Dân Việt

Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT Vũ Văn Tiến: Dồn nguồn lực để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư

Khương Lực 28/09/2023 06:15 GMT+7
Phóng viên Dân Việt phỏng vấn ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) để làm rõ các chủ trương, chính sách cũng như việc dành nguồn lực để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường như hiện nay.

Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường dẫn đến nhu cầu bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai ngày càng nhiều. Trước thực tế trên, phóng viên Dân Việt có cuộc phỏng vấn ông Vũ Văn Tiến – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để làm rõ các chủ trương, chính sách cũng như việc dành nguồn lực để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.

Xin  ông cho biết một số kết quả đạt được trong thực hiện công tác bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, hộ di cư tự do, hộ cư trú trong rừng đặc dụng thời gian qua và nhu cầu bố trí ổn định dân cư giai đoạn hiện nay?

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện có kết quả, cơ bản bảo đảm mục tiêu đề ra. 

Trong 10 năm trở lại đây (giai đoạn 2013-2022), cả nước đã bố trí ổn định cho hơn 113.000 hộ, trong đó hơn 60% số hộ ở vùng có nguy cơ về thiên tai như: lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lut…, qua đó góp phần ổn định dân cư, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, di cư tự do, giảm nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh.

Dồn nguồn lực để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư - Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT).Ảnh: Nguyễn Chương

Trước thực trạng biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai như bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất… diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến nhu cầu bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai ngày càng nhiều. Tổng hợp báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2021-2030 cả nước cần bố trí, sắp xếp ổn định cho khoảng 250 nghìn hộ dân. Đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và từ thực tiễn, ngày 18/5/2022 Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Quyết định số 590/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, bvieen giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 

Để thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 590/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, như: Văn bản số 5668/BNN-KTHT ngày 29/8/2022 hướng dẫn UBND các tỉnh triển khai thực hiện Chương trình bố trí dân cư; Ban hành kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 3746/QĐ-BNN-KTHT ngày 5/10/2022); kế hoạch triển khai hoạt động nghiệp vụ 3 năm giai đoạn 2023-2025 tại Quyết định số 4461/QĐ-BNN-KTHT ngày 1/12/2022.

Trong năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và triển khai thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng hoàn thiện Thông tư hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến ban hành trong Quý IV/2023). Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ trong việc xây dựng văn bản pháp luật, chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhu cầu bố trí dân cư ngày càng nhiều. Vậy, nguồn lực dành cho bố trí dân cư vùng thiên tai đang và sẽ được thực hiện và đảm bảo ra sao, thưa ông?

Bố trí dân cư là một số nội dung được đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020; TTCP phê duyệt tại Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020. Vì vậy, các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Dồn nguồn lực để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư - Ảnh 3.

Sau trận mưa kéo dài, nước lũ dâng cao cuồn cuộn chảy qua địa phận bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Những hộ nằm ngay cạnh dòng suối nước cuồn cuộn chảy siết luôn ở trong tâm trạng nơm nớp lo sợ và mong muốn sớm được bố trí dân cư đến nơi ở mới an toàn. Ảnh Khương Lực

Dồn nguồn lực để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư - Ảnh 4.

Mỗi khi có lũ, các lực lượng chức năng tại địa phương và người dân lại trực chiến để chỉ đạo ứng phó di dời người và tài sản của các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Hiện các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đang khẩn trương xây dựng khu bố trí dân cư cho các hộ bị lũ ống, lũ quét cuốn trôi nhà cửa trong năm 2022. Ảnh: Khương Lực


Dồn nguồn lực để bố trí, sắp xếp ổn định dân cư - Ảnh 5.

Tại bản Hòa Sơn, Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An do mưa lũ các năm trước, đặc biệt là do mưa lũ từ ngày 2/10/2022 gây ra 4 cung trượt, sạt lở đất làm ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của 233 hộ dân trong vùng và vết sạt đang có dấu hiệu ngày càng phát triển. Ảnh: Khương Lực

Đặc biệt, ngày 31/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 105/QĐ-TTg bổ sung 1.280 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2022 cho 25 địa phương thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do và dự án vùng thiên tai cấp bách, nhằm bố trí di dời các hộ dân đến định cư nơi an toàn, hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương, các địa phương cần chủ động, ưu tiên bố trí thêm ngân sách, huy động lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình, dự án hiện có khác trên địa bàn để đầu tư, hoàn thành dứt điểm cá công trình hạ tầng thiết yếu, đưa dân đến sinh sống, ổn định lâu dài.

Đơn cử như trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025) có triển khai thực hiện Dự án 2 – Quy hoạch, sắp xếp bố trí ổn định dân cư những nơi cần thiết.

Theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2021 – 2025, cả nước sẽ bố trí ổn định cho hơn 64.000 hộ dân vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo, hộ di cư tự do, hộ cư trú trong rừng đặc dụng. Vậy Bộ Nông nghiệp và PTNT, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bố trí dân cư sẽ giải quyết, tháo gỡ cũng như sẽ tập trung vào các giải pháp nào để thực hiện mục tiêu đề ra thưa ông?

Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có nêu: "Bố trí ổn định dân cư khu vực biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng, khu kinh tế - quốc phòng, vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai". Để thực hiện tốt mục tiêu này, phương hướng chủ yếu thực hiện Chương trình bố trí ổn định dân cư từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, trước mắt ưu tiên thực hiện bố trí dân cư ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai như: sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lũ, sụt lún đất…; vùng biên giới đất liền, hải đảo; ổn định dân di cư tự do; vùng đặc biệt khó khăn dễ xảy ra di cư tự do, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, ổn định dân cư, hạn chế di cư tự do và củng cố quốc phòng, an ninh.

Kết hợp các hình thức bố trí ổn định: vào vùng tập trung thành lập điểm dân cư mới ở nơi có điều kiện về quỹ đất, xen ghép vào các điểm dân cư hiện có và ổn định tại chỗ, trong đó bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ là chủ yếu.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên tuyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác bố trí dân cư, đặc biệt là bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai.

Thứ ba, thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 22/NQ-CP là phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do (chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên) vào các điểm dân cư theo quy hoạch được duyệt, hỗ trợ ổn định đời sồng, phát triển sản xuất, an tâm ổn định lâu dài.

Thứ tư, hoàn thành mục tiêu bố trí ổn định dân cư đã được phê duyệt tại Quyết định số 590/QĐ-TTg, cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện bố trí ổn định cho hơn 121 nghìn hộ, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí ổn định cho hơn 64 nghìn hộ. Ưu tiên bố trí di dời các hộ vùng có nguy cơ cao về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; bố trí dân cư ở khu vực miền núi, các tỉnh Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ năm, các địa phương rà soát, ưu tiên tổng hợp nội dung, nhiệm vụ bố trí dân cư vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, huy động các nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất các điểm tái định cư. Xây dựng các điểm dân cư nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bố trí dân cư là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện trong suốt giai đoạn vừa qua. Trong từng thời kỳ, có những chỉ đạo cụ thể như giai đoạn 2006-2012 triển khai thực hiện theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg, giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg và giai đoạn hiện nay thực hiện theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và một số chính sách khác.