9 tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam cho biết tổng thị trường hành khách đạt 56,3 triệu khách, tăng 39,5% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng 266,8% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 76,5% cùng kỳ 2019. Sản khách nội địa là 32,6 triệu khách, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đó, tổng sản lượng hành khách 9 tháng thông qua các cảng hàng không là 89 triệu khách, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 23,7 triệu khách, tăng 266,8% so với cùng kỳ năm 2022. Khách nội địa đạt 65,2 triệu khách, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lãnh đạo Cục Hàng không đánh giá, thị trường vận chuyển hàng không quốc tế đang có nhiều chuyển biến tích cực, hướng tới phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn đóng băng vì dịch bệnh.
Hiện tại, hàng không quốc tế đang tiếp tục duy trì đà phục hồi đối với phần lớn các thị trường truyền thống (ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Nga) và sự góp mặt của một số thị trường mới ở khu vực Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan. Bên cạnh đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đẩy mạnh hoạt động khai thác các đường bay đến Ấn Độ và Úc.
Hiện tại, có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế kết nối 28 quốc gia, vùng lãnh thổ Bắc Mỹ, Châu Âu, Trung Đông, Châu Á và châu Phi tới các điểm của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Huế. Trong đó, 10 thị trường quốc tế có số khách quốc tế vận chuyển nhiều nhất đến Việt Nam gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Úc và Ấn Độ.
Ghi nhận thực tế, thời gian qua các hãng hàng đã liên tục khai thác các đường bay mới để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đơn cử, Vietnam Airlines tích cực mở đường bay mới và tăng tần suất bay đến Úc, Châu Âu, Trung Quốc, Anh...; Hãng Vietjet Air cũng mở đường bay đến Ấn Độ, Thái Lai, Bali... để phục vụ nhu cầu du lịch.
Theo dự báo của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không toàn cầu, sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so năm 2019.
Đối với Việt Nam, ngành hàng không đã phục hồi và hết năm 2022 thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn, có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019. Thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức 2019 vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá ngành hàng không nói chung và thị trường quốc tế nói riêng sẽ phải tiếp tục đương đầu với 1 số khó khăn còn tồn đọng. Bao gồm: hạn chế hạ tầng cảng hàng không, sự bất ổn của giá nhiên liệu, sự thiếu hụt nhân sự chuyên môn hàng không, xung đột Nga-Ukraine, thị trường hàng không Việt Nam - Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch...
Trước đó, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết đơn vị gặp nhiều khó khăn đối với nhiều thị trường quốc tế khi khó xin giờ hạ, cất cánh (slot) tại các sân bay nước ngoài. Ngoài ra, hãng còn mất slot bay tại London (Anh), khó khăn trong việc xin slot tại Trung Quốc và tai thị trường lớn như Ấn Độ hiện chỉ cấp 28 slot quốc tế tại 4 sân bay lớn...
Trước những khó khăn này, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp các hãng hàng không, đơn vị chuyên ngành để có giải pháp kịp thời. Cục Hàng không thời gian tới sẽ có giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không, tiếp tục làm việc với các nhà chức trách nước ngoài để tạo điều kiện cho khai thác bay quốc tế… góp phần phục hồi thị phần quốc tế.