Bị xử phạt vì làm chuồng cách ly cho khỉ
Từ năm 2008, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Phúc Lộc Phát là một trong 3 doanh nghiệp hiếm hoi kinh doanh ngành nghề đặc biệt ở Việt Nam - gây nuôi và sinh sản khỉ đuôi dài (tên khoa học Macaca Fascicularis) xuất khẩu, phục vụ cho nghiên cứu, làm vaccine cho con người.
Ban đầu, trại khỉ của công ty ở quận 12, TP.HCM. Sau đó, Công ty Phúc Lộc Phát đã di dời trại khỉ ra ngoại thành, thuộc xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Trại khỉ trên diện tích 6.000m2 đất nông nghiệp, xung quanh trại là ruộng nước, kênh nước hoang hóa, cách biệt hẳn với các khu đô thị, khu dân cư…
"Những năm qua, trại nuôi khỉ của chúng tôi chăn nuôi, xuất khẩu bình thường. Mỗi lô khỉ xuất khẩu ra nước ngoài, chúng tôi nộp thuế cho nhà nước trên 10 tỷ đồng" - bà Trần Thị Ngân (Giám đốc Công ty Phúc Lộc Phát) nói.
Nhận xét về trại khỉ của Công ty Phúc Lộc Phát, ông Nguyễn Văn Sinh - Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đánh giá: "Trong điều kiện nuôi có kiểm soát, loài khỉ đuôi dài có khả năng sinh sản qua các thế hệ.
Trong điều kiện nuôi thực tế tại trại nuôi của bà Trần Thị Ngân ở huyện Củ Chi và ở quận 12, TP.HCM, loài khỉ đuôi dài đã sinh sản và đang được nuôi trong các chuồng ở các lứa tuổi từ 1-4 năm tuổi và dưới 1 năm tuổi".
Đặc biệt, năm 2022, Chi cục kiểm lâm (Sở NNPTNT TP.HCM) đã cấp chứng nhận mã số cơ sở nuôi động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II Công ước CITES IIB-C-HCM-005 cho Công ty Phúc Lộc Phát. Theo đó, Chi cục kiểm lâm đã chứng nhận cho Công ty Phúc Lộc Phát nuôi khỉ đuôi dài, có nguồn gốc "do gây nuôi sinh sản tại trại và mua từ cơ sở gây nuôi hợp pháp".
Ông Nguyễn Quang Hoàng - Phó Trạm trưởng Trạm cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM đánh giá: " Trong quá trình gây nuôi, công ty luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ môi trường; chuồng trại gây nuôi động vật rừng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia TCVN XXXX 2023.
Công ty đã xây dựng bố trí các khu chức năng như: khu vực chăn nuôi, khu nuôi sinh sản, nuôi con non, con trưởng thành và con hậu bị; khu vực nhà kho, khu chế biến thức ăn, khu nhà chăm sóc thú ý, khu nhà điều hành quản lý, khu vực trồng cây xanh tạo bóng mát, khu vực xử lý chất thải, nước thải và vệ sinh môi trường".
Để đáp ứng quy chuẩn gây nuôi theo phương án đã đăng ký và các quy định của pháp luật; Trạm cứu hộ động vật hoang dã đề nghị Công ty Phúc Lộc Phát xây dựng thêm nhà lưu trú cho công nhân và người lao động nghỉ tại chỗ.
Đồng thời, xây dựng riêng khu vực chuồng cách ly, nhằm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh đối với các cá thể động vật đang nuôi trong trại, nuôi cách ly để xuất khẩu và nhập từ các cơ sở khác về nuôi. Diện tích xây dựng khu chuồng nuôi cách ly phù hợp với quy mô, số lượng động vật đang nuôi trong trại…
"Đáp ứng yêu cầu trên, cộng với tốc độ sinh sản và phát triển của đàn khỉ cả ngàn con, nên tôi sửa chữa, cơi nới chuồng trại chăn nuôi, trên cơ sở chuồng nuôi le le cũ, lắp thêm lưới mắt cáo để làm chuồng cách ly. Quy chuẩn chuồng trại theo hướng dẫn của Chi cục kiểm lâm…
Bất ngờ, vào tháng 7 vừa qua, chính quyền xã Trung An đã lập biên bản vi phạm hành chính, phong tỏa chuồng cách ly (chuồng nuôi le le cũ)… Tiếp đó, UBND huyện Củ Chi ra quyết định xử phạt doanh nghiệp chúng tôi 6,5 triệu đồng, vì làm chuồng cách ly trên "đất trồng cây hàng năm khác" - bà Ngân trình bày.
