VASEP cho hay, mặc dù xuất khẩu cá tra vẫn thấp hơn 24% so với cùng kỳ 2022, tuy nhiên xuất khẩu tất cả các sản phẩm chủ lực khác sang Mỹ đều hồi phục trong tháng 8. Đơn cử như tôm tăng 11%, cá ngừ tăng 2%, cá biển khác tăng 12%, cua ghẹ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể có vỏ đều tăng từ 24-56% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Đang hồi phục chậm nhưng thị trường Mỹ vẫn có xu hướng tốt hơn đối với tiêu thụ thủy sản đông lạnh", bà Lê Hằng chuyên gia của VASEP nhân định, đồng thời cho biết, dù giá bán lẻ thủy sản tươi sống tại Mỹ tiếp tục giảm nhưng giá bán thủy sản đông lạnh đang tăng nhẹ 0,5%.
Thống kê của VASEP hết tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam, ít hơn 23% so với năm 2022.
Đối với 2 thị trường Trung Quốc và Nhật Bản, xuất khẩu thủy sản cũng tăng so với 2 tháng trước đó. Theo bà Hằng, Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm nhuyễn thể như sò, điệp, hàu, mực – bạch tuộc, cá minh thái, cá hồi, cá tuyết, tôm nước lạnh…cho cả mục đích tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu của Trung Quốc. Diễn biến này có thể giúp thủy sản Việt Nam có thêm thị phần tại một số thị trường trong thời gian tới.
Bà Hằng dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng trở lại mạnh mẽ hơn vào 4 tháng cuối năm, vừa để đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, vừa bù đắp phần nào sụt giảm từ thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc trong tháng 8 cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm, nhưng so với cùng kỳ vẫn thấp hơn 24%. Tuy nhiên, ngoài các thị trường chính với các xu hướng khác nhau, thì có nhiều thị trường nhỏ ghi nhận mức tăng trưởng trong tháng 8, bao gồm: Australia, Philippines, Brazil, Ả Rập Xê-út và một số thị trường trong khối EU như Italy, Thụy Sỹ, Phần Lan…
Tháng 8/2023 cũng ghi nhận sự bứt phá của nhiều sản phẩm thủy sản, tập trung chủ yếu vào các loài hải sản như: Cá tuyết, cá minh thái, ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm… Những sản phẩm như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô… đang có nhu cầu nhập khẩu tăng so với năm trước.
Tuy nhiên, các mặt hàng chủ lực như: Tôm chân trắng, cá tra, cá ngừ, tôm sú, mực, chả cá đông lạnh vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, khiến doanh số xuất khẩu chưa thể bứt phá.
VASEP dự báo với những dấu hiệu tích cực hơn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu cá tra và tôm trong những tháng tới sẽ tiến triển tốt hơn. Theo đó, xuất khẩu cá tra có thể mang về doanh số 1,8-1,9 tỷ USD; Xuất khẩu tôm ước đạt 3,6 tỷ USD và các mặt hàng hải sản sẽ đạt khoảng 3,5 tỷ USD.
VASEP cũng đưa ra dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 2023 có thể đạt khoảng 9,1 – 9,2 tỷ USD.
Mới đây, 5 container hàng thủy sản chế biến, gồm: Tôm sú tẩm bột đông lạnh, tôm sú, bạch tuộc nguyên con đông lạnh, phi lê cá chẽm đông lạnh… vừa được Công ty TNHH Thương mại Thủy sản Thịnh Phú (Thinh Phu Aquatic) xuất khẩu sang Mỹ và chỉ vài ngày nữa, các container hàng tiếp theo tiếp tục được doanh nghiệp này xuất đi EU.
Bà Phan Thị Bảo Tiên, Trưởng phòng Kinh doanh Thịnh Phú Aquatic cho biết, đơn hàng đang về nhiều hơn, cho thấy dấu hiệu thị trường nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh và chế biến đang ấm hơn những tháng trước.
Với thâm niên gần 10 năm chuyên chế biến và xuất khẩu các loại hải sản đi Mỹ, EU, Australia, Trung Đông, Hàn Quốc, Philippines, Singapore…, bà Tiên cho hay, tình hình thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu nên nửa đầu năm, xuất khẩu của Thịnh Phú Aquatic không tránh khỏi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, với tín hiệu thị trường tốt lên, doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng đã ký với đối tác, giao ngay trong tháng 9 và quý IV/2023.
Trả lời báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hàng tồn kho ở các thị trường mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đã giảm, như tại Mỹ 6 tháng đầu năm tồn kho ở mức 20%, nhưng đến tháng 8 giảm còn 10%, dự báo đến cuối năm 2023 sẽ tiệm cận về mức 0%. "Đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc sang Mỹ", ông Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lấy ví dụ với ngành tôm, Mỹ luôn nằm top 4 thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam. Từ 2020 - 2022, Mỹ giữ vị trí số 1 với giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam đạt từ 800 - trên 1 tỷ USD, chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.
Ông Hải dự báo, tháng 11 và 12 năm nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ sẽ tích cực hơn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Tương tự, xuất khẩu cá tra sang Mỹ những tháng cuối năm và thời gian tới cũng được dự báo đang có những tín hiệu tích cực khi mới đây VASEP đón nhận thông tin cá tra Việt Nam được giảm thuế ở Mỹ.
Cụ thể, Văn phòng Đăng ký Liên bang Mỹ đã có kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính thuế bán phá giá lần thứ 19 cá tra phi lê đông lạnh với kết quả tích cực. Đây là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành cá tra Việt khi tham gia thị trường này.
Theo đó, hai doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam bị đơn bắt buộc gồm: Công ty CP Vĩnh Hoàn và Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ được hưởng mức thuế lần lượt là 0 USD/kg và 0,14 USD/kg. Các doanh nghiệp tự nguyện khác cũng hưởng thuế 0,14 USD/kg là Công ty cổ phần Đầu tư - phát triển đa quốc gia I.D.I, Công ty CP Thủy sản Cafatex, Công ty CP Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty CP Hùng Vương.
Theo VASEP, mức thuế sơ bộ lần này giảm so với kết quả cuối cùng trước đó. Mức thuế chống bán phá giá hồi tháng 9 năm ngoái được áp cho phần lớn doanh nghiệp Việt là 2,39 USD/kg. Một số khác chịu mức thuế từ 0 đến 3,87 USD/kg. Đó là những tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra trong thời gian tới.
Nhờ tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu, khoảng 2 tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu thủy sản, tiêu biểu như: cổ phiếu IDI (Đầu tư và phát triển đa quốc gia I.D.I), VHC (Vĩnh Hoàn), ANV (thủy sản Nam Việt), FMC (thực phẩm Sao Ta)… đã ghi nhận đà tăng mạnh từ 11 - 18% cùng thanh khoản tăng lên đáng kể.
Thậm chí, cổ phiếu của “nữ hoàng cá tra” VHC còn tăng lên mức cao nhất trong 12 tháng trở lại đây (84.500 đồng/cp phiên 20/9). So với mức đáy hồi cuối tháng 3/2023, cổ phiếu này đã tăng hơn 58%.
Mới đây nhất, sau chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan với Ủy ban châu Âu (EC) nhằm nỗ lực vận động EC gỡ thẻ vàng hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trước khi Đoàn thanh tra IUU vào Việt Nam tiến hành đợt thanh tra thứ 4 đã đẩy nhóm cổ phiếu thủy sản “bùng cháy”.
Theo đó, ngay đầu phiên sáng 20/9, chỉ số ngành thủy sản đã tăng 5,3% và dẫn đầu thị trường, gần 11 triệu cổ phiếu đã được sang tay (giá trị tương ứng 285 tỷ đồng) trong đó quá nửa thuộc về cổ phiếu IDI.