Dân Việt

Đây là loại rau bình dân, nấu canh thịt, nấu canh tôm bổ dưỡng đã đành, đến nấu xuông nhà giàu còn mê

Kim Duy 24/09/2023 14:03 GMT+7
Rau tập tàng không kén thứ nấu canh. Thậm chí: “Tập tàng mà đem nấu suông/Lấy chàng, thiếp quyết đổi buồn làm vui” - Nấu suông ở đây là nấu không thịt cá gì, chỉ có rau tập tàng và gia vị nêm nếm.

“Cá bống còn ở trong hang/Lá rau tập tàng còn ở ruộng dâu/Ta về, ta sắm cần câu/Câu lấy cá bống, nấu rau tập tàng”. 

Tôi thích gọi rau tập tàng là rau hàng rào, bởi chỉ cần nói tên rau là hiểu rau sạch hoàn toàn, tuyệt nhiên không phân bón, thuốc trừ sâu, mọc vô tư ở hàng rào, thềm giếng như: Bình bát, mồng tơi. Chỉ cần chịu khó mỗi ngày cho nó gàu nước là sống khỏe. Mùa mưa thôi thì cắt không kịp!

Cái tên “tập tàng” có thêm vài loại mọc hơi xa hàng rào như: Bồ ngót, rau nhớt (rau đay), đọt nhãn lồng (hay còn gọi là lạc tiên), rau dền tím/xanh... làm nên hương vị bốn mùa, bất chấp nắng mưa. Nấu chung với trái mướp, nồi canh rau tập tàng sẽ ngọt nước và thơm hơn.

Rau tập tàng nấu với gì cũng ngon, tạo hương, vị riêng tùy theo nấu với tôm hay thịt. Ví dụ như nấu với thịt, nồi canh có vị thanh hơn, nấu với tôm nồi canh đậm đà hơn và nấu với cua thì lại ngon đặc biệt khác nữa. 

Không như ngày xưa, muốn nấu nồi canh cua tập tàng phải mua cua rửa thật sạch về giã rồi lọc lấy nước, bây giờ siêu thị có bán cua đồng xay sẵn, mua về lọc lấy nước, nấu sôi, bỏ rau vô rồi nêm nếm vừa ăn. 

Ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), tôi thường nấu canh rau tập tàng với cá sơn thóc (bỏ da, xương, lấy thịt cá nấu canh).

Canh rau tập tàng ăn với cà pháo, mắm tôm thì tuyệt. Người xa quê Nha Trang nhớ hai tiệm cơm Hải Hà và Bình Minh ở đường Hoàng Văn Thụ. Khách vào, chưa gọi món nhưng các thứ được mang ra trước tiên là đủ các loại mắm: Mắm thu, tôm chua, mắm cà, mắm tôm... nhìn thôi đã thấy thèm. Và tô canh cua rau đay hay tập tàng thì quá hấp dẫn với váng cua nổi lên thành từng về trên mặt.

Đây là loại rau bình dân, nấu canh thịt, nấu canh tôm bổ dưỡng đã đành, đến nấu xuông nhà giàu còn mê - Ảnh 1.
Đây là loại rau bình dân, nấu canh thịt, nấu canh tôm bổ dưỡng đã đành, đến nấu xuông nhà giàu còn mê - Ảnh 2.

Rau tập tàng nấu canh cua.

Tập tàng không kén thứ nấu. Thậm chí: “Tập tàng mà đem nấu suông/Lấy chàng, thiếp quyết đổi buồn làm vui” - Nấu suông ở đây là nấu không thịt cá gì, chỉ có rau và gia vị nêm nếm. 

Ngon đến mức nàng chấp nhận hết, đổi buồn làm vui, miễn sao chúng mình thương nhau kiểu “Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” chăng?

Đây là loại rau bình dân, nấu canh thịt, nấu canh tôm bổ dưỡng đã đành, đến nấu xuông nhà giàu còn mê - Ảnh 3.

Rau tập tàng không phải là một loại rau riêng biệt mà tên gọi chung nhiều loại rau khác nhau, mỗi thứ một tí...

Tự dưng tôi nhớ ngày xưa thời còn tỉnh Phú Khánh, có lần tôi đến chơi nhà người bạn ở Hòa Vang, một làng nhỏ ven biển miền Trung, thuộc tỉnh Phú Yên. 

Làng quê nghèo, quanh năm suốt tháng thức ăn chỉ có cá, rau trong vườn và mắm (tự muối), đặc biệt khi ấy nơi đây trồng rất nhiều khoai mì, củ to, luộc ăn rất ngon. 

Vườn của mẹ bạn xanh um đủ thứ rau. Hôm đó chúng tôi về muộn, nhà không còn thức ăn gì. Mẹ bạn ra vườn quơ một loáng đủ loại rau canh, đúng nghĩa tập tàng. Tôi thấy bà múc một muỗng mắm cái (mắm nêm) bỏ vào xoong và nấu nồi canh. 

Mắm nêm mẹ bạn tự tay muối, không có chút màu nào nhưng con cá chín đỏ au, còn nguyên con khiến nồi canh rất ngọt nước. Hôm đó bụng đói, tuổi trẻ dễ ăn, món canh mắm cái nấu rau tập tàng của mẹ bạn ngon quá trời đất!. 

Bây giờ nhớ lại thèm món canh rau tập tàng nấu với mắm cái ngày xưa ở nhà bạn quá đỗi. 

Ở ngã tư gần chợ Thành có bà cụ bán rau tập tàng cắt trong vườn. Bà cụ bán không thường xuyên vì... cắt rau mỏi lưng, nên vài ngày mới có rau đem bán. Mỗi lần về, thể nào tôi cũng ghé mua, chia ra thành nhiều bịch bỏ tủ lạnh, mỗi lần nấu lấy một bịch ra rửa sạch. Rau để tủ lạnh ăn được cả tuần.