thẳm. Thường khi, tôi chỉ quen đứng trên bờ nhìn dòng nước lửng lờ trôi, giờ xuống vỏ lãi mới nhận ra kênh Trà Sư khá rộng. 

Gió sớm lồng lộng đưa chiếc vỏ lãi lạc trôi trên dòng nước phù sa ngầu đục. Rắn rỏi đôi tay, anh Tâm quăng mạnh chiếc chài xuống mặt nước tạo thành một vòng tròn ngộ nghĩnh. 

Đôi mắt anh chăm chú nhìn xuống nước, tay từ từ kéo chiếc chài lên. Mấy con cá dảnh mắc lưới từ từ lộ lên khỏi mặt nước, lớp vảy của chúng lấp lánh ánh bạc dưới cái nắng hanh hao.

“Chắc hồi hôm trời mưa nên cá ít đi. Mình ráng tìm chỗ khác quăng chừng chục chài nữa, nếu hên cũng đủ nồi canh chua. Hôm qua tui còn rộng 2 con cá lóc, chút mình nướng than chấm nước mắm me cũng êm lắm. Lúc này, cá ở kênh Trà Sư còn ít chứ tầm 1 tháng nữa dính mê lắm. Bây giờ mà chịu khó đi kiếm cá thì "bà cậu" không phụ mình đâu!” - anh Tâm thiệt tình.

Sau câu nói của anh, chiếc chài cũng dính thêm vài con cá nữa. 

Lạ nhất là sự xuất hiện của mấy con cá lành canh với hình hài gần giống như cá thiểu, nhưng theo anh Tâm thì khi đem kho sẽ ngon hơn. 

Anh Tâm cũng cho biết, dưới mặt nước kênh Trà Sư trước đây còn có những loài cá được xem là đặc sản như: Lìm kìm, cá dày, cá cóc… nhưng theo thời gian chúng trở nên khan hiếm. Với những mùa lũ đã qua, người theo nghề "săn" cá trên đồng như anh Tâm bắt đầu chuyển hướng tìm công việc khác có thu nhập ổn định hơn.

Mặt trời dần đứng đỉnh đầu, số cá trong khoang vỏ lãi đã nhiều hơn. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc thưởng thức chiến lợi phẩm của mình. Anh bạn đồng hành với tôi mạnh tay chèo đưa chiếc vỏ lãi men theo mấy đám lục bình xanh mơn mởn.Với tay bẻ mấy nhánh lục bình non, nét phong trần trên gương mặt của anh Tâm nhẹ lại. Anh Tâm cho biết, lục bình non mà đem nấu canh chua hay ăn kèm với mắm kho thì ngon lắm. Bởi vậy, anh định đãi người bạn đường xa một nồi canh chua lục bình với mớ cá vừa bắt được.

Lên bờ, chúng tôi mỗi người một việc, đứa làm cá, kẻ lo nhóm bếp. Khi than đã rực hồng, con cá lóc rộng sẵn được đưa lên bếp. Lớp vảy cá chín bốc mùi thơm phức, đánh thức vị giác của khách đường xa. Trời càng trưa, gió dưới kênh càng mạnh. 

Làn khói bếp hăng hăng tỏa vào không gian như đưa lòng người trở về với thuở xa xưa nào đó. Biết bạn thích cảnh tiêu dao này, anh Tâm cười hiền làm dịu bớt đi vẻ khắc khổ của mưa nắng thời gian trên gương mặt.

Cá chín. Canh sôi. Chúng tôi dọn dẹp chiếc chõng tre đã bóng nước theo thời gian để ngồi thưởng thức. Dưới bóng mát của mấy bụi tầm vong, mâm cơm dân dã thơm lừng hương vị đồng quê. 

Gió vẫn thổi từng cơn mát rượi, tâm hồn tôi miên man nhớ lại ngày thơ ấu, cũng canh cá, rau đồng mà thấm đẫm nghĩa tình. Bây giờ, cứ mải miết xuôi ngược đó đây, lắm lúc muốn ăn một bữa cơm đạm bạc thế này cũng là điều “xa xỉ”.

Siết chặt bàn tay hẹn ngày tái ngộ, anh Tâm dặn tôi nếu có dịp cứ ghé lại mái nhà đơn sơ bên dòng Trà Sư lộng gió. 

Tôi hứa rằng sẽ trở lại thăm anh, khi nước lũ nuốt chửng những cánh đồng 2 vụ để cùng đi “săn” cá đồng xa, rồi thưởng thức nồi canh chua lục bình giòn ngọt vị phù sa.


Thanh Tiến (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem