Vùng đất cổ ở Thái Bình nay còn lưu 14 sắc phong cổ, có nghề trăm tuổi, giếng cổ nước vẫn đầy

Thứ ba, ngày 26/09/2023 05:14 AM (GMT+7)
Xã Canh Tân (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được biết đến là vùng đất cổ, nơi có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, mỗi tên đất, tên làng, mỗi ngôi đình, đền, chùa đều mang giá trị lịch sử quý báu, gắn liền với những chiến tích hào hùng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.
Bình luận 0
Các thế hệ người Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng, lao động cần cù sáng tạo, dũng cảm đấu tranh xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vùng đất cổ ở Thái Bình nay còn lưu 14 sắc phong cổ, nghề trăm tuổi, có cái giếng cổ nước vẫn đầy - Ảnh 1.

Đền Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình- nơi lưu giữ 14 sắc phong có giá trị văn hóa lịch sử.

Tự hào vùng đất cổ

Vượt qua chặng đường dài, chúng tôi tìm đến làng Lưu Xá, nơi được mệnh danh là mảnh đất thiêng của Thái Bình. Bước qua cổng làng, địa điểm ghé thăm đầu tiên của chúng tôi là cụm di tích đền Lưu Xá và chùa Báo Quốc. 

Ông Phạm Xuân Lợi, thủ nhang đền Lưu Xá cho biết: Đây là nơi thờ phụng tứ vị đại vương, trong đó có hai danh nhân lịch sử: Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Điều, người có công phò 4 triều vua nhà Lý thế kỷ XI - XII. 

Hiện nay, trong đền thờ Lưu Xá còn giữ được khá nhiều cổ vật có giá trị văn hóa lịch sử. Ngoài hiện trạng kiến trúc ngôi đền cổ, những hoành phi câu đối và 14 đạo sắc phong và ngọc phả vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn. 

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, công trình này vẫn giữ được những nét cổ kính với mái đền cong vút, cây cổ thụ và giếng nước ngay đầu thôn là nét đẹp văn hóa làng không dễ tìm trong thời hiện đại. Năm 1990, đền Lưu Xá và chùa Báo Quốc được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Đền được thiết kế 13 gian theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh”, khuôn viên kín đáo trên mảnh đất cao nhất làng; ngày nay tại mảnh đất đều ẩn chứa những dấu ấn lịch sử có thể coi là không gian thiêng về văn hóa, phản ánh tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhiều thế hệ cư dân. Đây là niềm tự hào và là động lực để chúng tôi tiếp tục duy trì truyền thống, xây dựng quê hương.

Trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, hàng nghìn người con của Canh Tân đã tham gia chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. Hiện toàn xã có 2 lão thành cách mạng, 6 mẹ được truy tặng, phong tặng mẹ Việt Nam anh hùng, gần 100 liệt sĩ, hàng trăm bệnh binh, thương binh… 

Phát huy truyền thống đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn đoàn kết, chung sức chung lòng khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương từng ngày khởi sắc. 

Ông Phạm Văn Soi, Bí thư Đảng ủy xã Canh Tân cho biết: Tự hào truyền thống quê hương từ ngàn năm, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã luôn nỗ lực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị đoàn kết, vững mạnh. 

Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đồng bộ; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên; an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững; hoạt động y tế, giáo dục ngày càng nâng cao; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm, phát triển sâu rộng. 

Trong những năm qua, xã đã huy động các nguồn lực xây dựng trường tiểu học, mầm non, nhà văn hóa xã và các thôn, đường giao thông nông thôn và các công trình văn hóa tâm linh... Với tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhiều năm liên tục Đảng bộ xã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; thu nhập bình quân năm 2022 đạt hơn 52 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 2%.

Trong quá trình hình thành và phát triển, những di tích, địa danh lịch sử tại địa phương mang ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với sự hy sinh của lớp người đi trước. Đây cũng là những tư liệu quý giá để truyền lại cho thế hệ trẻ ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. 

Cô giáo Trịnh Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lưu Khánh Đàm, xã Canh Tân cho biết: Để các em hiểu thêm về giá trị của những di tích lịch sử trên mảnh đất quê hương, chúng tôi đã tổ chức các giờ học gắn với di sản văn hóa, giờ học địa phương, trải nghiệm, chăm sóc di tích lịch sử trên địa bàn và lồng ghép trong các bài giảng với mong muốn bồi đắp thêm tình yêu, niềm tự hào về quê hương cho các em học sinh.

Vùng đất cổ ở Thái Bình nay còn lưu 14 sắc phong cổ, nghề trăm tuổi, có cái giếng cổ nước vẫn đầy - Ảnh 2.

Làng Vế, xã Canh Tân, (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) có gần 600 hộ làm nghề mộc.

 

 Ngôi làng có nghề mộc trăm tuổi

Về với Canh Tân, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm mà còn được hòa mình vào không khí sôi động của nghề mộc ở làng Vế. Người xưa vẫn truyền nhau câu ca: “Làm đình Cao Đà, làm nhà Vế, Diệc”. Nếu như cánh thợ làng mộc thôn Diệc, xã Tân Hòa chuyên đi dựng đình, chùa, nhà cổ thì cánh thợ làng Vế, xã Canh Tân lại là những người thợ chuyên làm đồ dân dụng như: bàn, ghế, tủ, sập... 

Đồ gỗ của làng Vế hiện có mặt khắp thị trường trong nước và được thị trường ưa chuộng. Năm 2005, làng Vế vinh dự được công nhận là làng nghề. Đến nay, làng Vế có gần 600 hộ làm nghề mộc, chiếm 72% số hộ của thôn, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động trong xã và các địa phương lân cận; thu nhập từ nghề trong 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 208 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ là 20 tỷ đồng. 


Cơ sở sản xuất của ông Đỗ Tuấn Hưng là một trong những cơ sở lớn nhất nhì làng, cung cấp đơn hàng cho 40 - 50 hộ sản xuất rồi thu mua, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng nghìn bộ đồ nội thất đa dạng mẫu mã, kích cỡ với doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng. 

Ông Hưng chia sẻ: Sản phẩm mộc của làng Vế được sản xuất và tiêu thụ quanh năm. Chúng tôi dự tính trong tương lai sẽ mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, trang bị máy móc hiện đại để tăng thu nhập cho người lao động. Tôi cố gắng giữ nghề không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn lưu giữ truyền thống của cha ông.

Bà Khúc Thị Huệ, người có thâm niên hàng chục năm làm nghề mộc làng Vế cho biết: Một tháng xưởng của tôi xuất 5 chuyến hàng, mỗi chuyến 10 bộ bàn ghế, 6 bộ kệ, 3 - 4 chiếc tủ. Nhờ có nghề truyền thống nên đời sống của người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực ngày đêm để giữ lửa nghề truyền thống, góp phần khẳng định “cái chất” riêng của thương hiệu làng nghề mộc quê hương.

Một Canh Tân bình yên, no ấm, một miền quê lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa đang từng ngày khoác trên mình tấm áo mới. Dẫu biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng tin rằng Canh Tân trong tương lai sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, kế thừa truyền thống quê hương, giành được nhiều thắng lợi hơn nữa trên bước đường xây dựng quê hương trên con đường đổi mới.

Vùng đất cổ ở Thái Bình nay còn lưu 14 sắc phong cổ, nghề trăm tuổi, có cái giếng cổ nước vẫn đầy - Ảnh 3.

Nét cổ kính với mái đền, cây cổ thụ và giếng cổ vẫn có nước của đền Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.


Thanh Thủy (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem