Sinh vật gây hại cây trồng bùng phát
Báo cáo tại hội thảo toàn quốc về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo lĩnh vực trồng trọt – bảo vệ thực vật (BVTV) do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, dưới tác động của biến đổi khí hậu, những loài sinh vật gây hại trước đây mức độ phổ biến ở mức thấp hoặc trung bình thì nay đã gia tăng đột biến về mức độ gây hại và diện phân bố.
Đơn cử, trong khoảng 20 năm gần đây, sâu cuốn lá nhỏ bùng phát, phân bố rộng trên toàn quốc, từ mật độ vài chục con/m2 đã lên đến hàng trăm, có nơi trên 1.000 con/m2, đặc biệt ở các tỉnh ven biển.
Rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đang trở thành loài sinh vật gây hại nguy hiểm trên cây lúa, ngoài việc gây hại trực tiếp làm cháy lúa, chúng còn truyền bệnh virus vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa ở các tỉnh phía Nam (rầy nâu) và truyền bệnh lùn sọc đen hại lúa ở các tỉnh phía Bắc (rầy lưng trắng).
Bệnh đạo ôn cũng thường xuyên gây hại trên lá, cổ bông, trong đó, vụ đông xuân 2016 – 2017 đã bùng phát mạnh ở Hà Tĩnh và một phần tỉnh Nghệ An. Đã có 13.000ha lúa bị mất trắng.
Đối với lĩnh vực thuốc BVTV, Cục BVTV đề xuất các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ liên quan đến đến điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; điều tra, đánh giá thực trạng nguồn vi sinh vật ứng dụng trong sản xuất thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam.
Đối với các cây trồng khác, các tác nhân gây bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu cũng khiến ngành chức năng, nông dân đau đầu trong khi bọ xít muỗi và bệnh thán thư cũng khiến nhiều diện tích điều ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đối với những bệnh do virus gây hại, ngoài vàng lùn lùn xoắn lá, lùn sọc đen hại lúa thì bệnh khảm lá sắn vẫn còn là một thách thức ở các vùng nguyên liệu sắn.
Bệnh khảm lá sắn xâm nhập vào Việt Nam năm 2017, mặc dù đã được dự báo trước nhưng không thể ngăn chặn do môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng có khả năng bay xa, bên cạnh đó việc tự để giống làm bệnh lây lan ra nhiều tỉnh.
Theo ông Dương, các sinh vật gây hại ngoại lai cũng khiến công tác BVTV gặp nhiều thách thức. Ví dụ, sâu keo mùa thu là sinh vật gây hại ngoại lai có nguồn gốc từ châu Mỹ, chỉ trong vòng 2 năm, từ 2016 - 2018 chúng đã di cư, xâm nhập hầu hết các nước châu Phi, châu Á. Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu phát hiện đầu tiên vào tháng 3/2019 ở các tỉnh miền Bắc, sau đó nhanh chóng lây lan ra các tỉnh miền Trung, Nam Bộ, Hiện, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu duy trì ở mức 1.000ha (mức nhiễm nhẹ đến trung bình).
Xây dựng các mô hình quản lý sức khỏe cây trồng
Ông Dương cho biết, trong điều kiện các sinh vật gây hại trên cây trồng diễn biến phức tạp, những năm qua, Cục BVTV đã xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giúp nhà nông quản lý dịch hại hiệu quả, mang lại sức khỏe cho cây trồng, đảm bảo năng suất, chất lượng mùa vụ.
Thống kê cho thấy, hàng năm cả nước có 1,1 triệu hecta lúa, 48.000ha ngô, 218.000ha rau, 116.000ha cây ăn quả, 97.000ha cà phê, 14.000ha chè và 11.000ha cây công nghiệp khác được áp dụng IPM (phòng trừ dịch hại tổng hợp).
Các biện pháp áp dụng trong IPM là cơ sở để phát triển các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo sạ né rầy, công nghệ sinh thái; là cơ sở định hướng sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sinh vật gây hại và canh tác theo hướng hữu cơ.
Trong bối cảnh ngành trồng trọt tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu dẫn đến quy luật phát sinh gây hại của nhiều loài sinh vật gây hại cây trồng cũng thay đổi; cơ cấu cây trồng, mùa vụ cũng có nhiều thay đổi; yêu cầu về an toàn thực phẩm trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới và yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng được quan tâm, ông Dương cho rằng, các nhiệm vụ, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học của ngành BVTV cũng hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc BVTV, phân bón và quản lý sinh vật gây hại cây trồng.
Cụ thể, Cục BVTV đề xuất việc nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng có khả năng kháng hoặc chống chịu sinh vật gây hại; nghiên cứu, phát triển, sản xuất, thương mại hóa các loại KIT chẩn đoán nhanh, phục vụ giám định ngay tại địa phương bệnh virus hại cây trồng; xây dựng quy trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các cây trồng chủ lực; xây dựng hướng dẫn thực hiện mô hình IPHM gắn với nông nghiệp sinh thái…
Đối với lĩnh vực thuốc BVTV, Cục BVTV đề xuất các chương trình, dự án, đề tài khoa học công nghệ liên quan đến đến điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; điều tra, đánh giá thực trạng nguồn vi sinh vật ứng dụng trong sản xuất thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam.
Cục BVTV cũng đề nghị Bộ NNPTNT có cơ chế chia sẻ thông tin đối với các kết quả nghiên cứu đã thực hiện có liên quan đến lĩnh vực BVTV, phân bón nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo sản xuất cũng như tiết kiệm thời gian, kinh phí nghiên cứu.