Để nghề nuôi cá chình tại xã Tịnh Sơn phát triển bền vững, người dân đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Thủy sâm Sông Trà.
Hiện nay, các thành viên HTX đang tập trung đầu tư, nâng cao kỹ thuật, chất lượng nuôi, hướng đến xây dựng cá chình Tịnh Sơn đáp ứng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Gia đình ông Nguyễn Thành Chín, ở xã Tịnh Sơn đã có trên chục năm nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc. Trước đây, do chưa có kinh nghiệm và hệ thống lồng nuôi của ông Chín còn thô sơ nên cá chình bị thất thoát khi gặp mưa lũ.
Từ ngày đầu tư lồng nuôi bằng inox chắc chắn, nghề nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông. Trung bình sau 1,5 - 2 năm nuôi, cá chình đạt trọng lượng từ 2 - 4kg/con.
Với giá cá chình bán từ 550 - 600 nghìn đồng/kg đã đem lại thu nhập khá cho gia đình ông Chín.
"Lâu nay, sản phẩm cá chình của xã Tịnh Sơn được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu muốn mở rộng quy mô nuôi theo hướng hàng hóa thì về lâu dài cần xây dựng thương hiệu cho cá chình Tịnh Sơn", ông Chín bày tỏ.
Nghề nuôi cá chình trong lồng trên sông Trà Khúc đã đem lại thu nhập cao cho gia đình ông Nguyễn Thành Chín, xã Tịnh Sơn (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Nhà ở sát sông Trà Khúc nhưng trước giờ, ông Nguyễn Văn Học, ở thôn Phước Lộc Tây vẫn chưa tham gia nuôi cá chình. Thế nhưng, khi thấy địa phương quan tâm, các hộ nuôi cùng liên kết thành lập HTX để xây dựng thương hiệu cho cá chình Tịnh Sơn, ông Học đã xin gia nhập vào HTX Thủy sâm Sông Trà.
“Tôi đang chuẩn bị đầu tư lồng bè, con giống để nuôi cá chình. Cái lo lớn nhất của người nông dân chính là đầu ra của sản phẩm. Nhưng bây giờ đã có HTX, đầu ra của sản phẩm cũng được đảm bảo, chúng tôi cũng yên tâm”, ông Học nói.
Sắp tới, HTX Thủy sâm Sông Trà sẽ đầu tư xây dựng dự án nuôi cá chình thương phẩm theo hướng công nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi, kết hợp xử lý môi trường chặt chẽ, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo đó, các bể thả cá giống và cá chình thương phẩm được thiết kế theo phương thức nuôi hệ thống tuần hoàn kín, bổ sung ô xy nguyên chất. Hệ thống lồng bè được thiết kế từ các ống nhựa HPDE, thanh khung inox và lưới inox được bao bọc xung quanh.
Bên cạnh đó, để thích ứng với điều kiện thời tiết thất thường, HTX sẽ đưa vào sử dụng hệ thống nâng, hạ tự động được đặt trên bờ sông, kết nối với hệ thống lồng bè dưới sông.
Phương pháp này giúp giữ cố định các lồng bè, hệ thống bánh xe, ròng rọc, đường ray để kéo lồng bè lên bờ nếu có bão, cũng như cùm nâng hạ lồng theo các mực nước sông khác nhau giữa các mùa trong năm.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Thủy sâm Sông Trà Trần Thanh Thế cho biết, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá chình sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cá chình thương phẩm; tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đây là những điều kiện cần để hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP cho cá chình Tịnh Sơn. Trong thời gian tới, HTX mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ HTX phát triển để đầu tư hệ thống nuôi cá chình theo hướng công nghiệp, mang tính bền vững.