Ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội, cho rằng việc tiếp cận vay vốn ngân hàng với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) rất khó, thủ tục rườm rà và thời gian xem xét phê duyệt khoản vay khá dài.
"Việc kiểm soát rủi ro càng được đề cao thì thời gian xem xét phê duyệt khoản vay càng dài. Với 01 khoản vay vốn ngắn hạn thông thường, thời gian xem xét phê duyệt từ 1-3 tháng và khoản vay trung dài hạn trung bình duyệt trong vòng 03 tháng thậm chí có những khoản vay tới 06 tháng hoặc dài hơn", ông Sơn cho hay.
Một vấn đề nữa, đó là khi doanh nghiệp gồng mình trong nền kinh tế khó khăn thì bức tranh tài chính thể hiện qua các chỉ số tài chính không đẹp như trước.
"Để đáp ứng được theo các tiêu chí ngân hàng đề ra là một trong những yếu tố dẫn tới doanh nghiệp không vay được vốn hoặc đã vay thì bị dừng giải ngân vốn. Còn nếu có nguồn tài trợ dự án trung/dài hạn, doanh nghiệp trả nợ trước hạn sẽ phải chịu phạt lãi trả trước hạn từ 1%-5%, tùy thuộc thời gian sử dụng vốn vay còn lại. Nếu doanh nghiệp dùng chính nguồn thu từ dự án về để trả nợ trước hạn vẫn bị phạt lãi trả trước hạn", ông Sơn phân tích.
Ông Sơn cho biết thêm, trong thời điểm doanh nghiệp khó khăn tạm thời và đang trong nghĩa vụ trả nợ ngân hàng nhưng ngân hàng không cơ cấu nợ kịp thời cho doanh nghiệp. "
Chính sách hỗ trợ không phù hợp với sự biến chuyển của doanh nghiệp vì cơ cấu nợ mà nhảy nhóm nợ cũng xem như doanh nghiệp dừng sử dụng vốn ngân hàng. Trong trường hợp đạt được cơ cấu nợ, thì sau khi cơ cấu phát sinh, ngân hàng thẩm tra nhiều lần và dài ngày, thêm vào đó đơn vị bị tăng tỷ lệ tài sản đảm bảo cho khoản vay gây thêm nhiều khó khăn cho doanh nghiệp", ông Sơn kiến nghị.
Cuối cùng, theo ông Sơn việc giảm lãi suất không kịp thời là yếu tố góp phần dẫn tới doanh nghiệp khó khăn hơn, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Do đó, ngân hàng nên giảm lãi suất trực tiếp 1%-2% từ nguồn lợi nhuận của ngân hàng, áp dụng với tất cả khoản vay cũ và mới phát sinh.
"Tiêu biểu Vietcombank và BIDV tiên phong trong nội dung này, giảm lãi ngay thời điểm khó khăn trên toàn hệ thống mà doanh nghiệp chưa cần gửi văn bản đề nghị giảm lãi, doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng thương mại cổ phần khác cân đối để triển khai sớm", ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng về lãi suất, ông Nguyễn Trọng Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư và Kết cấu thép, cho biết lãi suất đã "mềm" nhưng lãi suất giảm thêm sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp.
"Hiện lãi suất doanh nghiệp tôi đang vay là 7,5%/năm và như thế cũng là rẻ rồi. Hơn nữa, ngân hàng luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp từ khi thành lập cho đến nay. Tuy nhiên, nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản,… lãi vay chỉ khoảng 2%/năm, do đó tôi đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới", ông Hoa đề nghị.
Bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nagakawa (ngành nghề chính: thương mại máy móc thiết bị) cho biết, trong khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu, chi phí của doanh nghiệp chiếm khoảng 20%, trong đó chi phí tài chính chỉ chiếm 3-5% (bao gồm cả chi phí lãi vay). Tuy vậy, giảm lãi suất như vậy vẫn chưa đạt đáp ứng được doanh nghiệp.
"Thời gian qua, nhu cầu và sức mua giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp buộc cắt giảm chi phí, tăng khuyến mại, đồng thời kéo dài thời gian trả nợ cho đối tác,… Lãi vay vẫn cao khiến doanh nghiệp không tối ưu được chi phí, chỉ số tài chính suy giảm. Đề nghị các ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp; đồng thời điều chỉnh tiêu chí đánh giá xếp loại doanh nghiệp để xét duyệt cho vay', bà Thương kiến nghị.
Nghịch lý ở đây là, trong khi nhiều doanh nghiệp ra rả kêu giảm lãi suất thì không ít doanh nghiệp sợ giảm lãi suất, vì điều này tác động tới tỷ giá. Tỷ giá bùng lên thời điểm này, với doanh nghiệp thực sự là không tốt.
Ông Nguyễn Việt Hùng, phụ trách tài chính - kế toán Công ty cơ khí Đông Anh cho biết lãi suất cho vay mà doanh nghiệp của ông đang trả là khoảng 5,2-5,6%/ năm.
"Mức này không cao. Đề nghị ngân hàng cần duy trì mặt bằng lãi suất ổn định để doanh nghiệp yên tâm làm ăn. Vì mỗi lần ngân hàng giảm lãi suất thì tỉ giá lại tăng vọt, khiến doanh nghiệp, nhất là những đơn vị có hoạt động nhập khẩu bị thiệt hại", ông Hùng phản ánh.
Kết luận hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tỷ giá và lãi suất là bài toán tổng thể, rất khó và phải đánh đổi lẫn nhau. Muốn giảm nhiều lãi suất thì tỷ giá tăng lên. Với NHNN, khi điều hành chính sách tỷ giá đứng trên cục diện của toàn quốc gia, có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, được lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu vì sẽ phải chịu chi phí.
"NHNN phải cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế", Thống đốc nói.
Riêng về đề xuất giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, tổng số tiền giảm lãi suất và phí từ nguồn lực của các tổ chức tín dụng từ năm 2020 đến nay là 60.000 tỷ đồng. Đây hỗ trợ không nhỏ của ngân hàng với khách hàng.
Đánh giá tình hình sức khỏe của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, bà Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính của mình để giảm lãi suất các hợp đồng vay mới và cả các khoản vay cũ. Đồng thời, việc này cũng đảm bảo tình hình tình hình tài chính, đảm bảo hoạt động của chính ngân hàng đó, hơn hết là sẵn sàng đảm bảo chi trả cho người gửi tiền.
Về phía ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Ngân hàng cũng gặp khó khăn trong tăng trưởng tín dụng do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế do xuất khẩu giảm, đơn hàng giảm, khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm…
Tín dụng 8 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội - nơi tập trung nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn - giảm 2,2%. Theo khảo sát của Vietcombank, doanh nghiệp cho yên tâm về xu hướng mặt bằng lãi suất có duy trì như hiện nay hay không nên những tháng đầu năm, doanh nghiệp lớn hạn chế đầu tư mới. Ngoài ra, Dư nợ FDI; dư nợ lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng bất động sản cũng giảm mạnh.
Để hỗ trợ khách hàng, Tổng Giám đốc Vietcombank cam kết tiếp tục tiết giảm chi phí để từ nay đến cuối năm giảm tiếp lãi suất cho vay. Bên cạnh việc giảm lãi suất đối với khoản vay mới, Vietcombank cam kết giảm tiếp lãi suất đối với dư nợ hiện hữu, với tổng số tiền 1.850 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay. Đối với phí trả nợ trước hạn, ngân hàng linh hoạt, đảm bảo lợi ích của cả 2 bên.