4 văn bản xã, huyện ký cùng 1 ngày và hơn 3.000 nghìn con khỉ … bí đầu ra
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính do ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký, nêu doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm hành chính: "Chuyển từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, với diện tích đất chuyển mục đích trái phép…". Diện tích vi phạm là 374,1m2, với mức phạt tiền là 6,5 triệu đồng. Bà Ngân phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất.
Theo bà Ngân trình bày, khu vực địa phương ban hành quyết định xử phạt, chính là cái chuồng nuôi chim le le trước đây. Chi cục kiểm lâm yêu cầu phải có khu vực cách ly cho khỉ trước khi xuất khẩu, nên Công ty Phúc Lộc Phát tận dụng chuồng le le làm chuồng cách ly cho khỉ.
"Chuồng cách ly nằm trong trại nuôi khỉ, thực hiện theo đúng yêu cầu của ngành kiểm lâm. Lẽ ra, chỗ nào doanh nghiệp làm chưa đúng, chính quyền nên hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm cho đúng luật. Ở đây, địa phương khăng khăng xử phạt 6,5 triệu đồng, đòi tháo dỡ luôn chuồng cách ly, mà không nghĩ tới khó khăn của doanh nghiệp.
Nếu không có chuồng cách ly, thì hơn 3.000 con khỉ không thể xuất khẩu được, thiệt hại cho doanh nghiệp hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Việc làm chuồng cách ly, chúng tôi thực hiện theo yêu cầu của ngành kiểm lâm chứ chúng tôi nào dám tự ý vi phạm xây dựng, vi phạm luật đất đai?" - bà Ngân nói.
Trong khi đó, tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 8207/QĐ-XPHC, do ông Nguyễn Thanh Phong - phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - ký ngày 13/7/2023, với nội dung xử phạt bà Ngân 6,5 triệu đồng.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 8207/QĐ-XPHC, do ông Nguyễn Thanh Phong - phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi ký ngày 13/7/2023.
Tại Quyết định số 8207 còn thể hiện có 3 văn bản khác liên quan tới "chuồng cách ly khỉ" của Công ty Phúc Lộc Phát, đều được ký ban hành trong cùng một ngày 13/7/2023 (!?).
Đó là các văn bản: Biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính (UBND xã Trung An lập ngày 13/7/2023); Tờ trình số 1148/UBND, ngày 13/7/2023 của UBND xã Trung An về việc đề nghị ban hành quyết định xử phạt và Tờ trình số 6251/TTr-TNMT ngày 13/7/2023 của Phòng TNMT huyện Củ Chi, với đề xuất xử phạt Công ty Phúc Lộc Phát.
PV liên lạc với bà Phạm Thị Thanh Hiền - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, bà Hiền cho biết: Vụ việc liên quan tới trại nuôi khỉ xuất khẩu của Công ty Phúc Lộc Phát, do ông Nguyễn Thanh Phong - phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - giải quyết; ông Phong sẽ có hồi đáp với các cơ quan báo chí.
"Việc xây dựng các công trình như chòi canh, cấu kiện lắp ghép để phủ màng, lưới tạo môi trường thích hợp cho cây trồng, vật nuôi… nhằm mục đích phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản là nhu cầu rất lớn và cần thiết của người dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Nên cần có giải pháp để hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới".
(Trích ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, tại Thông báo số 698/TB-VP, ngày 5/9/2023, do Văn phòng UBND TP.HCM ban hành, về việc thực hiện thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp khác, phi nông nghiệp khác trên địa bàn TP.HCM)