Bộ Tư pháp đang xem xét, cho ý kiến về Hồ sơ dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Theo Hồ sơ dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, mục đích xây dựng Pháp lệnh nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành các quy định pháp luật về chi phí tố tụng.
Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm trình tự, thủ tục thu, nộp, thanh toán chi phí tố tụng đơn giản, thuận lợi phục vụ việc giải quyết các vụ án, vụ việc kịp thời, hiệu quả; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.
Dự thảo Pháp lệnh gồm 93 điều được bố cục thành 14 chương. Dự thảo Pháp lệnh đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 02 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo Hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh Chi phí tố tụng thì có 2 chính sách lớn được thông qua gồm xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về chi phí tố tụng; xây dựng, hoàn thiện quy định miễn, giảm chi phí tố tụng.
Nội dung chính sách 1 bao gồm các chi phí sau đây: Chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí giám định, chi phí định giá tài sản, chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến, chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật và chi phí cho người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa.
So với Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH1316, thì bổ sung chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài, chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí cho người dịch thuật, người chứng kiến, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa.
So với hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh thì dự thảo Pháp lệnh quy định bổ sung: Chi phí theo quy định tại Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 và Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 theo đề nghị của Chính phủ17; Chi phí cho Hội thẩm; chi phí tổ chức phiên tòa trực tuyến; chi phí cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; chi phí xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú, xác minh tài liệu, chứng cứ và các chi phí tố tụng khác (chi phí bảo quản tài liệu, chứng cứ, vật chứng, chi phí sao chụp tài liệu, chi phí cho người đại diện).
Tuy nhiên, đối với các chi phí bổ sung này thì hầu hết các ý kiến đều xác định là chi phí tố tụng, cần quy định trong dự thảo Pháp lệnh, chỉ còn một số chi phí còn có ý kiến khác nhau và đã được đưa vào nội dung xin ý kiến ở phần VI của Tờ trình.
Nội dung chính sách 2 là bổ sung quy định về việc miễn, giảm đối với chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; bổ sung một số đối tượng được miễn, giảm chi phí; kế thừa những quy định hiện hành đang có hiệu lực, thực tiễn thi hành không có vướng mắc, bất cập. So với nội dung chính sách này tại hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh thì dự thảo Pháp lệnh cụ thể hóa đúng nội dung chính sách đã đề ra.
Đáng chú ý, theo Dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tại Điều 84, Điều 85, mục 2, Chương XII đã nêu về đề xuất người bào chữa (luật sư), bị can phải trả các chi phí khi đề nghị sao chụp.
Cụ thể, ở mục 2 đề cập đến chi phí sao chụp tài liệu, Điều 84 của Dự thảo nêu:
"Điều 84. Chi phí sao chụp tài liệu để thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu
1. Trong tố tụng hình sự, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội quy định tại điểm i khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự thì chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4. 2. Nhà nước bảo đảm kinh phí đối với chi phí sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội mà cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện để cung cấp cho bị can. Chi phí này được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng".
Ở Điều 85 cũng tại mục này cũng quy định, trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.