Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội) được biết đến là một làng nghề truyền thống chăn tằm dệt lụa lâu đời.
Nơi đây còn được Nhạc sĩ Đoàn Bổng ưu ái đưa vào trong câu hát “Dòng sông Đáy quê em/Sông trăng hay sông lụa/Nong kén vàng như lúa/Tròn vạnh một góc trời…”. Đây cũng là chiếc nôi sinh ra nghệ nhân ưu tú Bà Phan Thị Thuận - người đầu tiên dệt thành công lụa tơ sen tại Việt Nam.
Người giữ “lửa” cho lụa Phùng Xá
Trước đây, Phùng Xá được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm” của miền Bắc vì đi đâu cũng thấy dâu được trồng, màu xanh phủ dọc hai bờ sông Đáy.
Thế nhưng, với sự xâm nhập của “lụa ngoại” khiến cho ngành nghề truyền thống dần bị mai một. Người dân bỏ cửi chuyển sang nghề trồng lúa để mưu sinh.
Nong tằm, cái kén từ đó mà dần bị lãng quên…
Trước tình cảnh nghề truyền thống có nguy cơ bị xóa bỏ, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận vẫn âm thầm giữ nhiệt huyết, quyết tâm hồi sinh nghề truyền thống trên vùng đất quê hương. Trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử, đến nay bà Thuận được coi là một trong số ít những nghệ nhân còn gắn bó với nghề dệt lụa ở Phùng Xá.
Không những thế mà bà còn là chủ nhân của những sản phẩm dệt mang đậm dấu ấn sáng tạo và lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam - lụa làm từ tơ sen.
Bà Thuận cho biết, trong thời gian nghiên cứu và thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn thử thách, vì đây là kỹ thuật hoàn toàn mới, ở Việt Nam chưa từng có người làm. Bà dồn hết tâm huyết để nghiên cứu, sau nhiều lần thất bại thì những tấm lụa tơ từ sen cũng đã được hoàn thiện.
Chia sẻ với Dân Việt, bà Thuận cho biết: “Để làm nên một sản phẩm từ lụa tơ sen tốn rất nhiều thời gian và công sức, từng công đoạn để dệt nên được một chiếc khăn lụa đều cần sự chuyên tâm, kỳ công, công đoạn lấy tơ là khó khăn nhất, vì sợi tơ mảnh, dễ bị đứt đoạn.
Ví dụ, một chiếc khăn cần trải qua 14 công đoạn và sử dụng hơn 4,800 cuống sen làm ròng rã 1 tháng trời để tạo nên .”
Theo đó, năm 2017, lần đầu tiên bà Thuận bắt đầu nghiên cứu làm lụa tơ sen, nhưng sản phẩm đầu chưa ưng ý sau khi đánh giá qua quá trình sử dụng.
Sau nhiều thử nghiệm, hiện nay sản phẩm lụa sen của bà Thuận được đánh giá có chất lượng tốt, độc đáo.
"Hai năm sau sản phẩm lụa tơ sen hoàn thiện, được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm làm từ lụa sen tốn rất nhiều công sức và thời gian nên chỉ những người sành về lụa mới dám dùng hoặc đặt hàng mua", bà Thuận chia sẻ.
Hàng năm, từ tháng 5 đến 9, mùa sen bắt đầu là gia đình bà Thuận bước vào công đoạn khai thác tơ sen. Thân cây sen khi còn tươi đều có thể cho ra sợi tơ. Bên cạnh nhiều đầm sen nhà trồng, bà còn đi khắp nơi trong và ngoài huyện tìm đầm sen đặt hàng làm nguyên liệu.
Chia sẻ về quá trình làm lụa từ sen, bà Thuận bảo: "Mỗi thân sen về được đưa vào bể rửa sạch bùn và tuốt hết gai để thuận thiện cho quá trình rút sợi.
Để lấy được tơ sen, người thợ phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, ve cho sợi tơ sen tròn lại. Mỗi thân sen làm ra một mét sợi tơ. Thợ thạo việc rút trung bình 200 cuống lá sen một ngày.
Tơ rút xong được cho vào ống và đưa vào guồng. Tất cả công đoạn đều được làm thủ công bằng tay.
Tơ sen khi rút ra khỏi thân cây gặp nước luôn có màu trắng đục, nhưng khi khô và se thành sợi sẽ dần chuyển sang màu trắng sáng. Quá trình quay sợi người quay phải luôn chăm chú điều chỉnh để sợi không bị đứt".
Mở lớp, rèn nghề cho thế hệ kế cận
Bà Thuận bảo, ở Việt Nam thì đâu cũng có hình ảnh hoa sen, ai cũng nhớ đến và trân trọng: "Nó như một biểu tượng, biểu trưng cho người Việt vậy. Sợi tơ sen là một loài tơ thuần khiết, được thanh lọc từ lòng đất nhờ và cuống cây sen vươn lên ngay thẳng, rắn rỏi cứng cáp, tỏa hương cho đời".
Để giữ nghề, nhiều năm nay, nghệ nhân Phan Thị Thuận vẫn ngược xuôi tuyên truyền phổ biến kiến thức cho người dân trong làng các kỹ thuật mới trong nghề, nhằm tạo dựng nền kinh tế vững chắc cho làng. Dù cho tốn kém tiền của, công sức, chỉ cần là người muốn học thì bà sẵn sàng truyền nghề. Tuy nhiên người học cần sự chuyên tâm và nguyên tắc rõ ràng.
Đối tượng mà bà chú trọng đào tạo nhất là các tầng lớp trẻ tuổi, các bạn thanh thiếu niên còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo bà, đây là tương lai, là bộ mặt của làng nghề, chỉ có thế hệ nối tiếp mới có thể giữ gìn và phát triển nghề dệt thủ công đang dần bị mai một.
Bà không chỉ dạy cho các em các công đoạn để dệt nên lụa, mà còn truyền cho các em động lực và tâm huyết với nghề.
Được sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống cùng với tình yêu quê hương sâu nặng, nghệ nhân Phan Thị Thuận tâm sự rằng có một tình cảm rất lớn đối với đồng quê, với những người con làng nghề. Chính vì thế mà bà không muốn cái “nghề” này mất đi, ước mong sau này xã Phùng Xá vẫn có thể tiếp tục giữ gìn cũng như phát huy vẻ đẹp truyền thống bấy lâu của mình.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ: “Tôi rất kỳ vọng vào thế hệ trẻ, vì vậy tôi không chỉ dạy các cháu thành thạo nghề mà còn truyền lửa, truyền động lực cho các cháu gìn giữ được nghề cổ truyền của cha ông, giúp các cháu thêm yêu làng quê và tự hào về nơi mình sinh ra. Tôi mong ước nghề dệt lụa của làng Phùng Xã mình ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, đem lại kinh tế cho dân làng phát triển, gìn giữ được làng nghề không bị mai một”.
Ngoài ra mỗi khi có một vị khách ngoại quốc đến mua hàng, bà đều có thói quen nhờ họ viết cảm nghĩ của mình vào một cuốn sổ nhỏ, một phần để giữ làm kỷ niệm, một phần là động lực để con cháu sau này tiếp tục đưa các sản phẩm tốt ra với thế giới.