Từ TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), PV Dân Việt vượt hơn 100km đường đèo, qua nhiều khúc cua tay áo, gập ghềnh mới tới được xã miền núi Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Nơi đây, hơn 90% là người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều) sinh sống, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn.
Qua mẩu chuyện với bà con dân bản, PV biết tới ông Đinh Hợp là người làm kinh tế giỏi, có đàn bò lớn nhất xã, còn sắm được ô tô, máy cày với tổng giá trị tiền tỷ.
Clip: Ông Đinh Hợp (ở xã miền núi Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ về việc nuôi đàn bò hàng chục con
PV Dân Việt tìm tới nhà ông Đinh Hợp, căn nhà sàn 2 tầng nằm cạnh con dốc đứng ở bản Nịu, xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Tới nơi, PV bắt gặp cảnh ông Đinh Hợp đang chuẩn bị đồ dùng để đi rừng, dứt lời chào, ông mời PV vào nhà thưởng thức nước lá của bà con nơi đây.
Ông Đinh Hợp bảo rằng, ông là người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều), từng làm chức Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch 3 nhiệm kỳ, từ năm 2005 đến năm 2020. Hiện ông tập trung phát triển kinh tế và giúp bà con dân bản làm ăn, vươn lên thoát nghèo.
Ông Đinh Hợp nhớ lại: "Từ năm 1994, tôi đã nuôi bò ở vùng cao này, thời điểm đó, tôi được kết nạp Đảng và làm chức phó xã đội trưởng, vừa làm ăn, vừa xây dựng, bảo vệ bình yên bản làng".
"Ngày ấy, nơi đây hoang sơ lắm, ít người sinh sống, tôi cùng với vợ hằng ngày khai hoang, mở rộng đất để trồng khoai, trồng sắn. Khi cái bụng đã no vì có cái ăn, tôi mới nghĩ đến nuôi bò với số lượng lớn, thế là tôi khoanh quả đồi đã khai hoang làm nơi chăn thả.
Sáng sớm, tôi thả đàn bò lên vùng đồi rồi đến chiều muộn lại lùa về chuồng. Để phòng tránh dịch bệnh, tôi thường về dưới xuôi, gọi cán bộ thú ý huyện lên tiêm phòng năm 2 lần nên bò ít khi ốm đau", ông Hợp chia sẻ.
Theo ông Đinh Hợp, vào năm 2009, ông có quyết định táo bạo là đổi 11 con bò lấy máy cày hiệu Bông Sen để về cày ruộng lúa, nương ngô, nương sắn cho gia đình và bà con trong xã. Không dừng lại ở đó, ông Hợp còn tới gặp Bộ đội Biên phòng để làm thủ tục cho chiếc máy cày sang nước bạn Lào làm đất cho người dân bên đó, mỗi vụ, chiếc máy cày đem về cho gia đình ông gần 2.000 đô la Mỹ.
Năm 2015, là lúc ông nuôi bò nhiều nhất với 80 con, trung bình mỗi con giá 10 triệu đồng. Người dân trong xã từ đó gọi ông là triệu phú chăn bò.
Ông Đinh Hợp tâm niệm, con người phải có tri thức, lúc đó mới phát triển kinh tế được nên ông luôn nhắc nhở các con phải học hành. Số lượng bò của ông bớt đi cũng bởi ông bán để lấy tiền cho các con đi học Đại học.
Hiện ông có 7 người con, trong đó, có người đã học về làm ở công an huyện, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trạm y tế xã và còn người con đang học sư phạm ở Trường Đại học Quảng Bình.
Năm 2020, ông bán bò để mua bán tải Mazda - BT50 với giá khoảng 800 triệu đồng. Lúc đó, ông là người đầu tiên ở xã này sắm được con xe hơi "xịn", khiến bao người mơ ước.
Hiện tại, ông đang nuôi 40 con bò, ngoài ra, ông còn có 1 ha rẫy trồng sắn, rừng cao su rộng 6ha và gần 10 ha trồng keo. Trung bình mỗi năm, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng, đối với người Ma Coong, ông là người làm kinh tế giỏi và được mệnh danh là triệu phú chăn bò.
Trong cuộc trò chuyện với PV Dân Việt, ông Đinh Hợp nhớ lại thời còn làm Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Lúc đó, bà con dân bản còn lắm hủ tục lạc hậu, chưa biết đọc, biết viết tiếng Việt. Ông phải dùng kiến thức học được rồi truyền lại cho bà con bằng tiếng bản địa.
Ông Đinh Hợp chia sẻ: "Làm cán bộ xã nên tôi phải gương mẫu, đặc biệt, là người đứng đầu địa phương, dân tin, dân bầu mình lên thì mình phải tận tậm, yêu thương đồng bào và luôn đi theo con đường của Đảng, theo lời Bác Hồ dạy".
"Tôi nhớ lời Bác Hồ dạy rằng "tuyên truyền là đem một việc gì đó để nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục tiêu đó là tuyên truyền thất bại". Thế nên, hằng ngày, tôi luôn bám sát đời sống bà con để hiểu họ rồi mới đưa ra cách thức chuyển tải chính sách, pháp luật của Nhà nước cho dân hiểu.
Trước đây, bảng hiệu, áp phích tuyên truyền ở các bản không có hiệu quả, vì bà con họ không biết chữ. Tôi phải đi bộ hàng chục km, tới từng nhà dân, nói tiếng Ma Coong cho người dân họ hiểu, không tảo hôn, không cúng bái để chữa bệnh", ông Đinh Hợp nói.
Theo người Ma Coong sinh sống ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), ông Đinh Hợp thường xuyên giúp đỡ mọi người, ai đau ốm nặng, ông sẽ dùng chiếc xe hơi của gia đình để đưa xuống huyện khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, ông luôn động viên mọi người làm ăn, hỗ trợ con giống, cây giống để dân bản phát triển kinh tế.
"Ông Đinh Hợp có gần 30 năm tuổi Đảng, là người rất tận tâm, trách nhiệm với công việc cộng đồng, luôn giúp đỡ dân bản vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ hủ tục, bài trừ cái xấu. Đặc biệt, ông Đinh Hợp còn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, hiện đang có đàn bò lớn nhất xã. Ông vinh dự nhiều lần nhận bằng khen từ cấp trung ương tới địa phương về những công việc mà ông đã làm cho gia đình, xã hội, nhất là với cộng đồng người Ma Coong sinh sống ở xã miền núi Thượng Trạch", ông Đỗ Mạnh Tài – Bí thư Đảng ủy xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ.