Trai người Tày làm du lịch cộng đồng ở Thái Nguyên, tạo vô số việc làm cho dân quanh vùng

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 25/08/2023 06:00 AM (GMT+7)
Do đam mê du lịch, anh Nguyễn Văn Tới - Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng đã quyết định phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nhờ mô hình du lịch cộng đồng, nhiều bà con quanh vùng có việc làm ổn định, tăng thu nhập.
Bình luận 0

CLIP: Mô hình du lịch cộng đồng của anh Nguyễn Văn Tới - Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng tại xóm Tân Sơn, xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh

Nhiều thuận lợi phát triển du lịch cộng đồng 

Sinh ra ở mảnh đất xứ Lạng, năm 12 tuổi, anh Nguyễn Văn Tới theo bố mẹ xuống vùng đất La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên định cư và phát triển kinh tế với nghề trồng, chế biến chè.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Tới - Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng cho biết, với mong muốn tận dụng và khai thác những tiềm năng sẵn có của địa phương, cùng với đam mê du lịch, tháng 4/2023 anh đã quyết định thành lập HTX với tất cả 8 thành viên tham gia, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lưu trú ngắn ngày và kinh doanh các mặt hàng nông sản của địa phương.

Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với các đơn vị sản xuất và chế biến chè tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con. Hiện, khu du lịch cộng đồng của HTX có tổng diện tích 11.00m2, bao gồm dịch vụ ăn uống, khu vui chơi, bể bơi, khu lưu trú và bãi đỗ xe.

Đam mê du lịch, chàng trai người Tày phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 2.

Khu dịch vụ ăn uống dành cho khách với lối thiết kế nhà sàn độc đáo mang bản sắc văn hóa của người Tày. Ảnh: Hà Thanh

Theo anh Tới, nơi anh sinh sống được thiên nhiên ưu đãi khí hậu trong lành, mát mẻ vì nằm cạnh dãy núi Tam Đảo. Bên cạnh đó, nơi đây có vùng chè La Bằng nổi tiếng và dòng suối Kẹm với nguồn nước mát lạnh chảy từ chân dãy núi Tam Đảo. Bên cạnh đó, trước đây đã một số hộ dân trong vùng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng tự phát.

Do đó khi thành lập HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng, anh Tới đã kết hợp các hộ lại để cùng nhau phát triển, từ đó sẽ tạo điều kiện để HTX phát triển mạnh hơn.

Đam mê du lịch, chàng trai người Tày phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 3.

Khu bể bơi với nguồn nước sạch mát lạnh lấy từ suối Kẹm, thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Ảnh: Hà Thanh

Anh Tới cho biết, trong quá trình phát triển, HTX nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương thông qua các lớp tập huấn, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm và cũng có định hướng hỗ trợ HTX phát triển.

Đặc biệt, xóm Tân Sơn, xã La Bằng vừa được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là 1 trong 6 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển mô hình du lịch này.

Theo anh Tới, khi mới phát triển mô hình du lịch cộng đồng, anh cũng gặp phải một số khó khăn như: Thiếu kinh nghiệm về làm du lịch, nguồn vốn hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa thuận lợi và đặc biệt là khó khăn trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Hiện nay, vào những dịp cao điểm, HTX Du lịch cộng đồng Kẹm La Bằng đón khoảng 6.000 lượt khách/tháng đến tham quan, vui chơi và lưu trú tại cơ sở với doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Khách đến tham quan chủ yếu ở các địa phương lân cận như Hà Nội, Tuyên Quang, Hải Phòng và một số du khách nước ngoài.

Về dịch vụ ngủ lưu trú tại đây, hiện HTX đang có hai dịch vụ gồm nhà sàn homestay và phòng khép kín đáp ứng được khoảng 70 khách lưu trú mỗi lượt. Còn đối với dịch vụ ăn uống, trung bình mỗi ngày, cơ sở có thể phục vụ khoảng 500 lượt khách với các món ăn đặc sản như cá tầm, gà đồi, các loại rau rừng, đặc sản của địa phương…

Đam mê du lịch, chàng trai người Tày phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 5.

Khách đến khu du lịch có thể thỏa sức check - in với nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Ảnh: Hà Thanh

Bà Bùi Thị Mai (xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: "Tôi đã đến khu du lịch trải nghiệm Kẹm La Bằng này rất nhiều lần. Tôi cảm thấy cảnh quan thiên nhiên ở đây rất tự nhiên với không khí trong lành, mát mẻ. Vào những ngày hè nóng nực, đến đây chúng tôi như được giải tỏa hết những mệt mỏi. Dịch vụ ăn uống phục vụ ở đây cũng tương đối tốt và phù hợp với từng đối tượng khách hàng".

Còn theo chị Nguyễn Thị Linh (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi đến với khu du lịch cộng đồng này. Điều tôi cảm thấy ấn tượng nhất là khí hậu mát mẻ rất thích hợp để nghỉ dưỡng. Đồ ăn ở đây cũng tương đối ngon với nhiều món ăn đặc sản của địa phương và được phục vụ chu đáo. Sau lần đi này, thời gian tới tôi sẽ đưa gia đình đến đây nhiều hơn".

Đam mê du lịch, chàng trai người Tày phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 6.

Đến với khu du lịch, du khách còn được trải nghiệm hái chè cùng bà con trong vùng. Ảnh: Hà Thanh

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ nông sản

Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng của HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương với thu nhập trung bình từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Trong thời gian tới, khi HTX phát triển ổn định, anh Tới dự kiến sẽ xây dựng các gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản để giới thiệu, quảng bá với khách du lịch khi đến đây tham quan, trải nghiệm, từ đó giúp bà con địa phương tiêu thụ các mặt hàng nông sản đặc trưng.

Đam mê du lịch, chàng trai người Tày phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh 7.

Anh Tới dự kiến sẽ kết hợp phát triển du lịch với tiêu thụ các mặt hàng nông sản đặc trưng của bà con nhân dân tại địa phương. Ảnh: Hà Thanh

Đồng thời, anh sẽ kết nối với các điểm du lịch xung quanh và một số tỉnh lân cận, tạo thành tour du lịch dài ngày cho du khách. Bên cạnh đó, anh sẽ vận động bà con trong vùng cùng nhau phát triển mô hình du lịch cộng đồng này để tạo thành một khu du lịch ngày càng rộng lớn.

Ông Hoàng Văn Nam – Phó Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết, La Bằng có khí hậu trong lành, mát mẻ, có vùng chè nổi tiếng, do đó địa phương đã định hướng phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế từ cây chè. Từ đó, tạo ra giá trị liên kết giúp bà con tiêu thụ nông sản, tăng thêm thu nhập.

"Với việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng như hiện nay đã giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con địa phương, góp phần đáng kể vào phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã La Bằng nói riêng và huyện Đại Từ nói chung" - ông Nam cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem