Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Liễu là thân sinh của Đức Trần Hưng Đạo, vị tướng tài ba lỗi lạc vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, người anh hùng đã có công lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên vào thế kỷ thứ XIII.
Trần Liễu sinh năm 1211, là con của Trần Thừa và bà Lê Thị. Ông là anh lớn trong gia đình 8 anh em, gồm: công chúa Thụy Bà, vua Trần Thái Tông - Trần Cảnh, Trần Nhật Hiệu, Trần Di Ái, công chúa Ngoạn Thiềm, công chúa Thiên Thành và người em út là Trần Bá Liệt.
Về con, theo các nguồn sử liệu thì Trần Liễu có nhiều con nhưng chỉ có 5 người được nhắc đến, gồm: Trần Tung, Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Doãn, Trần Quốc Khang và Trần Thị Thiều.
Càn vương là tước mà Trần Liễu được ban khi ông lấy công chúa Thuận Thiên, con vua Lý Huệ Tông. Đến năm 1228, ông được phong chức Thái úy.
Năm 1234, khi Trần Thừa mất, Trần Liễu được vua ban tước Hiển Hoàng vương nhưng hai năm sau, năm 1236 ông bị giáng xuống làm Hoài vương vì dính vào vụ án thông dâm với một cung nhân nhà Lý.
Sau vụ đem quân chống lại triều đình và thoát chết năm 1237, Trần Liễu có tước Yên Sinh vương vì ông được cắt đất phong làm thang ấp ở vùng Ngũ Yên, có tên là Yên Phụ, Yên Sinh, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang. Khi mất, ông được vua ban tước Khâm Minh Từ Thiện Đại vương.
Năm 1237, mặc dù lấy nhau đã 12 năm nhưng vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Thánh vẫn chưa có con.
Triều đình lo cho hậu vận nhà Trần có thể bị mất ngôi vua như nhà Lý, do không có con trai nối dõi nên ngôi vua từ nhà Lý rơi vào tay nhà Trần. Biết công chúa Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu đang có thai 3 tháng, Trần Thủ Độ bàn với Trần Thị Dung đưa Thuận Thiên về làm vợ vua Trần Thái Tông và lập làm hoàng hậu, phế Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Vua Trần Thái Tông phản đối kịch liệt, nửa đêm cùng hai cận thần là Trần Thiêm và Trần Khuê Kình trốn khỏi kinh thành lên núi Yên Tử. Gặp Quốc sư Phù Vân là bạn của mình, nhà vua bày tỏ ý định muốn nương nhờ cửa phật.
Quốc sư trả lời rằng: Trên núi không có phật, mà phật ở ngay trong tâm ta. Quốc sư và vua đàm đạo về Phật pháp chẳng được bao lâu thì Trần Thủ Độ và quân lính tìm tới. Thủ Độ cùng mọi người ra sức khuyên vua sớm trở lại cung nhưng vua không nghe.
Thủ Độ cương quyết với nhà vua rằng: Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó. Nói rồi ông chỉ cho quân lính chỗ xây các cung điện. Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, Quốc sư Phù Vân khuyên vua trở lại kinh thành và vua Trần Thái Tông đã nghe theo.
Còn Trần Liễu, vì uất ức bị mất vợ nên đã thừa dịp khi Trần Thủ Độ đưa quân đi tìm vua Trần Thái Tông mà không lo chuyện phòng bị, liền đưa quân đánh chiếm kinh thành. Nhưng Trần Liễu không liệu trước được rằng Trần Thủ Độ là người mưu kế và đã sắp đặt mọi chuyện ở nhà cho các tướng khác. Khi Trần Liễu cùng với quân lính đang trên đường đến đánh kinh thành thì bị quân triều đình bao vây.
Vì không đủ sức chống lại quân triều đình và để thoát khỏi cái chết, Trần Liễu nghĩ tới vua Trần Thái Tông, người em hết mực yêu thương mình, vì chỉ có Trần Thái Tông mới có thể cứu ông trong lúc này.
Trần Liễu đã ngầm cho người hẹn với vua Trần Thái Tông đúng giờ bơi thuyền ngự ra sông Cái cứu mình. Khi vua Trần Thái Tông đến, Trần Liễu giả làm người đánh cá đến thuyền vua xin hàng.
Tới khi gặp Trần Thủ Độ, vua Trần Thái Tông lấy thân mình che chở cho Trần Liễu nên Trần Thủ Độ không làm gì được. Trần Thủ Độ tức giận ném gươm xuống sông và nói: Ta chỉ là con chó săn thôi, biết anh em các người thuận nghịch thế nào?
Sau khi được vua Trần Thái Tông cứu thoát chết bên sông Cái và nhờ có thêm sự hòa giải của bà Trần Thị Dung mà ông và vua Trần Thái Tông đã tha thứ cho nhau và tình cảm anh em trở lại như xưa.
Nhà Trần trị vì đất nước ta được 175 năm (1225-1400), trải qua 12 đời vua. Và trong lịch sử vương quyền Việt Nam, nhà Trần là triều đại lẫy lừng. Về võ công, đây là vương triều đã thống lĩnh quân dân Đại Việt ba lần chặn đứng vó ngựa cuồng phong của đạo binh viễn chinh Mông Cổ bách chiến bách thắng.
Về văn hiến, đây là vương triều đã nhen lên ngọn lửa khai phóng, tập thành một trào lưu tư tưởng thiền học vừa cởi mở vừa sâu sắc, mà đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trong cả hai thành tựu lớn lao này, có sự đóng góp to lớn của những cá nhân xuất sắc, những con người vừa là anh hùng chống ngoại xâm, đồng thời cũng là Thiền giả có tư tưởng uyên thâm, nhà văn hóa lớn... như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo...
Tuy nhiên, xét về góc độ hôn nhân thì triều đại nhà Trần đã để lại không ít điều tiếng. Ví như để thưởng công cứu giá của Lê Phụ Trần, ngoài chức Ngự sử đại phu, vua Trần Thái Tông đã “hào phóng” gả luôn Chiêu Hoàng là vợ cũ của mình, cho người đã liều chết che tên cho ông.
Nghĩa là, với vị vua khai mở vương triều Trần này, vợ là “một cái gì đó” có thể lấy về hoặc cho đi một cách... thoải mái!
Mong rằng với hôn nhân, hậu thế ngày nay đừng ai học theo cách nghĩ, cách làm của người xưa trong giai thoại này. Bởi như thế là phạm pháp và cao hơn nữa là vi phạm đạo đức truyền thống ngàn đời nay của dân tộc.