Tại huyện Gia Lâm, một trong những mô hình tiêu biểu cho chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả là HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng. Việc duy trì mối liên kết với hơn 40 hộ chăn nuôi bò sữa thời gian qua đã giúp HTX yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sữa nguyên liệu, còn các nông hộ, gia trại, trang trại cũng không phải lo lắng về bài toán đầu ra.
Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Lợi (ở thôn Phù Dực) đã ký hợp đồng cung ứng sữa bò cho HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng được 6 năm. Trung bình mỗi ngày, gia đình anh cung cấp cho HTX khoảng 60 lít sữa bò, vì vậy luôn có thu nhập ổn định.
Về phía HTX Chế biến sữa bò Phù Đổng, nhờ quy trình liên kết sản xuất – tiêu thụ chuyên nghiệp với sự tham gia của người chăn nuôi, doanh thu của HTX đạt khoảng 1,1 tỷ đồng/tháng.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có: 1.759 trang trại và 243 trang trại đang ứng dụng công nghệ cao
Tương tự, tại huyện Ba Vì, Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì cũng đang bắt tay với hơn 20 nông hộ trên địa bàn để sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ sữa. Mỗi ngày đơn vị thu mua từ 1,5 - 2 tấn sữa nguyên liệu từ các nông hộ, gia trại, trang trại. Đối với các hộ ký hợp đồng cung cấp sữa tươi, công ty sẽ cử cán bộ có chuyên môn thực hiện việc hướng dẫn chăn nuôi theo đúng quy trình…, đảm bảo nguồn sữa đưa về nhà máy có chất lượng tốt nhất.
Theo đánh giá của Sở NNPTNT Hà Nội, nhờ sớm xác định liên kết chuỗi là "chìa khóa" của nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, đảm bảo lợi ích, hài hòa cho các chủ thể cùng tham gia, đồng thời khắc phục tình trạng canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mất an toàn thực phẩm, bảo đảm đầu ra cho nông sản nên trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình "đầu tàu"...
Việc sản xuất theo hướng an toàn không chỉ giúp người nông dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm truyền thống mà còn giúp các ngành chức năng thuận lợi hơn trong quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…
"Sân chơi" cho các trang trại, HTX
Nhận thấy liên kết chuỗi mang lại đa giá trị nên ngay từ khi mới thành lập, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã theo đuổi mô hình liên kết với bà con nông dân trồng lúa hữu cơ. Ban đầu HTX chỉ có diện tích sản xuất vài ha thì nay đã mở rộng lên 52ha, với 103 thành viên chức thức và hàng trăm hộ nông dân cùng tham gia sản xuất.
Nhờ đó, giá gạo của HTX luôn cao gấp 2,5 - 3 lần so với các loại gạo thông thường khác, cho doanh thu hơn 160 triệu đồng/ha. Gạo của HTX cũng là sản phẩm nằm trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản tiêu biểu của Hà Nội theo hình thức liên kết "4 nhà" (Nhà quản lý - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà kinh doanh).
Bà Trịnh Thị Nguyệt - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú chia sẻ: "Nếu trong sản xuất mà có sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, tiêu thụ sẽ không chỉ góp phần đảm bảo sản xuất bền vững và còn đóng góp cho cả xã hội. Tham gia vào chuỗi liên kết thì nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp đều có "sân chơi" để phát triển bền vững".
Theo tính toán của Sở NNPTNT Hà Nội, doanh thu bình quân của 1 trang trại trên địa bàn hiện đạt hơn 2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển kinh tế trang trại vẫn gặp một số khó khăn về nguồn vốn, chất lượng nhân lực lao động, ứng dụng khoa học công nghệ mới, các mối liên kết giữa trang trại với HTX, doanh nghiệp chưa thực sự bền vững...
Do đó thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm... gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở NNPTNT sẽ tham mưu cho thành phố xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.