Giếng cổ ngàn năm ở Bắc Ninh, là nơi Phật Mẫu Man Nương cắm cây gậy, vậy bà là ai?
Một cái giếng cổ ở Bắc Ninh, tương truyền là nơi Phật Mẫu Man Nương cắm cây gậy, vậy bà là ai?
Thứ tư, ngày 16/08/2023 05:14 AM (GMT+7)
Giếng cổ-giếng nước Man Nương thẳm sâu, bình dị giữa vườn cây cổ thụ thâm nghiêm phía sau tòa Tam Bảo của chùa Tổ-Phúc Nghiêm Tự, thuộc phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh).
Tương truyền, cái giếng cổ có tên là giếng Man Nương là mạch nước thiêng, nơi Phật Mẫu Man Nương cắm cây gậy thần xuống đất phát nguyện cầu mưa vào một năm hạn hán.
Sau đó, mưa trên trời rơi xuống, nước dưới đất phun lên tràn trề, vạn vật nhờ đó được hồi sinh, cây cối, ruộng đồng lại tươi xanh, nhân dân vui sướng hả hê vì được cứu thoát khỏi nạn hạn hán...
Phật Mẫu Man Nương là một nhân vật liên quan đến sự tích Phật giáo được truyền vào Việt Nam từ buổi đầu Công nguyên.
Bà có tên là A Man/Man Nương, người làng Mãn Xá (tên nôm là làng Mèn) thuộc vùng Luy Lâu xưa, tức thị xã Thuận Thành của tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Man Nương là con gái ông bà Tu Định - người rất mộ đạo Phật, là đệ tử của Khâu Đà La thiền sư. Ngôi chùa Tổ hiện nay chính là nền nhà cũ của gia đình ông bà Tu Định đã được “cải gia vi tự”.
Chùa Tổ và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu đã trở thành dấu tích quan trọng của quá trình hình thành và phát triển Phật giáo Việt Nam.
Theo Cổ Châu Phật bản hạnh (Bộ mộc bản in khắc năm 1752 hiện lưu giữ tại chùa Dâu), ông bà Tu Định ở làng Mèn vùng Luy Lâu là gia đình có tâm với Phật giáo.
Vào khoảng năm 168 - 189 (Dương lịch), có vị Thánh tăng Khâu Đà La, người nước Ấn Độ, trong hành trình giảng đạo đã đến vùng đất cổ Luy Lâu.
Đến vùng đất cổ này, thiền sư Khâu Đà La được ông bà Tu Định mời về ở lại trong nhà mình. Hàng ngày, Thiền sư thực hành phép tu khổ hạnh, nhịn ăn nhiều ngày. Thấy vậy, ông bà Tu Định sinh lòng ngưỡng mộ và bảo người con gái duy nhất của mình lo sửa soạn thắp đèn, cung kính cơm nước cho sư. Khâu Đà La lấy làm lạ, đặt tên là A Man.
Ở nhà Tu Định được hơn 1 tháng, sư Khâu Đà La bèn giã từ rời đi. Trước khi rời đi, Thiền sư gọi A Man đến trước mặt, đưa tay xoa đầu mà nói: “Con đã thành pháp khí của ta”. Nhân đó lại bảo: “Sau đây ba năm, trời tất có hạn lớn, chẳng phải chỉ mùa lúa khô héo, mà người vật đều không có chỗ uống. Ta giúp nhà con một việc sức khí”.
Nói xong, sư Khâu Đà La ở trong vườn lấy gậy cắm sâu xuống đất rồi nhổ ra, nước theo đó mà phun lên. Ông bà Tu Định lấy chỗ đó đào giếng để chuẩn bị cho thiên tai hạn hán sắp tới... Quả nhiên, sau đó gặp phải hạn hán, ba năm không mưa, đầm hồ khô cạn, nhiều người chết khát, riêng nhà A Man, giếng múc không cạn, phần lớn người ở thành Luy Lâu được nhờ ơn giếng ấy.
