Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vay vốn, lãi suất... cho doanh nghiệp thủy sản
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vay vốn, lãi suất... cho doanh nghiệp thủy sản
P.V
Thứ năm, ngày 13/07/2023 15:57 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý theo quy định các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký văn bản số 639/TTg-KTTH về một số thông tin, báo chí phản ánh, trong đó có những kiến nghị tháo gỡ khó khăn về việc vay vốn, lãi suất... cho doanh nghiệp thủy sản.
Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trước 25/7
Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các bộ, cơ quan xem xét, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước 25/7. Trong đó có hàng loạt kiến nghị xoay quanh vay vốn, lãi suất, gia hạn nộp thuế...
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị về việc điều chỉnh lãi suất cho vay, cấp tín dụng, cơ cấu lại nợ theo đúng quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023; gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 1/5/2023.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách Xã hội xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 8/6/2023 về việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho người dân, doanh nghiệp; xem xét, xử lý kiến nghị về kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2023, mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng 2% với tất cả các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất 10% theo quy định.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét, xử lý kiến nghị giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết năm 2023. Nghiên cứu, sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5% và tạm dừng đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; cho doanh nghiệp giãn nộp bảo hiểm xã hội từ 3 - 6 tháng.
Bộ Công an, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị về nghiên cứu, đề xuất giải pháp theo hướng rà soát, sửa đổi các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; áp dụng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo mức độ rủi ro, giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Bộ NNPTNT nghiên cứu các kiến nghị của VASEP để có giải pháp phù hợp; đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan nêu trên trong quá trình xử lý các kiến nghị của VASEP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản trong giai đoạn hiện nay.
Riêng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định kiến nghị giảm mức đóng kinh phí công đoàn...
Siết tín dụng, lãi suất cao khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất
Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ ngày 16/6, VASEP cho biết, từ quý 3/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8% lên 3 - 3,3% và thậm chí đến 4,5%.
Hiện tại, đa phần lãi suất đang ở mức cao 4,1-4,9%, có những doanh nghiệp cao hơn 5% trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - xuất khẩu thủy sản. Lãi suất hiện tại là quá cao trong khi lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng thu hẹp do kinh tế thế giới suy giảm và cạnh tranh quốc tế khốc liệt.
Một vấn đề đáng quan ngại nữa là việc “siết tín dụng”, hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó. Việc này khiến doanh nghiệp càng khó khăn khi chi phí tài chính tăng cao, không chủ động được thu mua nguyên liệu (tôm, cá...) cho bà con nông - ngư dân trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, còn có thêm các khoản phí từ ngân hàng như: phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD)... Việc quản lý các mức phí của các ngân hàng chưa được thực hiện dẫn đến việc một số ngân hàng áp phí quá cao.
Do đó, VASEP kiến nghị điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VND xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước rà soát thủ tục và xem xét có các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành cho hộ nuôi thủy sản nhỏ lẻ có cơ hội tiếp cận vay vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp để tránh việc người dân phải vay vốn lãi suất vô cùng cao từ bên ngoài do không tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng.
Cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2 - 3/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức để doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngưdân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.