Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hướng về cơ sở, chăm lo lợi ích cho hội viên nông dân
Phát biểu tại Đại hội, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân TP.Đà Nẵng đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh: Nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ thành phố, tạo điều kiện của các cấp chính quyền TP.Đà Nẵng, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân toàn thành phố, công tác Hội và phong trào nông dân TP.Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội VIII Hội Nông dân TP.Đà Nẵng đã đề ra.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong thành phố có nhiều đổi mới, tổ chức các hoạt động có trọng tâm trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm trực tiếp đến hội viên, đạt nhiều kết quả quan trọng, đã gắn việc tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn và hỗ trợ nông dân; hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Hội và chất lượng hội viên được nâng lên.
Các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp được duy trì và phát triển; vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên được phát huy; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ được các cấp Hội quan tâm thực hiện; công tác thi đua, khen thưởng được đổi mới, chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Công tác kết nạp hội viên mới được chú trọng cả về số lượng, chất lượng; trong nhiệm kỳ đã kết nạp 12.230 hội viên mới. Số lượng hội viên là chủ trang trại, gia trại, hộ kinh doanh trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngày càng tăng. Đến cuối năm 2022 toàn thành phố có 729 chi hội, 1.222 tổ hội; phát triển được 12.230 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn thành phố là 47.500 người.
Tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố đạt 45,489 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 79,9 tỷ đồng, xây dựng được 349 dự án với 2.809 hộ vay vốn phát triển kinh tế. Tăng trưởng nguồn vốn đạt 21 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Hàng năm, có gần 13.000 lượt hộ nông dân đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét, có hơn 5.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Từ những kết quả đó, các cấp Hội Nông dân trong thành phố đã góp phần xứng đáng vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn; góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Cuối năm 2022, có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí của thành phố; 19 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu nông thôn mới, 36 vườn mẫu, 35 tuyến đường giao thông kiểu mẫu đạt chuẩn.
Hội Nông dân TP.Đà Nẵng tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới
Tại Đại hội, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đã nhấn mạnh 6 nhiệm vụ trọng tâm Hội Nông dân TP.Đà Nẵng tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028.
Một là, Hội Nông dân các cấp trong thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng. Tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đa dạng hóa và nâng cao tính hấp dẫn, thuyết phục trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị gắn với các hoạt động thiết thực của Hội. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ của nông dân, các hội thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, sử dụng có hiệu quả những ứng dụng của internet, mạng xã hội, nền tảng công nghệ thương mại điện tử để tương tác trực tiếp, nhanh chóng giữa Trung ương và địa phương, giữa Hội Nông dân các cấp trong thành phố và hội viên, nông dân.
Tập trung tuyên truyền các nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; chú trọng các nội dung tuyên truyền có tác động mạnh, nhanh, sức lan tỏa rộng; các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gương nông dân giỏi điển hình, mô hình hợp tác, liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu. Hình thành các nhóm hội viên nòng cốt tham gia các diễn đàn mạng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và truyền tải thông điệp tích cực đến đông đảo hội viên, nông dân.
Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Hội Nông dân các cấp trong thành phố tinh gọn phù hợp với thực hiện chính quyền đô thị, hoạt động hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội; chăm lo xây dựng đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các cấp Hội trong thành phố chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy quan tâm công tác cán bộ, bố trí cán bộ là cấp ủy viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn bó, tâm huyết với công tác phong trào, có kinh nghiệm thực tiễn vận động quần chúng để giữ vị trí người đứng đầu Hội Nông dân các cấp, giới thiệu tham gia các cơ quan dân cử cùng cấp; tạo điều kiện cho cán bộ Hội được trưởng thành ở các môi trường công tác Đảng, chính quyền. Chú trọng thu hút cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, từ phong trào quần chúng, cán bộ có kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn về làm việc tại Hội Nông dân.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đánh giá cán bộ Hội các cấp; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ cơ sở Hội, chi Hội phù hợp với điều kiện của địa phương; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các cấp Hội đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong các hoạt động chuyển đổi số, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tập trung phát triển mạnh hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ của nông dân, chú trọng ở các nơi không có Hội Nông dân cơ sở. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Ba là, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong thành phố, hướng mạnh về cơ sở. Cần phát huy hơn nữa vai trò chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, người đứng đầu các cấp Hội trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động phù hợp với thực tiễn phong trào nông dân địa phương; làm tốt vai trò là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước trong thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn gắn với công tác tuyên truyền, vận động, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Thực hiện tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc, vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội của nông dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân trong sản xuất, kinh doanh, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phong trào "Nông dân khởi nghiệp".
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót, ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiên quyết xử lý sai phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề, tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở Hội.
Đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, đảm bảo kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, đúng quy định; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả; phát huy tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, hội viên, nông dân trong thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội và địa phương; kịp thời phát hiện, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình mới, nhân tố mới.
Bốn là, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới thông qua việc đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Hướng dẫn, hỗ trợ, vận động hội viên, nông dân tham gia thực cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn theo đặc thù Đà Nẵng. Chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Phát huy vai trò của các cấp Hội trong thành phố tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030 theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ; tham gia hướng dẫn, triển khai Chương trình sáng tạo, khởi nghiệp gắn với Chương trình OCOP và phát triển hợp tác xã.
Năm là, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân; nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; đẩy mạnh tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân và tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân.
Sáu là, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp Hội trong thành phố cần thực hiện tốt vai trò đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham gia đối với các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Đổi mới việc tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân theo hướng đi sâu, đi sát, khơi dậy ý thức làm chủ của hội viên, nông dân; tổ chức Hội Nông dân các cấp trong thành phố cần tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại trực tiếp, các hình thức diễn đàn, tiếp xúc có tổ chức để lắng nghe ý kiến của hội viên, nông dân; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức và liên kết, hợp tác với các giai tầng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.