Anh Lê Hữu Nhiệm (ngụ ấp Lung Đước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) là người tiên phong nuôi cua thương phẩm trong hộp nhựa, bước đầu mang lại kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân ở địa phương.
Theo anh Nhiệm, con sau khi bắt trong vuông tôm rồi ăn liền thì chúng thường có mùi khai nhẹ, vị của thịt và gạch hơi đắng, bởi chất hữu cơ, bùn bã trong tự nhiên. Nhưng với cách "vỗ béo" chúng trong hộp nhựa thì chất lượng cua tốt hơn nhiều.
Sau hơn 10 ngày nuôi, cua nuôi trong hộp nhựa thả dưới vuông tôm ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau phát triển cả về trọng lượng và chất lượng thịt thơm ngon hơn nhiều so với cua bắt lên ăn liền. Ảnh: Văn Tưởng.
Anh Nhiệm cho biết, sau khi cua được đánh bắt lên (loại từ 250 - 700 gam/con), anh tiến hành thả nuôi trong hộp nhựa, đồng thời bổ sung thức ăn từ cá vụn được đánh bắt ngoài sông hoặc ba khía, nhằm bổ sung gạch và màu gạch đẹp hơn.
"Để cua phát triển, trước khi nuôi nhất thiết nguồn nước phải xử lý kỹ lưỡng như kiểm tra độ pH, độ phèn, bên cạnh đó, cho chạy oxy dưới đáy lồng nuôi 2 lần/ngày", anh Nhiệm nói và cho biết đây là thời điểm lượng ôxy trong nước ít, ngoài ra, việc cho ăn phải được theo dõi sát sao, liều lượng cho phù hợp.
Theo đó, sau khi bắt cua từ khu nuôi thủy sản đã đảm bảo tỷ lệ thịt, anh Nhiệm cho chúng vào hộp nhựa, rồi cho ăn cá tự nhiên khoảng 10 ngày.
"Việc này nhằm làm cho cua sạch đi những bợn bẩn, chất hữu cơ đeo bám, đồng thời đào thải các cặn bã ra ngoài để làm cho thịt con cua ngọt thơm, và làm gạch béo hơn, không còn vị đắng đắng như con cua vừa đánh bắt lên ăn liền", anh Lê Hữu Nhiệm chia sẻ.
Anh Lê Hữu Nhiệm (bên trái, nông dân huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) thành công từ mô hình nuôi cua biển thương phẩm trong hộp nhựa thả dưới vuông tôm, mở ra hướng đi mới cho nông dân địa phương. Ảnh: Văn Tưởng
Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, sau hơn 10 ngày nuôi không chỉ có thịt và gạch cua được cải thiện, mà còn làm tăng trọng lượng cua lên khoảng 10%. Ngoài ra, đối với những con cua mềm, tỷ lệ thịt chưa đảm bảo sẽ cho nuôi dài ngày hơn, cua sẽ chắc, giá thành tiếp tục tăng.
Sau khi trừ chi phí thức ăn từ cá tạp cho lợi nhuận gấp 2-3 lần khi thu hoạch. Anh nông dân này cho biết, với mô hình nuôi cua trong hộp nhựa chỉ tốn công chăm sóc. Hiện tại, mô hình của anh đã có đơn đặt hàng 1.000 con cua thương phẩm bằng cách "vỗ béo" này sau khi khách hàng đã dùng thử sản phẩm.
Từ thành công bước đầu, hiện tại anh Nhiệm tiếp tục nhân rộng mô hình ra thêm 1.000 hộp để cung ứng cho thị trường. Anh cho biết, về lâu dài anh sẽ đầu tư hộp nhựa, đồng thời hướng dẫn người dân địa phương cách thức nuôi, sau đó bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ giá cao hơn từ 5.000 đến 10.000/kg so với thị trường.
Một lợi thế của mô hình nuôi cua thương phẩm bằng hộp nhựa của anh Nhiệm là ngoài bán cua tươi sống, số còn lại anh đưa vào Hợp tác xã của gia đình để chế biến thịt cua sinh thái. "Nếu mô hình này phát huy hiệu quả sẽ tiếp tục liên kết với nông hộ, mở rộng vùng nuôi sinh thái, phấn đấu đến năm 2024 cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn cua/tháng, tăng khoảng 6 tấn/tháng so với hiện tại", anh Nhiệm cho biết thêm.
Ngành nông nghiệp địa phương nhìn nhận rằng mô hình này đang mở ra hướng đi mới cho nông dân bản địa, góp phần giúp bà con nông dân làm giàu trên đồng ruộng của mình.