Chiều 2/10, tại họp báo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin về vụ án xảy ra tại Cổ phần đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam).
Theo Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, quá trình điều tra xác định từ năm 2020 đến 2022, Công ty Nhật Nam tổng thu khoảng 8.900 tỷ đồng của khoảng 20.000 cá nhân thông qua 45.525 hợp đồng kinh doanh, trong đó có nhiều cá nhân đứng tên nhiều hợp đồng.
Công ty này sử dụng chi trả tiền gốc và tiền lãi cho các cá nhân với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng, bằng hình thức lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.
Chi phí hoạt động là 520 tỷ đồng, công ty chi hoa hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn hơn 2.000 tỷ đồng, chi cho cá nhân Vũ Thị Thúy (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nhật Nam) hơn 600 tỷ đồng, số tiền còn lại gần 1.000 tỷ đồng hiện chưa rõ nội dung chi đi đâu.
"Công an đã kiểm kê, phong tỏa khoảng 20 tài khoản nhưng 20 tài khoản này không có tiền. Cơ quan chức năng đang tích cực kê biên nhà cửa, đất đai liên quan đến công ty này để đảm bảo quyền lợi cho bị hại khi xét xử vụ án", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng thông tin.
Bước đầu, công an xác nhận có 111 bị hại, số tiền chiếm đoạt là 138 tỷ đồng. Công an TP Hà Nội đang mở rộng để truy bắt đồng phạm trong vụ án và tích cực kê biên tài sản, truy tìm, truy lùng bất động sản khác để đảm bảo quyền lợi cho bị hại.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, ngoài việc chứng minh hành vi phạm tội, các yếu tố về nhân thân, yếu tố lỗi.
Cơ quan điều tra cũng có trách nhiệm phải chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, chứng minh các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó hành vi bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ những thiệt hại mà hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị can gây ra đối với các nạn nhân như thế nào, cụ thể là làm rõ số tiền mà bị can đã chiếm đoạt hiện đang cất giấu ở đâu, ai là người quản lý để phong tỏa, kê biên đảm bảo thi hành án.
Theo ông Cường, đối với những vụ án có gây thiệt hại đến tài sản của người bị hại, việc bồi thường khắc phục hậu quả, thu giữ tài sản để trả lại cho người bị hại là vấn đề rất quan trọng.
Việc này cho thấy tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và nếu bị can, bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, đây là tình tiết giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Thực tế cho thấy đối với những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà đối tượng thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, có lập kế hoạch chặt chẽ từ trước, hành vi phạm tội đến cùng, các đối tượng thường thực hiện các hành vi rửa tiền, che giấu nguồn gốc tài sản để đề phòng tình huống nếu bị phát hiện, bắt giữ vẫn cất giấu được tài sản.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn mà bị can đã sử dụng để chiếm đoạt tài sản, sẽ làm rõ giá trị tài sản bị chiếm đoạt và "dòng tiền", "đường đi" của tài sản được di chuyển như thế nào, hiện nay tài sản đó đang ở đâu?
Bởi việc xác định tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu, hiện đang ở đâu là một trong những nội dung quan trọng trong chứng minh tội phạm khi chứng minh mặt khách quan của tội phạm.
Ngoài ra tài sản do phạm tội mà có, tài sản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, tài sản của nạn nhân mà đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt là vật chứng trong vụ án hình sự. Về nguyên tắc, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thu giữ và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, trong trường hợp quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị can tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự và những nạn nhân trong vụ án hình sự sẽ được giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Còn trường hợp bị can cố tình không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, không động viên người thân tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ tài sản chiếm đoạt hiện đang ở đâu.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã chứng minh một phần tài sản chiếm đoạt dùng để trả lãi suất cho các bị hại, vậy phần còn lại là bao nhiêu, đang ở đâu, chuyển hóa thành dạng tài sản nào, có hành vi rửa tiền hay không, có đồng phạm khác che giấu, chiếm đoạt tài sản này hay không là vấn đề cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ trong quá trình điều tra.
"Cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng lần nhận tiền của những người bị hại, làm rõ việc chuyển tiền, rút tiền, sử dụng tiền đã chiếm đoạt được như thế nào, chứng minh đường đi của dòng tiền để truy tìm tài sản do phạm tội mà có nhằm giảm bớt thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, làm cơ sở để khắc phục hậu quả đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản" – ông Cường thông tin.