Nghi phạm bắt cóc con của bạn ở Long An, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ ba, ngày 03/10/2023 11:03 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia pháp lý, nghi phạm bắt cóc con của bạn ở Long An, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng có thể đối mặt khung hình phạt cao nhất của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Bình luận 0

Bắt cóc con gái của bạn để đòi tiền chuộc

Công an tỉnh Đồng Nai cho hay vừa bắt khẩn cấp một nghi phạm bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng.

Nghi phạm bắt cóc con của bạn ở Long An, đòi tiền chuộc 2 tỷ đồng có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Nghi phạm Nguyễn Thanh Sơn bị bắt giữ - Ảnh: Công an cung cấp

Nghi phạm bắt cóc trẻ em khai tên Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, ngụ xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An). Sơn bị công an bắt giữ khi đang đi trên một chiếc xe khách qua địa bàn Đồng Nai hướng về tỉnh Lâm Đồng.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 15h ngày 2/10, Sơn đến trường mầm non ở khu dân cư Kiến Phát (phường 6, TP Tân An, Long An) bắt cóc bé gái là con của người bạn.

Hắn đưa bé lên ôtô chạy về xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) rồi đến TP. HCM. Tại đây, Sơn nhắn tin cho cha mẹ cháu bé, yêu cầu "chuộc mạng" con 2 tỷ đồng.

Nhận được tin báo, Công an Long An đề nghị cảnh sát TP.HCM phối hợp truy bắt Sơn, giải cứu bé gái.

Tuy nhiên, gần 21 giờ, Sơn đón xe khách chạy về hướng Đồng Nai. Khi ôtô này đến quốc lộ 20 - địa bàn thuộc huyện Tân Phú (giáp ranh với Lâm Đồng), các trinh sát hình sự, CSGT Công an Đồng Nai đã chốt chặn nhiều lớp yêu cầu dừng xe, khống chế Sơn.

Khai với cảnh sát, nghi can thừa nhận do nợ nần nên đã bắt cóc đứa trẻ để tống tiền. Nạn nhân đang được gửi tại một khách sạn ở TP.HCM. Công an Long An và gia đình đã đến khách sạn đón bé gái.

Đối mặt khung hình phạt chung thân

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi của đối tượng bắt cóc cháu bé, yêu cầu gia đình đưa tiền chuộc là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự.

Hành vi của đối tượng đến một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, trong đó có quyền trẻ em, quyền được bảo vệ về thân thể, tính mạng của trẻ em, quyền tự do đi lại cư trú của công dân và xâm phạm trái pháp luật đến quyền sở hữu tài sản của công dân.

Hành vi của đối tượng gây hoang mang trong dư luận xã hội, gây sợ hãi lo lắng đối với gia đình cháu bé. Vì thế, đối tượng này sẽ bị xử lý về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 169 Bộ luật hình sự.

Nếu bị chứng minh có tội, đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt 15 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Theo ông Cường, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tội danh có cấu thành hình thức, hành vi phạm tội hoàn thành kể từ thời điểm đối tượng bắt giữ cháu bé và yêu cầu gia đình đưa tiền chuộc, không phụ thuộc vào việc đối tượng có lấy được tiền hay không, lấy được bao nhiêu tiền và có trả lại cháu bé cho gia đình hay không.

Hành vi phạm tội là hành vi bắt cóc người này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, người bị bắt cóc thường là những người yếu thế như trẻ em, phụ nữ, người già hoặc những người không có khả năng tự vệ.

Người bị đe dọa để buộc đưa tài sản thường là những người thân thích của nạn nhân bị bắt cóc. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản không chỉ xâm phạm trái pháp luật, trắng trợn đối với quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân mà còn đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem