Đồng bào Dao sở hữu khối tài sản văn hóa khổng lồ và đáng tự hào: Lễ cấp sắc, hát Páo dung và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thốnglà những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để báu vật này được lan tỏa trong cộng đồng, mỗi địa phương cần có những cách làm riêng.
Với đồng bào Dao Tiền ở Na Hang (Tuyên Quang), họ chọn cách hết sức tự nhiên: Nói tiếng dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày, duy trì nghề thêu trang phục truyền thống trong mỗi gia đình; thành lập đội văn nghệ; sưu tầm làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống...
Những cô gái Dao Tiền trong vườn hoa Lê trắng, xã Hồng Thái
Du khách đến Na Hang không chỉ được hấp dẫn bởi những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao mà còn được khám phá cảnh đẹp đầy quyến rũ của mảnh đất này. Nổi bật là thác Pác Hẩu nằm ngay ven đường Quốc lộ dẫn vào xã Sơn Phú. Sau khi thư giãn ở thác Pác Hẩu, du khách có thể tham quan, trải nghiệm nghề nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang. Hình ảnh ngư dân chèo thuyền từ bờ đến khu chăn thả cá rồi trở về với những chú cá lăng nặng tới vài ký và thưởng thức ngay những món ngon nóng hổi từ cá lăng như hấp, nướng, xào lăn... Đây sẽ là trải nghiệm thú vị đối với bất cứ du khách nào khi đến với đồng bào Dao Tiền ở Na Hang.
Du khách đến nghỉ dưỡng tại các homestay ở Na Hang ngắm mây.
Xã Hồng Thái (huyện Na Hang) là một trong những địa phương được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi Hồng Thái được ví như "Sa Pa của Tuyên Quang" vì cảnh sắc và khí hậu đặc biệt nơi đây.
Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, không gian bát ngát của mây trời, sự hùng vĩ của núi non. Hồng Thái chinh phục du khách yêu thiên nhiên vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Điểm nổi bật ở Hồng Thái là những cánh rừng hoa lê trắng mỗi dịp xuân về và những homestay mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Dao.
Tại đây, khách được tham quan Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng, cùng vẽ sáp ong, thêu khăn hoặc hái chè, sao chè, thưởng thức chè và ẩm thực dân tộc. Bên bếp lửa bập bùng, du khách còn được nghe điệu Páo dung của người Dao Tiền, một nét đẹp văn hóa mà ít nơi có được…
Học xong đại học, cô gái người Dao, Đặng Thị Dương đã quyết định về quê hương cùng bà con dân bản làm du lịch với tiềm năng sẵn có để thu hút du khách đến với địa phương.
Cô gái Đặng Thị Dương (bên trái) mặc trang phục Dao Tiền.
Dương tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Về quê nhà, Dương làm cán bộ văn hóa xã, chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng và trồng lê đặc sản, rau sạch chuẩn VietGAP ngay trên bản làng của mình.
Giới thiệu với chúng tôi về mảnh đất quê hương mình, Dương chia sẻ: Hiện xã Hồng Thái đang là điểm du lịch mới của huyện Na Hang với nhiều dự án trồng rau sạch hướng đến chuẩn VietGAP đã được chỉ dẫn địa lý, đặc biệt nhất phải kể đến giống lê đặc sản của địa phương.
Để bảo tồn và gia tăng giá trị cho các đặc sản của quê hương, Dương đã trồng 100 gốc lê giống bản địa. Thấy cây lê cho hiệu quả kinh tế cao, Dương bàn với mẹ mở rộng thêm diện tích, đến nay gia đình diện tích trồng lê đặc sản của gia đình đã tăng lên gấp đôi.
Dương cho biết chăm sóc lê không khó, mỗi năm chỉ bón gốc 3 lần, đến tháng 9, tháng 10 là cho thu quả. Đặc biệt, địa phương cũng thường tổ chức các buổi tập huấn trồng, chăm sóc loài cây này cho bà con và thanh niên địa phương để họ biết cách phát triển giống cây.
Không chỉ phát triển diện tích, mà để ổn định đầu ra cho nông sản của địa phương, Dương đã tìm kiếm thị trường đến các khu chợ, trung tâm thị trấn, liên kết với người quen ở Hà Nội để mang sản phẩm về thủ đô tiêu thụ.
Không chỉ trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, từ tiềm năng của địa phương, Dương còn bàn với gia đình cải tạo, sửa sang lại nếp nhà bao đời nay, đóng thêm những chiếc giường mới, làm mô hình VAC để cung cấp cho du khách đi đến với Hồng Thái những dịch vụ và đặc sản mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Dao Tiền.
Tháng 10/2018, cơ sở homestay Đặng Dương của cô gái trẻ này bắt đầu mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm trùng với thời điểm diễn ra lễ hội ruộng bậc thang và cũng là lúc lê Hồng Thái vào chính vụ.
Du khách vừa được chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở địa phương, vừa có thể trải nghiệm hái quả trên những đồi lê sum sê. Họ có thể mặc những bộ váy người Dao Tiền, gùi chiếc gùi trên lưng và lên đồi hái quả.
Dương cho biết thêm, để hỗ trợ bà con trong bản cùng phát triển kinh tế từ du lịch, những lúc đông khách Dương đã nhờ anh em, bạn bè cùng đón khách để mọi người quen với môi trường du lịch.
Đồng thời, để mô hình phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn các nét văn hóa của đồng bào dân tộc Dao được bài bản và bền vững, cô gái trẻ Đặng Thị Dương còn kêu gọi thêm các thành viên trong xã cùng tham gia với mong muốn phát triển thành hợp tác xã.
Hiện nay cả xã Hồng Thái có 5 homestay mở cửa đón khách, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Homestay Đặng Dương là một trong những homestay đầu tiên có mặt tại xã. Từ mô hình này, giờ đây, nhiều gia đình tại xã Hồng Thái đã bỏ vốn để cải tạo nhà, phục dựng các đồ vật trang trí truyền thống của dân tộc, học cách chế biến các món ăn từ sản vật sẵn có của gia đình và địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, biến nơi đây thành "làng homestay" trên núi.
Không chỉ người dân tộc Dao mà rất nhiều dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng đã và đang chú trọng và làm tốt công tác phát triển kinh tế- xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của bà con DTTS và miền núi Tuyên Quang ngày càng được nâng cao.
Để tiếp tục phát huy lợi thế về du lịch góp phần bảo đảm an sinh xã hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Với hơn 40 lễ hội dân gian, văn hóa, trong đó một số lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm mới như: Lễ hội Lồng Tông, Cầu Mùa, Cầu Mùa (dân tộc Tày), lễ hội Đình (dân tộc Cao Lan); các nghi lễ truyền thống như: Lễ cấp sắc, lễ Tết Nhảy (dân tộc Dao), lễ Cầu Khoăn, Cúng Cốm (dân tộc Tày); nghi lễ Nhảy lửa (dân tộc Pà Thẻn)...
Có thể nói di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang hết sức phong phú và đa dạng về cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị văn hóa luôn được bảo lưu trao truyền, bổ sung, sáng tạo qua các thế hệ theo chiều hướng tích cực, hòa chung trong "dòng chảy" của cộng đồng văn hóa của các dân tộc Việt Nam.