Trong suốt phiên sáng nay, nhà đầu tư khá băng thẳng vì lo ngại "bẫy bulltrap"(bẫy tăng giá) xảy ra, tức thị trường cho dấu hiệu phục hồi giả sau giai đoạn giảm sâu. Thị trường lình xình ngay khi mở cửa với tâm lý khá yếu của nhà đầu tư.
Về cuối phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm sâu hơn. Nhóm ngân hàng là tác nhân chính khiến chỉ số giảm sâu với các mã như VCB, CTG, TCB, SSB, STB. Sắc đỏ của các bluechip khác cũng thêm phần áp lực như VHM, VNM, FPT, MSN, VIC. Trong phiên sáng nay, có thời điểm cổ phiếu CTG của VietinBank thậm chí còn giảm sàn.
Cổ phiếu nhóm chứng khoán sau phiên bật tăng mạnh đã diễn biến phân hóa sáng nay nhưng sắc đỏ vẫn có phần nhỉnh hơn. Các mã giảm trên 1% có thể kể đến như SSI, VND, SHS, HCM, VCI trong khi FTS, AGR, BSI, CTS tăng giá nhẹ.
Đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm 11,66 điểm (1,01%), dừng ở 1.142,19 điểm. Sàn HoSE có 352 mã tăng giá, 127 mã giảm giá và 45 mã đứng giá tham chiếu. Riêng rổ VN30, số mã giảm là 25, áp đảo với 4 mã tăng giá.
Trạng thái thị trường không mấy tích cực, thanh khoản thị trường giảm sâu sáng nay. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE phiên sáng chỉ đạt 7.588 tỷ đồng.
Bước sang phiên chiều, tín hiệu tích cực hơn dần xuất hiện khiến chỉ số lùi dần về tham chiếu. Sự nỗ lực của các bluechip như GAS, TCB, MWG… cũng góp phần "kéo" thị trường tăng điểm.
Trong nhóm này, đáng chú ý là mã MWG của Thế Giới Di Động trước thông tin DN này sẽ bán 20% vốn cho nhà đầu tư Singapore, Thái Lan, tuy nhiên thông tin chính xác về thương vụ chưa được MWG thông tin chính thức.
Ở chiều ngược lại, các mã VNM, VHM, SAB, STB… là những mã kéo ghì thị trường.
Tạm đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 1,42 điểm (-0,12%) về 1.152,43 điểm; HNX-Index cũng giảm 1,34 (-0,7%) về 234,5 điểm; trong khi UPCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,33%) về 88,44 điểm.
Thanh khoản thị trường trên cả 3 sàn trong phiên giao dịch hôm nay chỉ đạt hơn 18.450 tỷ đồng.
Thị trường giảm vì nhà đầu tư "sợ" chính sách tiền tệ đảo chiều?
Theo các chuyên gia tài chính - chứng khoán, việc Ngân hàng Nhà nước đang hút một dòng tiền rất lớn và điều này có thể hạn chế phần nào đó dòng tiền đổ vào chứng khoán. Tuy nhiên đây là động thái cần thiết của Ngân hàng Nhà nước để làm chậm lại chênh lệch về tỷ giá, giảm đà tăng của ngoại tệ.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng đây cũng chỉ là hiện tượng tạm thời. Bởi biện pháp hút dòng tiền không thể là giải pháp lâu dài. Vì thế chính sách phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước cũng khó có tác động lâu dài đối với thị trường chứng khoán.
Theo SSI Research, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các NHTW, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ.
Trên thực tế, việc thực hiện nghiệp vụ phát hành tín phiếu này còn có thể được coi là tích cực, thay vì NHNN lựa chọn phương án bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối. Thông qua nghiệp vụ này, NHNN có thể có những đánh giá mức độ dồi dào của thanh khoản trên hệ thống, và điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường 2 để cân đối giữa áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.
Hiện tại, dựa trên số liệu tháng 7, tháng 8 và nửa đầu tháng 9 chưa thấy hồi phục rõ rệt, tăng trưởng GDP quý III/2023 ước tính sẽ thấp hơn khá nhiều so với dự báo của Chính phủ trong khoảng 6,8%-7,4%. Tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 5,56% so với đầu năm tính đến giữa tháng 9 (mục tiêu: 14%-15% svck), và từ các thông điệp gần đây của Chính phủ và NHNN, chúng tôi không cho rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ sớm diễn ra.
Cuối cùng, trước tình hình lạm phát toàn cầu như hiện nay, giá hàng hóa tăng (cụ thể là giá dầu) có thể là rủi ro tiềm ẩn đối với các NHTW khác trên thế giới. Mặc dù vậy, đối với Việt Nam, quỹ bình ổn xăng dầu dồi dào (5,6 nghìn tỷ đồng – tính đến hết Quý 2/2023) và việc trợ giá xăng dầu nhằm kiểm soát lạm phát vẫn còn khá nhiều dư địa, ít nhất là trong quý tới.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đánh giá việc NHNN liên tục hút ròng thông qua kênh tín phiếu chưa hẵn tác động đến thị trường chứng khoán.
Ông Huân chỉ ra rằng do giai đoạn trước đó, chính sách giảm lãi suất đã đẩy vốn vào ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng lại không đẩy vào nền kinh tế. Lãi suất liên ngân hàng giảm thấp dẫn tới tình trạng NHTM phải tìm cách để tìm cách tìm kiếm lợi nhuận đầu cơ vào USD và lướt sóng tỷ giá. Điều đó đã tạo ra áp lực tỷ giá tăng.
Từ đó, NHNN buộc phải rút tiền từ hệ thống ngân hàng. Đây là động thái hợp lý giúp giảm dư thừa thanh khoản ở hệ thống ngân hàng và giảm áp lực tỷ giá. Động thái này còn tiếp tục cho tới khi tỷ giá ổn định. Lãi suất liên ngân hàng theo đó sẽ tăng trở lại.
TS Nguyễn Hữu Huân nhận định điều này chưa hẳn tác động tới thị trường chứng khoán. Những cú sụt mạnh gần đây của thị trường chứng khoán là do nhà đầu tư đang phản ứng theo yếu tố tâm lý nhiều hơn.