Giếng cổ, giếng làng Mãn Xá-giếng Man Nương ở chùa Tổ - Phúc Nghiêm Tự, thuộc phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thuận Thành xưa là vùng đất cổ Luy Lâu.
Truyền thuyết dân gian còn kể rằng, nàng Man Nương được ông bà Tu Định cho theo học hỏi thiền sư Khâu Đà La.
Một hôm, sau khi quét dọn cửa chùa, nàng Man Nương thiếp đi ngay lối ra vào. Thiền sư đi giảng đạo về thấy vậy không nỡ đánh thức mà bước qua người nàng. Man Nương sau đó thụ thai rồi sinh hạ một bé gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch). Sư Khâu Đà La làm phép gửi đứa bé vào thân cây dung thụ.
Về sau, mưa bão lũ lụt làm cây lớn đổ và trôi dạt về sông Dâu. Dân làng xô nhau ra kéo nhưng cây không nhúc nhích, đúng lúc ấy, nàng Man Nương ra sông, tung dải yếm và bảo “có phải con mẹ thì về với mẹ”.
Tự dưng cây lớn trôi vào, được dân làng đưa lên bờ dễ dàng, khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Biết chuyện, Sĩ Vương (tức Sĩ Nhiếp-Nam giao học tổ) lúc đó đang làm Thái thú Giao Châu tại trị sở Luy Lâu cũng được báo mộng, đem cây gỗ lớn tạc thành bốn pho tượng và đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Phật Tứ Pháp) gắn liền với bốn hiện tượng thiên nhiên mây, mưa, sấm, chớp vốn là một tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp vùng Dâu cổ xưa.
Nhiều thế kỷ qua, giếng cổ Man Nương gắn bó thân thuộc và lưu dấu bao kỉ niệm, kí ức ngọt lành của người dân trong vùng.
Bà con địa phương kể, những buổi đi làm đồng nắng nóng vẫn thường vào chùa nghỉ dưới bóng cây cổ thụ, xin nước giếng Man Nương uống.
Đến tận bây giờ, mỗi khi gia đình có việc hiếu, hoặc mong muốn điều may mắn, người dân trong làng vẫn lên chùa xin nước giếng cổ Man Nương về sử dụng lấy khước.
Cụ Trần Đình Chỉnh, 87 tuổi ở khu phố Mãn Xá (phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nhớ lại: Thời kháng chiến chống Pháp, lúc giặc đi càn, chúng ném gậy gộc, cuốc xẻng xuống giếng, tôi là người từng lặn xuống giếng để vớt cuốc xẻng lên...
Bà con nhiều lần đào giếng ở vị trí khác trong khuôn viên chùa nhưng đều không có nước hoặc có nhưng nước bị nhiễm tạp chất, không sử dụng được. Chỉ duy nhất nước giếng Man Nương là quanh năm ngọt lành, trong vắt, không lúc nào cạn.
Cùng với mạch nước thiêng giếng cổ Man Nương, phía trước tòa Thượng điện, từ cổng chính đi thẳng vào, hai bên sân chùa còn có hai hồ nước được người dân quen gọi là giếng mắt rồng.
Sư trụ trì Thích Thanh Dũng cho biết: Giếng mắt rồng vốn là hai ao nhỏ trữ nước để tưới cho các ruộng lúa lân cận, sau đó nhà chùa cùng dân làng cho nạo vét, tôn tạo thành hai hồ nước thả sen, súng, tạo không gian cảnh quan ngôi chùa.
Chùa Tổ-Phúc Nghiêm Tự vốn được khởi dựng từ lâu đời, được nhiều triều đại trùng tu. Chùa còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật quý giá như tượng thờ, bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối...
Những tài liệu cổ vật quý giá này minh chứng sự có mặt của vị sư Ấn Độ Khâu Đà La và Man Nương là có thật và họ chính là những người góp công tạo nên hệ thống Phật Tứ Pháp vùng Dâu-Luy Lâu.
Năm 2001, chùa Tổ được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Hiện nay, di tích đang được trùng tu theo Dự án đầu tư xây dựng tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Luy Lâu và hệ thống Tứ Pháp, Thuận Thành do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.