Không chỉ là hình thức bên ngoài mà cả nội tại bên trong hoạt động của các chợ đều đã thay đổi rất nhiều khiến mọi người suy ngẫm.
Cần phải làm gì để những ngôi chợ truyền thống vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phục vụ tốt cộng đồng trong xu thế phát triển ngày càng nhanh của quá trình đô thị hóa và tác động mạnh mẽ của công nghiệp 4.0 đang là bài toán đặt ra cho các ngành chức năng cần phải sớm giải quyết.
Đối với mỗi người dân đất Việt, chợ từ xa xưa đã rất thân thuộc bởi đó không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi diễn ra các sinh hoạt của đời sống cộng đồng, mang bản sắc văn hóa, kinh tế riêng biệt của mỗi vùng.
Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều khu chợ đã có những cải đổi để thích nghi với thời cuộc, nhưng hồn cốt chứa đựng trong nó vẫn mang nhiều bản sắc địa phương và khó thay thế được.
Hình ảnh chợ Xuân (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) trong ký ức của nhiều người (ảnh tư liệu).
Từ tờ mờ sáng, bà Nguyễn Thị Thuận (xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) đã dậy sớm túc tắc đạp xe, hòa cùng dòng người nhộn nhịp của phiên chợ Núi (xã Lãng Ngâm).
Gặp chúng tôi khi đã gần trưa vẫn thấy bà loanh quanh bên các gian hàng bán hoa quả, bà tâm sự: Rời xa quê hương đi làm kinh tế mới ở Bình Phước đã ngót 40 năm, nhưng mỗi lần về thăm nhà, tôi vẫn háo hức mong được đi chợ Núi.
Dẫu có thể mua những món hàng bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nhưng cảm giác được đi chợ đúng phiên như thế này vẫn khiến tôi thấy thân quen và rất thích thú như ngày thơ bé...
Cũng giống như các địa phương Bắc Bộ khác, chợ Núi nằm ở sườn dốc của dãy thiên Thai là chợ phiên, họp vào các ngày âm lịch có đuôi 2-5-7-10.
Trong ký ức của bà Thuận và nhiều người dân quanh vùng, chợ Núi khá nổi tiếng bởi gắn liền với phố Núi (xưa chỉ có mấy dẫy nhà ngói cũ bán hàng mậu dịch nên được người dân quen gọi là phố) là một trong những trung tâm mua sắm hàng hóa thời bao cấp.
Trong chợ có những gian hàng được xây gạch xen lẫn với các gian hàng lợp mái lá, trên chõng tre và rất nhiều là để ngay dưới đất nhưng bày bán khá đầy đủ những mặt hành lương thực, thực phẩm, hàng gia dụng và cả công cụ thiết yếu cho cuộc sống và sản xuất của người dân trong vùng.
Bởi thế, chợ Núi cũng như những chợ phiên khác ở các vùng quê không những là nơi mua sắm, trao đổi hàng hóa mà còn là điểm sinh hoạt, giao lưu của người dân trong vùng sau những ngày mùa bận rộn.
Người dân khi có nhu cầu thường có thói quen để dành tới ngày tổ chức phiên chợ mới đến bán hoặc mua, đôi khi đi chợ chỉ để ngắm hay hẹn hò, giao lưu với bạn bè, người quen sau những ngày làm việc vất vả.
Bởi thế, chợ phiên thường rất đông vui, tấp nập, đặc biệt là vào những ngày rằm, ngày tết, chỉ cần tới cổng chợ thôi là người ta đã thấy được ngay không khí rộn ràng náo nhiệt rồi.
Chợ phiên ở quê đa phần đều họp từ buổi sáng sớm đến giữa trưa, có khi tan rất sớm nếu vào ngày mùa.
Trong vùng, các chợ phiên đều xếp lịch họp thật khéo để bảo đảm cho người dân đi chợ được quanh năm suốt tháng. Mỗi ngôi chợ thường được đặt theo tên địa danh gắn liền. Nổi bật ở Bắc Ninh là những ngôi chợ truyền thống như: chợ Dâu, chợ Chì, chợ Ngụ, chợ Thứa...
Hay cũng có thể đặt tên chợ theo mặt hàng bày bán chuyên biệt: như chợ Giữa ở làng dệt Đại Mão bán vải, dâu tằm; Chợ Lãng nằm bên bờ sông Cầu bán các loại chum, vại, nồi đất, ấm, chén… Đặc biệt còn có chợ mang tính chất cầu may như chợ Ó họp lúc nửa đêm về sáng ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm...
Ngày nay, nhiều ngôi chợ đã chuyển từ họp phiên sang họp hàng ngày nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng cao của người dân song dù họp phiên hay họp hàng ngày thì đến những khu chợ truyền thống với lịch sử lâu đời, ai cũng thấy rõ những bản sắc mang đậm dấu ấn địa phương.
Chợ Làng Hoa (xã Lạc Vệ, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), mang nét đặc trưng ở nông thôn hiện nay.
Chuyện về phiên chợ của bà Thuận giờ đây có vẻ xa xôi đối với thế hệ con cháu của bà. Những người nội trợ hiện đại, những thanh niên giờ đã quen với các cửa hàng tiện lợi, những khu trung tâm thương mại và ít lui tới chợ hơn.
Chúng tôi theo chân chị Trần Thị Bích (Lạc Vệ, Tiên Du) đi chợ Và (phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) từ sáng sớm nhưng lại thấy chị lựa chọn rất nhanh một vài đồ chế biến sẵn rồi ra về.
Chị bảo: “Tôi tranh thủ đưa con đi học rồi phi ra chợ mua thức ăn hàng ngày. Giờ chợ ngày nào cũng họp, những mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau củ luôn sẵn để mua. Chợ phiên dù hàng hóa phong phú hơn nhưng những mặt hàng đó tôi có thể mua tại các cửa hàng trên phố. Đi chợ chen chúc, nóng nực mất thời gian nên tôi cũng ít đi chợ phiên rồi”.
Chia tay chị Bích, chúng tôi quay về chợ Dâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Trong không gian của ngôi chợ truyền thống không còn bóng dáng của những chiếc chõng tre bày hàng, nhiều ki ốt, quầy bán được dựng cố định tươm tất hơn, ngoài ra còn có những chiếc xe chở hoa quả, rau củ lưu động...
Người bán ở chợ cũng khá phong phú, phần nhiều vẫn là những người phụ nữ nhưng có không ít cánh đàn ông, thanh niên và thậm chí có cả những doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hiền bán hàng hoa quả ở đây cho biết: Trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt là từ khi xuất hiện COVID-19, lối đi chợ của nhiều người cũng thay đổi lớn.
Từ chỗ trực tiếp đi chợ hằng ngày, nhiều bà nội trợ chuyển sang mua tích trữ cho cả tuần hay mua hàng hóa trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, công sức. Bản thân tiểu thương chúng tôi giờ cũng thay đổi cách bán hàng, không chỉ là ra sạp mở quầy và chờ khách đến mà áp dụng thêm nhiều hình thức livestream, quảng cáo online, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà...”.
Quả vậy, mua bán hàng online đang trở thành xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số nên đã tác động mạnh mẽ tới thói quen tiêu dùng của người dân và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các chợ truyền thống.
Để thu hút người dân đến chợ và phát huy vai trò của chợ truyền thống, bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, cải tạo khang trang, hiện đại. Đặc biệt là cung cách hoạt động và quản lý của chợ cũng đã có nhiều đổi khác để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.
Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 108 chợ trong quy hoạch, trong đó có 69 chợ ở khu vực nông thôn, 39 chợ ở thành thị.
Mặc dù các chợ hiện nay chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và đa số quy mô nhỏ, song hệ thống chợ trong tỉnh đã phục vụ tích cực cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân, nhất là giải quyết một phần tiêu thụ các hàng hóa nông sản của nông dân.
Nhiều chợ đã phát triển, mở rộng quy mô, ngành hàng, thu hút thêm nhiều tiểu thương tham gia, tạo nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh trong chợ. Đặc biệt, hiện nay đã có một số doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ để kinh doanh khai thác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động như chợ Chi Long (huyện Yên Phong), chợ Châu Cầu (Quế Võ)…
Nhìn chung, dù ở đô thị hay vùng nông thôn, chợ truyền thống vẫn là nơi buôn bán chủ yếu của phần đông dân cư bởi nhiều lý do: thói quen, sự tiện lợi của không gian rộng rãi, những đặc tính riêng biệt về văn hóa và không gian giao tiếp cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, ngoài các chợ truyền thống, đã xuất hiện nhiều khu mua sắm hiện đại với hệ thống các siêu thị, cửa hàng ở quy mô khác nhau, mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Đặc biệt là tốc độ phát triển nhanh chóng của các mô hình bán hàng online đang thu hút mạnh mẽ sự tham gia của cả những người kinh doanh và tiêu dùng tác động rất lớn đến các loại hình kinh doanh truyền thống.
Giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt ấy, người ta đã thấy nhiều điểm bất lợi của mô hình chợ truyền thống, kể cả những chợ lâu đời, đòi hỏi phải có những thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển.