Ký ức Hà Nội: Vương vấn tiếng chày giã cốm trong đêm khuya ở Mễ Trì

Mai Hoàng Thứ bảy, ngày 16/09/2023 17:46 PM (GMT+7)
Trước đây khi nghĩ về cốm Hà Nội chắc hẳn nhiều người dân tỉnh lẻ như tôi đều biết tới cốm làng Vòng, chứ không nghĩ ở Mễ Trì cũng là nơi có thâm niên làm cốm lâu năm...
Bình luận 0

Tôi là dân tỉnh lẻ từ quê ra Hà Nội học rồi lập nghiệp. Từ thời sinh viên cho tới bây giờ tôi chuyển trọ trên dưới chục lần. Lần thì do chủ nhà lấy lại để bán nhà, lần khác do an ninh không đảm bảo, lần nữa lại do chỗ làm quá xa chỗ trọ.

Cơ duyên tôi đến khu Mễ Trì và tìm cho mình được một căn phòng ưng ý. Lúc đầu tới Mễ Trì tôi ngạc nhiên vì thấy ở đây vẫn còn chút phảng phất của vùng quê, nhà cao tầng mọc lên san sát, đường sá chẳng khác gì ở phố trung tâm...

Sở dĩ tôi nói ở đây phảng phất chút quê là dọc hai bên đường vào trong con ngõ nhỏ của Mễ Trì rơm rải đầy, mùi hương thơm lúa mới thoang thoảng.

Ký ức Hà Nội: Vương vấn tiếng chày giã cốm trong đêm khuya ở Mễ Trì - Ảnh 1.

Cốm sau khi rang xong sẽ được xát vỏ rồi phải mang giã ngay, không được để nguội.

Đêm đến tôi nghe âm thanh là lạ. Tiếng thình thịch như tiếng của một vật gì đó thật nặng đang va vào nền đất đều đặn. Tò mò tôi ra ban công lắng nghe, âm thanh đó vẫn cứ thình thịch, nặng trịch. Mãi sau tôi mới biết tiếng đó được phát ra từ những hộ dân làm cốm.

Trước đây khi nghĩ về cốm Hà Nội chắc hẳn nhiều người dân tỉnh lẻ như tôi đều biết tới cốm làng Vòng, chứ không nghĩ ở Mễ Trì cũng là nơi có thâm niên làm cốm lâu năm.

Với một người ưa khám phá như tôi thì không dễ gì mà tôi bỏ qua được các lò làm cốm. Khi tìm hiểu tôi mới hay rằng người Mễ Trì duy trì làm cốm như một ngành nghề lâu đời có từ xa xưa. 

Người làm cốm ở Mễ Trì bấy giờ đa phần là người già. Nhìn cách họ làm thoăn thoắt chuyên nghiệp không ai nghĩ những cụ già đó đã trong độ tuổi U60. Phần lá của cây lúa sẽ được tách hẳn sạch ra một bên, còn lại là thân lúa cùng những hạt nếp nẩy tròn. Sau khi tách hẳn hạt ra khỏi thân cây lúa rồi thì mang rơm ra đường phơi.

Nhìn những mẻ rơm được phơi đầy ngõ làm tôi nhớ quê vào mùa gặt con đường quê tôi cũng ngập tràn rơm rạ. Đường quê bồng bềnh với những sợi rơm vàng thơm phưng phức. Con ngõ nhỏ của góc phố Mễ Trì cũng bồng bềnh rơm, nhưng lại là rơm xanh của thân lúa nếp làm cốm.

Đường rơm lúa nếp làm cốm thơm hơn nhiều đường rơm lúa tẻ ở quê. Đi giữa phố mà tôi cứ ngỡ mình đang ở quê nhà với cảm giác thư thái và rất dễ chịu. Thiết nghĩ, dễ gì trong nhịp sống ồn ào của phố xá tấp nập lại tìm được mùi thơm của vùng quê như vậy? Không dưng lúc đó đầu tôi lại nghĩ, kể ra mình khá là may mắn khi được trọ ở khu Mễ Trì.

Người Mễ Trì hồn hậu, nhiệt tình và dễ mến. Tôi có cảm giác như họ vẫn chưa quên được mình cũng từng là vùng quê dân dã như bao vùng quê khác trước khi thành người của phố như bây giờ. Ngay cả khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu chu trình làm cốm họ cũng sẵn sàng sẻ chia một cách vui vẻ.

Cốm có thể làm từ nhiều loại lúa khác nhau nhưng ngon nhất vẫn là lúa nếp cái hoa vàng. Những hạt lúa tròn mẩy, thơm phức sau khi tuốt hạt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép thì đem đãi qua nước. Sau đó cho lên chảo gang để rang cốm. Rang xong rồi thì cho sang máy để tách trấu.

Ký ức Hà Nội: Vương vấn tiếng chày giã cốm trong đêm khuya ở Mễ Trì - Ảnh 3.

Cốm Mễ Trì khá nổi tiếng.

Tôi có thú vui, mỗi dịp cuối tuần pha cho mình chén trà sen thơm lừng, mua một vài lạng cốm để góc bàn, thêm trái chuối tiêu chín lựng vừa nhâm nhi vừa đọc cuốn sách mình yêu thích. Hạt cốm mềm dẻo, vừa phải, nhai trong miệng bùi bùi có vị ngọt của nếp, hương thì rất thơm.

Và dĩ nhiên, trong những món quà chuẩn bị gửi bạn bè nơi xa tới thăm Hà Nội vào mùa thu tôi đều chọn cốm Mễ Trì để gửi tặng và hầu như ai cũng thích và hào hứng.

Những người già làm cốm ở Mễ Trì tôi nghĩ phần mưu sinh thì ít mà phần nặng lòng với nghề truyền thống thì nhiều. Bởi nghề làm cốm vất vả, phải thức khuya dậy sớm nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Bằng chứng là đã có rất nhiều hộ bỏ nghề.

Nói chuyện với một ông cụ ở ngõ 14 Mễ Trì Hạ, tôi mới hay được ông nặng lòng với nghề biết nhường nào. Ông kể chuyện nghề với một giọng điệu hăng say, tỉ mẩn. Ông cũng lo lắng rằng sau này ông về thế giới bên kia không biết con cháu còn có theo nghề làm cốm nữa hay không? Ông nói rằng tôn trọng quyết định của con cháu nhưng thực lòng ông muốn được nghề cốm truyền nối.

Thật lạ, có những lần đi công tác thật xa, đúng vào dịp mùa cốm, trong giấc mơ tôi thường nghe tiếng giã cốm thình thịch trong đêm, thấy hương cốm trên tay thơm thoang thoảng và cả những con ngõ Mễ Trì đầy ắp rơm thơm.

Tôi không chắc mình sau này sẽ chuyển trọ bao nhiêu lần nữa nhưng có lẽ nơi này, Mễ Trì sẽ níu giữ trái tim tôi ở lại thêm thật lâu bằng hương cốm bình dị, dân dã và tiếng giã cốm đến thân thuộc.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem