Cần sớm ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị
Từ năm 2021, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân hết thời hạn thi hành. Trong đó có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2020.
Tuy nhiên đến nay, bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, TP vẫn chưa ban hành các chính sách thay thế nên nông dân, các HTX gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất.
Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố kiến nghị, lãnh đạo TP.HCM cần nghiên cứu, đề xuất Trung ương bổ sung quy định, tạo hành lang pháp lý giúp nông dân có thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác, và đất phi nông nghiệp khác để mở rộng quy mô sản xuất.
Đồng thời, TP.HCM cần ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn.
Ông Võ Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi kiến nghị với lãnh đạo TP cần quan tâm, chỉ đạo để chương trình Chợ phiên nông sản huyện Củ Chi được duy trì hằng năm. Việc này nhằm kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Ông Lê Văn Được - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ thì đề xuất TP.HCM ban hành huớng dẫn hồ sơ đăng ký mã số cơ sở nuôi yến, để người nuôi yến chuẩn bị hồ sơ, đưa sản phẩm yến sào Cần Giờ xuất khẩu.
Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, quá trình hoạch định, điều hành phát triển kinh tế xã hội của TP luôn có nông nghiệp, nông thôn.
TP đảm bảo phát triển hài hòa, không tạo ra sự phân cực giữa đô thị và nông thôn. Nông dân có đời sống vật chất, tinh thần tương xứng với sự phát triển chung của toàn TP.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, TP sẽ tổ chức lại dân cư gắn với quy hoạch chung. Đồng thời, TP.HCM sẽ đầu tư hạ tầng dân cư và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp công nghệ cao... nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng nông thôn.
Trong đó, TP.HCM xác định phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào khâu sản xuất giống, chế biến, thương mại và xuất khẩu.
"Qua đó, giá trị gia tăng ngày càng cao ở các khâu, và những khâu có thế mạnh sẽ được chọn để dẫn dắt trong chuỗi kinh tế nông nghiệp", ông Mãi nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy cũng đề nghị UBND TP.HCM, các sở, ban, ngành sớm trình HĐND TP thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Nhất là những chính sách về quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn.
Các chính sách quy định nội dung, mức chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiêp trên địa bàn TP cũng cần sớm ban hành.