Theo NHNN, trong năm 2022, NHNN triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank (trong đó bao gồm 03 ngân hàng mua bắt buộc) theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 02 ngân hàng mua bắt buộc. Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 02 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.
Đối với các ngân hàng mua bắt buộc, NHNN cho biết đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng này thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Hiện, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.
Đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém như Công ty tài chính Handico: NHNN cho biết đang hoàn chỉnh phương án cơ cấu lại Công ty tài chính Handico theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Đối với Công ty tài chính Công nghiệp Tàu thủy (VFC) và Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy (VFL), NHNN cho biết đã có công văn số 989/NHNN-TTGSNH ngày 15/11/2022 đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty công nghiệp Tàu thủy (SBIC) khẩn trương xây dựng Phương án cơ cấu lại VFL, VFC. Trường hợp VFL, VFC không được phê duyệt phương án tái cơ cấu khả thi, đề nghị Bộ Giao Thông vận tải chỉ đạo SBIC thực hiện phá sản VFL, VFC theo thẩm quyền.
Đối với các NHTMCP cơ bản đều bám sát phương án được duyệt, tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động.
Các TCTD phi ngân hàng đang tích cực triển khai phương án cơ cấu lại đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. NHNN đang nghiên cứu chủ trương, định hướng cơ cấu lại một số TCTD phi ngân hàng yếu kém để xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, NHNN cho biết đang chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các giải pháp nhằm tăng cường củng cố hệ thống này, trong đó theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động, triển khai quyết liệt phương án xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt.
NHNN cho biết sẽ xem xét cho phép thí điểm việc xử lý pháp nhân các QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt có quy mô nhỏ (lượng tiền gửi và người gửi tiền ít)/QTDND không còn tiền gửi hoặc có tiền gửi trong hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi thông qua phương án phá sản sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động và nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và an toàn hệ thống.
Về xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Ngân hàng Nhà nước khẳng định còn nhiều khó khăn, trong đó việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và NHTMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài.
"Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ", NHNN thông tin.
Theo NHNN: Đặc biệt, năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém).
Về giải pháp, NHNN cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém, trong đó tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành.
Đặc biệt, NHNN cho rằng tăng cường quản trị rủi ro của TCTD, hạn chế, ngăn ngừa việc "lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông để thao túng hoạt động ngân hàng vì mục đích vụ lợi", NHNN thông tin.
Chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.