Ngày 22/9, UBND tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trung ương Hội Làm vườn và Hiệp hội rau quả Việt Nam tổ chức tổ chức Diễn đàn "Tìm giải pháp để ngành hàng thanh long Việt Nam phát triển bền vững". Hơn 120 đại biểu là các doanh nghiệp đến từ TP.HCM, Đồng Tháp, Long An và nhiều nông dân trực tiếp sản xuất thanh long tại Bình Thuận tham dự.
Có thể nói, đây là diễn đàn mà nhiều nông dân và doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan chức năng, các nhà quản lý sẽ tìm được giải pháp đầu ra bền vững cho trái thanh long. Cuộc thảo luận kéo dài gần 6g liền và nhiều nông dân và doanh nghiệp vẫn còn muốn đóng góp kiến cho trái thanh long và sản phẩm chế biến từ trái thanh long…
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, ngành hàng thanh long gần đây gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
"Vì vậy, tại diễn đàn này các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... cùng nhau đánh giá những hạn chế, tồn tại; đồng thời đề xuất định hướng xây dựng giải pháp phát triển ngành hàng thanh long Việt Nam nói chung và thanh long Bình Thuận nói riêng….", ông Nguyễn Duy lượng gợi mở.
Tại hội nghị, đại diện Cục trồng trọt Việt Nam cho biết, hiện 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với hơn 45.000 ha, chiếm 82% diện tích và chiếm 90% sản lượng thanh long cả nước. Khó khăn hiện nay là dù đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nhưng phần lớn sản xuất với quy mô diện tích nhỏ lẻ, sản xuất vẫn còn thiếu tính liên kết.
Bên cạnh đó, yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng tăng, trong khi sản xuất thanh long an toàn, có chứng nhận chất lượng trong nước hiện còn khiêm tốn…
Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời điểm trước tháng 7/2022, thanh long là mặt hàng chủ lực của ngành rau quả Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD. Thế nhưng từ năm 2022 trở lại đây, thanh long đã chính thức rời khỏi nhóm những mặt hàng tỷ đô của Việt Nam.
Theo ông Nguyên, nguyên nhân là một số thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trước đây như: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… chưa trồng thanh long. Nhưng thực tế hiện nay các nước này xác định thanh long là cây trồng chính và sẽ được tập trung phát triển thành cây chủ lực.
Mặc khác, nông dân trồng thanh long trong nước còn sản xuất theo kinh nghiệm, không tuân thủ các điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế nên rất khó trụ được mặt hàng tỷ USD…
Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam cho rằng, 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước nên cần có cơ chế hợp tác trong điều tiết mùa vụ, cân đối sản lượng thu hoạch phù hợp so với nhu cầu thị trường tiêu thụ.
"Xác định "bán sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải bán sản phẩm mình có". Cùng đó, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng ký kết không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn đầu tư vào vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cần duy trì, tăng cường mở rộng áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo định hướng mục tiêu liên kết với doanh nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm…", Tiến sĩ Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu thảo luận đề ra nhiều giải pháp để thanh long phát triển bền vững trong thời gian tới thì cần phải hạn chế mở rộng diện tích trồng thanh long mới.
Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng trên diện tích thanh long hiện có và xây dựng quy mô sản xuất phù hợp, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản. Nhiều đại biểu đề nghị ngành chức năng cần hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất an toàn, sản xuất có chứng nhận…
Bà Hồ Thị Bạch Hoàng- Giám đốc HTX DVSX Thanh Long Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho rằng trong thời điểm này, nông dân cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất thanh long trong tỉnh. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các hợp tác xã, tổ hợp tác quy mô nhỏ phát triển bền vững hơn thì bà con nông dân trồng thanh long sẽ yên tâm sản xuất.
Ông Trần Ngọc Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận) cho rằng, Nhà nước cần định hướng cây trồng như thanh long. Nếu thanh long trên 10 tuổi, cần phải có giải pháp để thay thế giống tốt hơn, chịu sự kháng bệnh tốt hơn. Giảm số lượng đại trà để chất lượng, sản lượng tốt hơn…
Tại diễn đàn, ông Huỳnh Cảnh- Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho rằng cần phải thay đổi giống cây thanh long mới để phù hợp với thời tiết thay đổi như hiện tại. Đặc biệt, bà con nông dân phải trồng theo phương pháp hữu cơ để đáp ứng theo tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường quốc tế…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, sản xuất thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh, với hơn 30.000 hộ tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, tạo việc làm thường xuyên cho từ 70.000 - 80.000 lao động.
Đến nay, tỉnh có hơn 27.700 ha thanh long, tăng gần 40% so với năm 2011; sản lượng thanh long từ 397.564 tấn (2011) tăng lên 594.000 tấn (2022).
Thanh long Bình Thuận xuất khẩu khoảng 85% sản lượng (xuất khẩu chính ngạch khoảng 2 - 3%. Còn lại chủ yếu mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để trực tiếp xuất khẩu); tiêu thụ nội địa khoảng 15% sản lượng.
Từ năm 2021 đến nay, giá thanh long luôn ở mức thấp, sản lượng tiêu thụ xuống thấp; ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh và gây lo lắng cho người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh.
Tại diễn đàn, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp có giá trị của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nông dân để trình UBND tỉnh Bình Thuận sớm có giải pháp nâng cao chất lượng, sản phẩm từ trái thanh long và đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Ông Phan Văn Tấn cho biết, nhiều năm trước, UBND tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tỉnh có diện tích thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 8.610 ha với 449 tổ liên kết và 9.625 hộ nông dân tham gia.
Cũng theo ông Phan Văn Tấn, một trong những giải pháp trọng tâm được đề ra để ngành hàng thanh long phát triển bền vững, trước hết nông dân và các địa phương cần tổ chức lại sản xuất, hình thành vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ…
Cùng với đó, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Song song, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định…