Trao đổi với Dân Việt chiều 28/9, ông N.C.T (quận 7) cho biết đang rất bức xúc trước thái độ coi thường và tránh né nghĩa vụ trả nợ của bà Nguyễn Thị Út Em.
Theo ông T, ngày 6/2/2018, bà Nguyễn Thị Út Em có ký hợp đồng vay vốn số 007-18/QTM-HĐVV với ông để vay số tiền hơn 2,5 tỷ đồng với lãi suất bằng 0%. Đổi lại, con ông là cháu Nguyễn S.T được hỗ trợ học tập, đào tạo tại trường trọn vẹn trong thời gian học chương trình chính khóa.
Tiếp theo, do nhu cầu cần vay thêm vốn từ bà Nguyễn Thị Út Em nên hai bên đã tiến hành ký tiếp phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng này thể hiện, ông T tiếp tục cho bà Nguyễn Thị Út Em vay thêm số tiền là 110.000 USD.
Theo thỏa thuận hợp đồng ký giữa hai bên, Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (Trường Quốc tế Mỹ) và bà Nguyễn Thị Út Em phải có nghĩa vụ hoàn trả khoản vay cho ông T trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày con ông T hoàn thành xong chương trình chính khóa, hoặc hoàn thành thủ tục chuyển trường.
Tuy nhiên, sau khi con ông T hoàn thành thủ tục chuyển trường đã lâu, tới nay ông T vẫn chưa nhận được một đồng nào khoản vay phải hoàn trả từ phía nhà trường. Dù trước đó trường đã có nhiều buổi làm việc và đã có hai biên bản cam kết thời gian hoàn trả tiền cho ông T.
Hồi đầu năm nay, Trường Quốc tế Mỹ đã ban hành công văn số 01/01 KT-QTM/23 ký ngày 6/1/2023 cam kết hoàn trả gói đầu tư của ông T làm 4 đợt bắt đầu từ 19/3/2023 (đợt 1) đến ngày 30/6/2023.
Tuy vậy, sau nhiều tháng chờ đợi, ông N.C.T vẫn không nhận được tiền hoàn trả theo cam kết tiến độ mà Trường Quốc tế Mỹ đã cam kết với ông.
Sau đó, tại buổi làm việc giữa ông T và bà Nguyễn Thị Út Em, đại diện nhà trường vào ngày 25/5/2023, phía Trường Quốc tế Mỹ đã cam kết lịch hoàn trả khoản vay 220.000 USD cho ông làm 3 đợt (trong thời gian từ ngày 15/7/2023 đến ngày 15/9/2023).
Tuy nhiên, cũng như lần làm việc và cam kết trả tiền đầu tiên, đến nay ông T vẫn không nhận được bất cứ đồng nào cũng như thiện chí trả nợ từ phía nhà trường và bà Nguyễn Thị Út Em.
"Tôi cũng đã nhiều lần gửi email đến trường, điện thoại cho bà Út Em để yêu cầu thanh toán khoản vay cho tôi nhưng đều không nhận được sự phản hồi. Tới thời điểm này, bằng thiện chí và sự chờ đợi của tôi nhưng đối tác vay nợ của tôi đã và đang có dấu hiệu của sự né tránh, không thực hiện các cam kết đã ký với tôi, đồng thời có dấu hiệu chiếm đoạt của tôi số tiền lớn", ông T bức xúc nói.
Theo ông T, bà Út Em và nhà trường hứa với truyền thông rằng sẽ liên hệ làm việc với phụ huynh nhưng đến chiều nay (28/9), ông vẫn chưa nhận được cuộc hẹn nào từ phía Nhà trường.
Tương tự, bà P.C.L (Q.3) cũng cho biết đã làm việc với Trường Quốc tế Mỹ và ký thỏa thuận xác nhận nợ, cam kết trả tiền nợ số 01/TTN/2022 với lộ trình trả khoản vay hơn 8 tỷ đồng cho bà từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2023.
Tuy nhiên, sau đợt 1 hoàn trả số tiền 248.000.000 đồng thì bà Út Em không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết.
"Không chỉ né tránh và cắt mọi liên lạc, chúng tôi đến tận trường để đòi nợ cũng không nhận được phản hồi từ bà Út Em", bà L nói.
Theo đó, bà L đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an TP.HCM để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Thị Út Em.
Theo Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn luật sư TP.HCM, việc bà Nguyễn Thị Út Em là Chủ tịch HĐQT của Trường Quốc tế Mỹ vay tiền của phụ huynh có ký hợp đồng vay và cam kết trả nợ, nhưng đến hạn trả nợ thì tránh né, không gặp, không phản hồi (có dấu hiệu trốn mặc dù phụ huynh học sinh đã tìm đủ cách nhưng vẫn không gặp được). Động thái này cho thấy bà Út Em có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Hành vi này của Chủ tịch HĐQT rõ ràng là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
"Theo luật, Chủ tịch HĐQT nếu phạm tội chiếm đoạt với số tiền từ 9 - 10 tỷ đồng có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, và có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4, Khoản 5 Điều 175 BLHS 2015 SDBS 2017).
Còn đối với lĩnh vực giáo dục, hành vi của bà Nguyễn Thị Út Em đã vi phạm quy định về đạo đức của nhà giáo: Không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật (QĐ:16/2008/QĐ-BGDĐT, 14/6/2008 của Bộ trưởng BGD&ĐT); vi phạm quy định về điều cấm lợi dụng hoạt động giáo dục để nhằm mục đích vụ lợi (Khoản 2 Điều 21 Luật giá dục số 43/2019/QH14, 14/6/2019). Đây là những hành vi rất đáng lên án", LS Lê Bá Thường nói.