Lễ hội đặc biệt của người Ma Coong ở Quảng Bình, hồi hộp nhất khi cả làng xúm vào đập thủng mặt trống

Trần Anh Thứ ba, ngày 02/05/2023 05:40 AM (GMT+7)
Lễ hội Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được tổ chức vào 16/1 âm lịch hằng năm. Tại lễ hội truyền thống đặc biệt của người Ma Coong, phần hấp dẫn nhất là khi cả làng xúm vào đập thủng mặt trống...
Bình luận 0

Trong lễ hội Đập trống, cả làng người Ma Coong ở Quảng Bình xúm vào đập thủng mặt trống, rồi sau đó nam, nữ yêu nhau dắt tay nhau vào rừng "thả cửa tình yêu". Đó là nét văn hóa độc đáo trong lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được tổ chức vào 16/1 âm lịch hằng năm.

Linh thiêng lễ hội Đập trống của người Ma Coong ở Quảng Bình

Từ chập choạng tối 6/2 (16/1 âm lịch), đông bà con ở 18 bản trong xã Thượng Trạch đổ về bản Cà Ròong 1 để tham gia lễ hội. Đáng chú ý, nhiều người ở dưới xuôi lên hay ở các bản xa như A Ky, Cồn Roày, Cu Tồn và cả đồng bào Ma Coong bên nước bạn Lào cũng băng rừng tới tham gia.

Clip: Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống trong lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Khi màn đêm buông xuống, mọi người quây tròn trên một vùng đất rộng giữa bản, trống được treo lên, lửa cũng cháy rực. Già làng bày lễ vật và 7 mâm cỗ cúng Giàng.

Mỗi mâm cỗ gồm một con gà trống, một con cá, một líp xôi, đọt măng rừng, đọt mây, cây đoác. Trước 7 mâm là 7 hũ rượu thiêng. Loại rượu này được ủ bằng những lá cây rừng đặc biệt của người Ma Coong với nếp ngon được cất cả năm mới đưa ra.

Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống rồi nam, nữ dắt tay nhau vào rừng "thả cửa tình yêu"  - Ảnh 2.

Già làng Đinh Xon bày lễ vật và mâm cỗ để cúng Giàng. Ảnh: TA

Cá cúng Giàng được bắt từ khúc suối Cấm nằm trên con suối A Ky. Gọi là suối cấm vì trước lúc diễn ra lễ hội khoảng 5 tháng, dân bản Cà Roòng sẽ ngăn con suối A Ky từ bản Rào Bụt đến bản Nồm và phân công người trông coi khúc suối không cho ai vào đó bắt cá. Nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt vạ nặng.

Theo nghi thức, già làng đọc lời khấn cầu trời đất phù hộ cho dân bản sống yên lành, làm ăn no đủ, mùa màng bội thu... Xong phần hành lễ, lúa gạo được ném ra tứ phía, cầu mong thóc lúa về đầy bồ, đầy nương.

Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống 

Phần lễ kết thúc là lúc tiếng trống khai hội vang lên. Mọi người xúm lại xung quanh những ché rượu hiên, rượu cần.

Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống rồi nam, nữ dắt tay nhau vào rừng "thả cửa tình yêu"  - Ảnh 4.

Lãnh đạo huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) tham gia lễ hội truyền thống đập trống cùng bà con người Ma Coong. Ảnh: LM

Những thanh niên khỏe mạnh chạy đến giành nhau dùi và dùng hết sức mình đánh trống mạnh, đánh trống nhanh. Vừa đánh trống, thanh niên làng vừa hô vang: "Roa lữ Giàng ơi!", có nghĩa là "sướng quá, vui quá trời ơi!.

Những người không tham gia đánh trống sẽ cùng nhau nhảy múa quanh đống lửa cháy sáng rực.

Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống rồi nam, nữ dắt tay nhau vào rừng "thả cửa tình yêu"  - Ảnh 4.

Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống trong lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: TA

Với người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), tiếng trống đêm lễ hội là nét văn hóa đặc trưng của những con người sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Nhịp trống vang vọng giữa đại ngàn thể hiện khát vọng của một năm mới bội thu về lương thực, bình yên của cuộc sống và thôi thúc đôi lứa đến bên nhau và tìm thấy hạnh phúc của riêng mình.

Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống rồi nam, nữ dắt tay nhau vào rừng "thả cửa tình yêu"  - Ảnh 5.

Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình chung vui cùng lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong. Ảnh: TA

"Đêm tình yêu"

Người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) còn gọi lễ hội đập trống là "đêm yêu nhau" hay "đêm thả cửa". Những cái tên này xuất phát từ việc, vào đêm diễn ra lễ hội đập trống, mọi người không kể lạ quen, tất cả đều được dắt tay nhau vào rừng chuyện trò, tìm hiểu.

Không chỉ có người Ma Coong ở Thượng Trạch mà người Ma Coong ở nước bạn Lào hoặc các bản làng lân cận biên giới Việt - Lào cũng dắt nhau vào rừng tình tứ. Chỉ còn những người già, trẻ con vui chơi bên bếp lửa, hay nhâm nhi bên ché rượu cần.

Cả làng xúm vào đập thủng mặt trống rồi nam, nữ dắt tay nhau vào rừng "thả cửa tình yêu"  - Ảnh 6.

Rất đông người dân đến tham gia lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: TA

Đây là đêm duy nhất trai gái, kể cả những người đàn ông, đàn bà đã có gia đình cũng được Giàng cho phép gắn kết nhau. Mỗi năm chỉ có một ngày, ngày của núi rừng, của những câu chuyện tình yêu. 

Những người trẻ sẽ cùng nhau ước hẹn, chọn ngày mời bố mẹ, già làng đến nhà cô gái đặt lễ trầu cau, nên duyên vợ chồng.

Theo câu chuyện truyền miệng của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), lễ hội đập trống có từ thời xa xưa. Thời ấy, người Ma Coong đến đây để làm nơi an cư lạc nghiệp nhưng việc sản xuất nông nghiệp của họ lại gặp nhiều khó khăn dù đã rất chăm chỉ.

Nguyên nhân bởi ở đây có một con khỉ mà người thời ấy thường gọi là "vua khỉ" thường tác oai, tác quái quấy phá mùa màng của bà con. "Vua khỉ" này có cái trống phép thuật, hễ lúa chín trên rẫy lại đánh trống, lúa thóc của người Ma Coong cứ thế theo tiếng trống của "vua khỉ" bỏ dân làng ra đi.

Sau nhiều ngày trăn trở tìm cách đối phó cùng với sự giúp đỡ của Giàng, người dân đã chiếm được chiếc trống. Với tất cả lòng căm giận, họ đập toác mặt trống để "vua khỉ" không còn vũ khí tác oai, tác quái nữa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem