Bảo vật quốc gia ở Quảng Ngãi là một bức tượng cổ Chămpa bụng to, rậm râu, đầu nhọn

Thứ năm, ngày 26/01/2023 18:45 PM (GMT+7)
Tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng là tác phẩm nghệ thuật độc bản, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của dân tộc Chăm. Tượng hiện được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2018.
Bình luận 0

Tác phẩm nghệ thuật độc đáo 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng có niên đại thế kỷ IX - X. Khối tượng bao gồm: Bệ tượng, tấm tựa và tượng tròn hình người được chế tác từ một khối đá sa thạch. 

Bệ tượng là một khối hình gần vuông, thắt bụng, tạo thành 2 khối đối xứng. Tấm tựa có hình dạng như các cổng đền Chămpa, gồm 2 phần: Phần thân dưới hình vuông, tạo bởi 2 trụ ốp 2 bên và ô cửa giả; phần trên có dạng vòng cung vuốt nhọn lên đỉnh, tạo hình đóa hoa nhọn đầu. 

Hai bên cánh cung chạm nổi 6 chiếc lá cong và mảnh, chia đều 2 bên. 

Tiếp liền phía trong vòng cung hoa lá là một gờ nổi hình trái tim tạo bởi 2 đường vòng cung xẻ rãnh, gắn kết với vòng cung hoa lá hình ngọn lửa thành hào quang sau đầu tượng. 

Nhìn tổng thể, phần trên tấm tựa lưng tượng Phú Hưng có hình dáng một cổng tháp Chămpa mang phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ X).

Bảo vật quốc gia ở Quảng Ngãi là một bức tượng cổ Chămpa bụng to, rậm râu, đầu nhọn - Ảnh 2.

Tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Hồng Khánh

Tượng tròn hình người ngồi trên trên bệ đá, thân tượng có chiều cao 57cm, chiều ngang 47cm, thể hiện một vị thần đội jata hình chóp nón cụt đầu (phần trên cùng bị vỡ) để lộ chân tóc trước trán, vầng trán rộng, tai dài; đôi mắt lớn, chuôi mắt dài, mí mắt lộ rõ, chân mày rậm hình vòng cung thanh tú; mũi thẳng, cánh mũi nở (chóp mũi bị vỡ); miệng rộng, môi dày cùng hàng ria mép rậm; cằm có bộ râu rậm, dài và nhọn; cổ đeo vòng hạt...

Tượng trong tư thế ngồi xếp bằng, chân phải nằm trên chân trái, bàn chân ngửa lộ rõ các ngón chân, hai bàn tay đặt lên gối, tay phải cầm tràng hạt, tay trái cầm vật báu có phần lộ hình hoa cúc...

Nhìn chung, pho tượng có đường nét sắc sảo, mềm mại với những chi tiết đặc tả sống động, hình khối thanh thoát; khuôn mặt tượng vừa trầm tư, vừa đôn hậu, mang nhiều đặc điểm về nhân chủng của người Chămpa. Đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có kích thước khá lớn và gần như nguyên vẹn.
 

Một vài ý kiến trao đổi 

Phó Giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh - một chuyên gia về nghệ thuật Chăm, gọi tên pho tượng là Xiva Mahaguru (Xiva người thầy lớn), vì pho tượng có các đặc điểm sau đây. 

Khuôn mặt tượng mang đặc trưng cơ bản của điêu khắc Chămpa Trà Kiệu thời kỳ đầu (cuối thế kỷ IX). Xét về mặt cấu trúc và tạo hình, lại thuộc kiểu dạng các tượng Deva của Mỹ Sơn A,  B và của Trà Kiệu, song tượng Phú Hưng lại có kích thước lớn hơn hẳn (cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi) các tượng cùng loại của Mỹ Sơn và Trà Kiệu. 

Ngoài ra, còn có 3 chi tiết khác có thể nhìn thấy trên pho tượng Phú Hưng: Bụng to, bộ râu rậm và nhọn đầu, tràng hạt cầm ở bàn tay phải và vật báu cầm ở bàn tay trái.

Trong khi đó, 3 thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, gồm PGS.TS Tống Trung Tín, PGS.TS Bùi Văn Liêm, TS Nguyễn Quốc Quân và một số người khác cho rằng đây cũng là một pho tượng Xiva, nhưng muốn đặt tên là tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng nhằm nhấn mạnh hóa thân dưới dạng tu sĩ của vị thần quyền uy này. 

Cũng có ý kiến cho rằng, đây là tượng của vị thần có tên trong phả hệ Hindu là Kubera (tiếng Sanskrit), hoặc Kuvera (tiếng Bali) - một trong bốn vị Đại vương tứ phương, hộ vệ phương Bắc, tượng trưng mùa đông, thường không có vật cưỡi, còn được gọi là thần Tài lộc, Tỳ sa môn thiên vương. 

Thần có cha là Vishravas, mẹ là Idavida, chị là Surpanakha, vợ là Bhadra, con gái là Minakshi. Kubera là vị thần đã hạ bệ Ravana và giúp Rama (có tài liệu nói là Indra) giành ngôi vị. Vì vậy, Rama đã giao cho Kubera đứng đầu quân binh Yaksha và Guhyaka, canh giữ kho tàng của trái đất, cai quản ngọc ngà châu báu. 

Trong nghệ thuật, Kubera được mô tả là một vị thần béo lùn, có ba chân và một mắt giữa trán. Tuy nhiên, trên thực tế, các pho tượng Kubera được khai quật ở Ấn Độ rất hiếm thấy đặc điểm ba chân, một mắt.

Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng đang trưng bày một bức tượng Kubera thuộc nhóm các hiện vật nằm ở tháp phụ (các tháp từ B7 đến B13), quen gọi là “nhóm các vị thần phương hướng”. 

Cũng giống như bức tượng Phú Hưng lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, các tượng thần phương hướng trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đều ngồi trên bệ khối vuông đối xứng, phía sau là tấm tựa.

Việc bàn luận và có những ý kiến khác nhau về định danh pho tượng tu sĩ Chămpa Phú Hưng hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là một vấn đề khoa học lý thú nhưng không dễ đưa ra kết luận. Song, điều cần nhấn mạnh là, cho dù cách gọi tên thế nào, đều không làm thay đổi tính chất, giá trị quý hiếm, độc đáo của pho tượng là bảo vật quốc gia này.
Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem